Việt Nam xếp thứ hai thế giới về tỷ lệ sở hữu tiền điện tử

Infographic dưới đây trích dẫn số liệu từ cổng thanh toán tiền điện tử Triple-A, xếp hạng 10 quốc gia có tỷ lệ phần trăm dân số sở hữu tiền điện tử cao nhất thế giới…

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) tự hào có tỷ lệ sở hữu tiền điện tử cao nhất trên toàn cầu, với 30,4% dân số. Điều này là bởi chính phủ UAE có quan điểm khá thân thiện với tiền điện tử, như được mô tả trong Báo cáo tài sản tiền điện tử năm 2023 của Henley & Partners.

Cơ quan quản lý dịch vụ tài chính (FSRA-ADGM) của UAE là cơ quan đầu tiên cung cấp các quy tắc và quy định liên quan đến việc mua và bán tiền điện tử một cách hợp pháp. Nhìn chung, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có thái độ cởi mở với các công nghệ mới và thậm chí đã đề xuất miễn thuế cho các chủ sở hữu và doanh nghiệp tiền điện tử.

Xếp thứ hai trong danh sách là Việt Nam, với hơn 21% dân số sở hữu tiền điện tử.

Theo báo cáo thường niên của nền tảng dữ liệu blockchain Mỹ Chainalysis, ở năm thứ 2 liên tiếp, Việt Nam một lần nữa đứng đầu thế giới về việc áp dụng tiền điện tử (crypto adoption). Kết quả nghiên cứu, được công bố vào tháng 9/2022, đã xếp Việt Nam ở mức tối đa trong Chỉ số Chấp nhận Tiền điện tử Toàn cầu và chỉ ra rằng Việt Nam nắm giữ thị trường tiền điện tử lớn thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Thái Lan.

Điều này là không quá bất ngờ bởi Việt Nam tiếp tục chứng kiến nền kinh tế ngày càng số hóa trong thập kỷ qua, với việc thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở thành thông lệ (cùng với sự xuất hiện của rất nhiều loại ví điện tử công nghệ cao như Moca, Momo hay Zalopay). Đồng thời, chính phủ Việt Nam cũng lưu ý đến nền kinh tế đang phát triển và sự phổ biến ngày càng tăng của tiền điện tử.

Theo Hội đồng Đổi mới Tiền điện tử, nắm giữ tiền điện tử ở Việt Nam hoàn toàn chưa bị đánh thuế, từ đó khiến chúng trở thành một tài sản hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Một lý do khác giải thích tỷ lệ sở hữu cao của Việt Nam có thể là do một bộ phận dân số không sử dụng ngân hàng hoặc một số dịch vụ tài chính truyền thống khác.

Theo báo cáo của Finders, phần lớn (70%) người Việt Nam sở hữu tiền điện tử là ở độ tuổi 18-34, trong khi đó, chỉ 25% là ở độ tuổi từ 35-54. Trong số tất cả các loại tiền điện tử khác nhau, Bitcoin có mức độ phổ biến nhất, với cứ năm chủ sở hữu tiền điện tử ở Việt Nam thì có ít nhất một người nắm giữ Bitcoin. Bên cạnh các đồng tiền lớn, nhiều nhà đầu tư Việt Nam cũng quan tâm đến GameFi, một loại tiền ảo kết hợp giữa trò chơi điện tử và DeFi.

Đứng thứ ba trong danh sách các quốc gia có tỷ lệ sở hữu tiền điện tử lớn nhất thế giới là Mỹ với khoảng 15% dân số.

Hầu hết (82%) chủ sở hữu tiền điện tử ở Mỹ nằm trong độ tuổi 18-44 và chỉ có 7% trong số họ là từ 55 tuổi trở lên. 44% chủ sở hữu tiền điện tử tại Mỹ có thu nhập hàng năm từ 100.000 USD trở lên, điều này cho thấy tiền điện tử phần lớn thuộc sở hữu của những người Mỹ ở độ tuổi trưởng thành và có thu nhập từ trung bình khá trở lên.

Bitcoin vẫn là lựa chọn phổ biến nhất của các chủ sở hữu tiền điện tử ở Mỹ, với hơn 73% đều nắm giữ đồng tiền ảo giá trị nhất thế giới này. Ethereum theo sát ở vị trí thứ hai, tiếp theo là Ripple (XRP), Tether (USDT) và các đồng altcoin khác.

Lưu ý rằng, danh sách trên dựa vào tỷ lệ % người sở hữu Bitcoin trên tổng dân số của một quốc gia. Nếu xếp hạng dựa vào tổng số lượng chủ sở hữu tiền điện tử của các nước, Ấn Độ sẽ xếp thứ nhất với 93 triệu người, Trung Quốc sẽ xếp thứ hai với 59 triệu người, Mỹ xếp thứ ba với 52 triệu người trong khi Việt Nam và Pakistan xếp thứ 4 và thứ 5, với lần lượt 20 triệu và 15 triệu người.

Kim Nguyễn

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/viet-nam-xep-thu-hai-the-gioi-ve-ty-le-so-huu-tien-dien-tu-post552222.html