Vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn

Trong bối cảnh điều tra, xem xét, xử lý nhiều cán bộ sai phạm như hiện nay và khi đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng đang đến gần, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 142-QĐ/TW về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội và trong lực lượng cán bộ, đảng viên cả nước.

Theo Quy định số 142, sẽ thực hiện thí điểm người đứng đầu được quyền lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp phó giúp việc cho mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành hoạt động của cơ quan và việc thí điểm này chỉ áp dụng từ cấp huyện trở lên. Quy định sẽ góp phần giải tỏa khó khăn cho người đứng đầu trong việc lựa chọn, xây dựng bộ máy hoạt động đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, phát huy trí tuệ tập thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao. Người đứng đầu sẽ có được ê-kíp làm việc tốt nhất, giúp công việc của cơ quan, đơn vị trôi chảy, thuận lợi hơn. Quy định giao quyền lực cho người đứng đầu, nhưng đồng thời cũng gắn với trách nhiệm cụ thể, ngay cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

Theo đó, trong công tác cán bộ, người đứng đầu được: Giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của đơn vị mình; được quyền giới thiệu nhân sự để ban thường vụ cấp ủy cùng cấp cho ý kiến, trình ban chấp hành, xin phép cấp có thẩm quyền trước khi bầu cử; được bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực thuộc, trên cơ sở tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và phải có sự thống nhất ý kiến với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.

Với Quy định số 142, quyền hạn của người đứng đầu trong việc chọn nhân sự đã được đề cao hơn. Tuy nhiên, quy định cũng quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu trong công tác này. Đó là, “người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu với 2 trường hợp: Giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm thiếu công tâm, khách quan, không đảm bảo điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực và miễn nhiệm cán bộ không đủ căn cứ, thủ tục”.

Quyền hạn đi liền với trách nhiệm. Vai trò, vị trí càng cao, trách nhiệm càng nặng nề. Đặc biệt, liên quan đến công tác nhân sự, người đứng đầu càng phải chịu trách nhiệm với tiếng nói và quyết định của mình, dù đã nghỉ hưu hay chuyển công tác. Dù bước đầu triển khai thí điểm nhưng đây là điều được dư luận, cán bộ và đảng viên đánh giá cao. Điều này giúp khắc phục tình trạng hiện nay không ai chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra sai sót trong việc giới thiệu nhân sự. Đồng thời giúp người đứng đầu chủ động hơn trong việc tạo nguồn, xây dựng lực lượng kế cận đảm bảo về năng lực, phẩm chất và trình độ công tác; giúp nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc đưa ra các quyết định của mình, đặc biệt là quyết định về công tác nhân sự. Tránh tư duy nhiệm kỳ, hết nhiệm kỳ hoặc chuyển công tác, về hưu là “qua cầu rút ván”, hết trách nhiệm.

Thực tế cho thấy, đã xảy ra không ít trường hợp bằng tiếng nói và uy tín của mình, quan chức bắt tay nhau đưa anh em, người nhà, người thân quen vào tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước, hoặc bổ nhiệm lãnh đạo… Tư tưởng “một người làm quan, cả họ được nhờ” không phải là không có. Với Quy định số 142, đi kèm quyền hạn là trách nhiệm cụ thể và mang tính lâu dài đối với người đứng đầu trong quyết định nhân sự, vì vậy đòi hỏi người đứng đầu phải tinh tường hơn, cân nhắc kỹ và toàn diện hơn trong bổ nhiệm cấp phó của mình, cũng như khi miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực thuộc, đảm bảo công tâm, khách quan, không vụ lợi, chia bè kéo cánh hoặc trù dập đối tượng không thuộc trường phái của mình.

Minh Luận

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/157534/vi-tri-cang-cao-trach-nhiem-cang-lon