Vì sao 'vàng trắng' của Việt Nam có nguy cơ khó xuất khẩu vào EU?

Cao su hay còn được gọi là 'vàng trắng' của Việt Nam là một trong 3 mặt hàng của Việt Nam (bên cạnh gỗ và cà phê) xuất khẩu vào EU chịu sự kiểm soát của EUDR.

Liên minh Châu Âu (EU) đã ban hành Quy định chống phá rừng (EU Deforestation Regulation, EUDR). Quy định này chính thức có hiệu lực từ ngày 29/6/2023.

Đáp ứng với yêu cầu EUDR đòi hỏi ngành cao su Việt Nam cần đánh giá lại toàn bộ các nguồn cung, hệ thống.

Đáp ứng với yêu cầu EUDR đòi hỏi ngành cao su Việt Nam cần đánh giá lại toàn bộ các nguồn cung, hệ thống.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cao su nguyên liệu và sản phẩm cao su từ Việt Nam vào thị trường này đạt gần 470 triệu USD, tương đương 6,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. EU hiện đang là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành cao su Việt Nam.

Hiện, nguồn cung cao su nguyên liệu đầu vào cho ngành cao su Việt Nam bao gồm nguồn cung trong nước và nguồn cung nhập khẩu. Nguồn cung trong nước là từ diện tích 918.000 ha trồng cao su, bao gồm nguồn cao su tiểu điền (cung trên 50% trong tổng lượng cung trong nước) và nguồn cao su đại điền (chiếm dưới 50%). Năm 2023, nguồn cung trong nước đạt khoảng 1,3 triệu tấn.

Thống kê cho thấy trên 200.000 ha cao su đã đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC, với 100% diện tích này là các diện tích thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Một diện tích nhỏ khoảng 6.000 ha thuộc một số doanh nghiệp tư nhân và nhóm hộ tiểu điền đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Diện tích còn lại chưa có chứng chỉ.

Nguồn cung nhập khẩu ngày càng trở nên quan trọng. Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 1,4 triệu tấn cao su nguyên liệu, với trên 80% trong đó là từ Campuchia, dưới 20% còn lại là từ Lào và một số nguồn khác.

Đầu ra xuất khẩu là các mặt hàng cao su, bao gồm cao su nguyên liệu và sản phẩm cao su. Đây là các mặt hàng có nguồn gốc từ cao su trong nước (đại điền, tiểu điền) và cao su nhập khẩu.

“Để đáp ứng yêu cầu trong quy định của EU về các sản phẩm không gây phá rừng (EUDR), các sản phẩm từ cao su muốn nhập khẩu vào thị trường EU cần được đảm bảo đã được thực hiện đầy đủ các quy định về trách nhiệm giải trình, bao gồm việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm tới từng lô đất sản xuất ra các hàng hóa đó”, ông Hoàng Thành, Đại diện của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết.

Theo ông Nguyễn Vinh Quang, cán bộ nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends, khó khăn lớn nhất của ngành cao su Việt Nam trong việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc của ngành cao su Việt Nam nằm ở phần cung nguyên liệu của cao su tiểu điền trong nước và phần cao su nhập khẩu.

Hiện tại, chuỗi cung tiểu điền tương đối phức tạp, với cao su khai thác từ các hộ đi qua nhiều khâu trước khi được đưa vào chế biến. Một số diện tích cao su tiểu điền chưa có giấy chứng nhận sử dụng đất. Thông tin về nguồn cung nhập khẩu từ Campuchia và Lào hiện rất ít. Chuỗi cung nhập khẩu hiện tại không cho phép việc truy xuất nguồn gốc.

Ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends cũng nhìn nhận thực trạng trên cho thấy, Việt Nam chưa thể đáp ứng yêu cầu có đầy đủ thông tin và bằng chứng (nêu trên) chứng minh sản phẩm cao su không gây mất rừng và hợp pháp theo quy định của EUDR, trong toàn bộ chuỗi cung từ các vườn trong nước và nguồn nhập khẩu, qua các khâu thu mua, chế biến và xuất khẩu của Việt Nam sang EU, từ Việt Nam sang Trung Quốc, và từ Trung Quốc sang EU.

Đáp ứng với yêu cầu EUDR, các chuyên gia Forest Trends nhấn mạnh ngành cao su Việt Nam cần đánh giá lại toàn bộ các nguồn cung, hệ thống và tài liệu hóa kênh lưu thông và sản phẩm đầu ra. Trong đó, nguồn cung trong nước thực hiện nghiêm việc truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp có diện tích cao su tập trung cần ưu tiên thực hiện các hoạt động nhằm đạt chứng chỉ quản lý bền vững. Nguồn cao su nhập khẩu thu thập thông tin và minh bạch về nguồn cung đóng vai trò tối quan trọng.

Đồng thời, cần thúc đẩy đối thoại, hợp tác với các bên liên quan, đặc biệt giữa Việt Nam và Campuchia, Việt Nam và Lào, cả ở cấp Chính phủ và cấp Hiệp hội, với mục tiêu chia sẻ thông tin về chuỗi, tăng cường minh bạch thông tin chuỗi, nâng cao tiêu chuẩn nhằm đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, hợp pháp, hướng tới sản xuất bền vững, giúp cải thiện khả năng tuân thủ các quy định trong EUDR.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/vi-sao-vang-trang-cua-viet-nam-co-nguy-co-kho-xuat-khau-vao-eu-1099840.html