Vì sao cậu bé da đen trúng đạn lại bị thổi phồng về bề ngoài

Ralph Yarl cao 1,7 m và nặng 64 kg nhưng theo lời của người đàn ông da trắng đã bắn anh vì tới nhầm nhà, thiếu niên da đen này cao 1,8 m và khiến ông ta 'sợ phát khiếp'.

Người đàn ông Mỹ da trắng 84 tuổi, Andrew Lester, đã nói với cảnh sát rằng ông ta "sợ phát khiếp" khi Ralph Yarl bấm chuông cửa nhà ông ở thành phố Kansas, bang Missouri, vào tuần trước.

Thiếu niên da đen 16 tuổi chỉ định đón hai người em song sinh của mình đang chơi ở nhà một người bạn. Do đi nhầm một dãy nhà, anh đã đến trước cửa nhà ông Lester.

Lester kể lại với cảnh sát rằng không cần một lời nào, ông đã nhấc khẩu súng lục ổ quay cỡ nòng 32 của mình và bắn xuyên qua cửa kính, trúng vào đầu và cánh tay Yarl.

 Trong bất cứ bức ảnh nào, Ralph Yarl trông cũng hoàn toàn đúng với độ tuổi 16 của mình. Ảnh: AP.

Trong bất cứ bức ảnh nào, Ralph Yarl trông cũng hoàn toàn đúng với độ tuổi 16 của mình. Ảnh: AP.

Công tố viên hạt Clay Zachary Thompson cho biết có "yếu tố sắc tộc" khi Yarl bị bắn. Vị công tố viên không giải thích chi tiết.

Yarl cao 1,7 m và nặng 64 kg.

Các nhà nghiên cứu cho hay mô tả của ông Lester về Yarl gợi nên nhiều suy ngẫm ở hầu hết vụ xả súng nhằm vào thiếu niên da đen.

Trong lời mô tả của ông Lester, "nam giới da đen" bấm chuông của nhà ông cao khoảng 1,8 m" - rõ ràng cao hơn so với chiều cao thực tế của Yarl.

Nói về hành động nổ súng, người đàn ông da trắng này cho biết đó là điều duy nhất ông ta có thể nghĩ đến, do “sợ chết khiếp” vì kích thước của nam thanh niên.

Vì sao lại "sợ phát khiếp" chỉ vì thấy một người da đen?

Các nhà nghiên cứu cho biết nhiều mô tả tương tự được ghi nhận trong các trường hợp khác, phản ánh nỗi sợ những người thuộc các chủng tộc khác khi nhìn thấy người da đen.

 Ông Andrew Lester đã tự ra đầu thú hôm 18/4 và được tại ngoại sau đó. Ảnh: Sở cảnh sát thành phố Kansas/AP.

Ông Andrew Lester đã tự ra đầu thú hôm 18/4 và được tại ngoại sau đó. Ảnh: Sở cảnh sát thành phố Kansas/AP.

Trong nhiều nghiên cứu, những người được yêu cầu đánh giá kích thước của người da đen có xu hướng coi đàn ông da đen to và khỏe hơn so với thực tế, đồng thời gán cho trẻ em da đen nhiều đặc điểm của người trưởng thành. Hệ quả là lỗi suy nghĩ đó đẩy hình tượng của người da đen trở nên nguy hiểm hơn trong mắt nhiều người.

Về trường hợp của Yarl, ông Kurt Hugenberg - giáo sư khoa học tâm lý và não bộ - tại Đại học Indiana, nói: “Đây là một trường hợp khác cho chúng tôi thấy những nhận thức về hình thể và định kiến dẫn đến một số phản ứng tự vệ”.

Vào năm 2014, khi một sĩ quan cảnh sát bắn Tamir Rice, 12 tuổi, chủ tịch Hiệp hội Cảnh sát tuần tra Cleveland bảo vệ viên cảnh sát khi mô tả Rice là “một đứa bé 12 tuổi trong thân xác người lớn”.

Trước khi George Zimmerman bắn chết Trayvon Martin, 17 tuổi, năm 2012, Zimmerman đã gọi 911 và mô tả cậu thiếu niên da đen “trông có vẻ đang làm điều gì đó mờ ám hoặc nghiện ma túy đại loại vậy”.

Và cựu cảnh sát thành phố Ferguson (bang Missouri) Darren Wilson, người đã bắn chết Michael Brown, 18 tuổi, vào năm 2014, đã miêu tả cuộc ẩu đả bên trong xe Brown như với “Hulk Hogan trong một đứa trẻ 5 tuổi”.

"Không có lý do gì để sợ những đứa trẻ da đen cả"

Vụ bắn Ralph Yarl đã trở thành một cái gai nhức nhối khác khi đất nước cờ hoa đang vật lộn với bạo lực súng đạn và các bậc cha mẹ da đen lo sợ con cái họ có thể bị coi là lớn hơn tuổi và nguy hiểm hơn.

Yarl, xuất viện vào hôm 16/4, đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hàng trăm bạn cùng lớp của Yarl tại một trường trung học ở thành phố Kansas, nơi nam sinh này chơi kèn clarinet bass, đã biểu tình khắp thị trấn: "Chúng tôi yêu bạn, Ralph!".

 Người biểu tình trước nhà nghi phạm. Ảnh: AP.

Người biểu tình trước nhà nghi phạm. Ảnh: AP.

Ông Lester đã bị truy tố với hai trọng tội, bao gồm tấn công cấp độ một, và phải đối mặt với án tù chung thân. Ngày 19/4, ông ta không nhận tội và hiện được tại ngoại.

Thị trưởng Kansas Quinton Lucas (đảng Dân chủ), chia sẻ kể từ khi Yarl bị bắn, ông đã lo ngại liệu (là một người da đen) mình có gặp nguy hiểm nếu bấm chuông nhầm nhà vào ban đêm hay không. Ông đang suy nghĩ về những gì sẽ nói với cậu con trai 2 tuổi của mình, Bennett, khi cậu bé đủ lớn để hiểu được nhận thức và nỗi sợ của một số người đối với trẻ em da đen.

“Trước hôm 13/4, tôi không biết có phụ huynh nào ở Mỹ sẽ khuyên con mình, dù da trắng hay da đen, không được bấm chuông cửa hay không. Nhưng từ giờ, có lẽ sẽ một vài thứ thay đổi”, ông Lucas chua xót.

“Mọi người cần suy nghĩ lại về những định kiến và nỗi sợ của mình, đồng thời nhận thức rằng người da đen không liên quan gì tới điều xấu, rằng những đứa trẻ da đen không phải là một mối đe dọa”, ông nhấn mạnh.

“Không có lý do gì để sợ cậu bé này cả”.

Phải giải thích như thế nào với những đứa trẻ da đen

Phillip Atiba Goff, người đứng đầu nghiên cứu về người Mỹ gốc Phi tại Đại học Yale, cho biết người ta thường chấp nhận rằng có sự khác biệt giữa trẻ em và người lớn và những gì có thể được mong đợi ở họ. Nhưng trẻ em da đen thường không nhận được những đặc quyền như trẻ em da trắng, ông cho hay.

Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã yêu cầu mọi người đánh giá sự ngây thơ trong nhận thức của trẻ em và thanh niên dưới 25 tuổi. Trẻ em da đen được xếp hạng là kém ngây thơ hơn đáng kể so với những đứa trẻ khác ở mọi nhóm tuổi bắt đầu từ 10 tuổi, theo một nghiên cứu được công bố bởi Hiệp hội Tâm lý Mỹ.

Ông Goff, đồng sáng lập của Trung tâm Công bằng Chính sách, một trung tâm nghiên cứu về chủng tộc và chính sách, nói rằng trẻ em da đen về cơ bản được xem là "người lớn" - được đối xử “già” hơn so với tuổi.

“Chúng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình nhiều hơn bạn cùng trang lứa. Và người ta cho rằng chúng nên bị trừng phạt nghiêm khắc hơn vì những đánh giá chủ quan này”, ông nêu bật vấn đề.

Vị chuyên gia nói thêm rằng mặc dù ông không thể chắc chắn rằng vụ bắn Yarl là một trường hợp "người lớn hóa", nhưng có một điều có thể khẳng định rằng anh ta "trông đúng với độ tuổi 16 tuổi" ở mọi ảnh chụp.

 Ralph Yarl, 16 tuổi, thích chơi kèn clarinet bass và là trưởng ban nhạc ở trường. Ảnh: Instagram.

Ralph Yarl, 16 tuổi, thích chơi kèn clarinet bass và là trưởng ban nhạc ở trường. Ảnh: Instagram.

Những loại sự cố này khiến các gia đình da đen cảnh giác hơn, khi một đứa bé chỉ đi siêu thị mua kẹo như Martin hay tìm gặp họ hàng như Yarl đều có thể gặp nguy hiểm, ông Goff chia sẻ.

“Cha mẹ của một đứa trẻ da đen, như tôi chẳng hạn, rất khó chịu khi phải giải thích với một đứa trẻ rằng 'Con này, thật không công bằng, nhưng thế giới nghĩ con như thế'…”, ông cho hay.

Con trai của Goff đã được 6 tháng tuổi.

“Tôi vẫn chưa thể trò chuyện”, ông nói.

Nỗi sợ khó ngờ

Các chuyên gia cho biết nỗi sợ mà một số người cảm thấy khi nhận dạng một người da đen được ghi nhận trong các nghiên cứu và khảo sát trong nhiều năm.

Một trong những người đàn ông da trắng đã giết hại Emmett Till ở Mississippi vào năm 1955 đã nói rằng cậu thiếu niên da đen 14 tuổi, cao khoảng 1,65 m và nặng khoảng 73 kg “trông như một người đàn ông”.

Hugenberg, giáo sư Đại học Indiana, chỉ rõ rằng định kiến chủng tộc về việc người da đen trông to lớn hơn, mạnh mẽ hơn và đáng sợ hơn có thể khiến người da trắng coi họ là những kẻ nguy hiểm bất chấp kích thước thực tế.

Trong một số nghiên cứu, giáo sư Hugenberg cho những người tham gia xem hình ảnh của nam giới da đen và đàn ông da trắng có cùng chiều cao và cân nặng. Ông ấy cho biết người tham gia thường nghĩ rằng những người đàn ông da đen trông to lớn hơn.

“Cả người Mỹ da trắng và da đen đều có xu hướng coi đàn ông da đen to lớn hơn đàn ông da trắng tương ứng. Nhưng nhận thức này thể hiện rõ ràng hơn ở những người da trắng tham gia nghiên cứu”, giáo sư Hugenberg nói.

Không giống như những người da đen tham gia nghiên cứu, những người da trắng làm quá kích thước của đàn ông da đen cũng có xu hướng tin rằng người da đen “có nhiều khả năng gây hại và nguy cơ tiềm ẩn hơn”.

“Chúng tôi có thể khá chắc chắn rằng những kết quả này không phải do chúng tôi đang cho những người tham gia thấy những người da đen to lớn hơn, mà là do cách định kiến bóp méo cách chúng ta nhìn thế giới này”, giáo sư Hugenberg cho biết thêm.

Những giả định phân biệt chủng tộc về người da đen

Một nghiên cứu khác, do nhà tâm lý học Jenessa Shapiro của UCLA làm trưởng nhóm, đã phát hiện người da trắng có nhiều khả năng coi những biểu hiện trên khuôn mặt là đe dọa nếu những biểu cảm đó đến từ một người đàn ông da đen.

Theo nghiên cứu, được công bố trên trang Tâm lý Xã hội và Tính cách, “những người tham gia da trắng không hề giảm bớt những hoài nghi về tính đe dọa khi thấy một khuôn mặt nam giới da đen (trung lập) cũng như một khuôn mặt nam giới da đen đang tức giận”.

“Thật vậy, sau khi nhìn thấy khuôn mặt tức giận ban đầu của người cùng chủng tộc, những người đàn ông da đen được coi là đáng sợ hơn những người đàn ông da trắng, mặc dù khuôn mặt của các mẫu là trung tính như nhau”, bà Shapiro nói.

Người thân của Yarl và các nhà hoạt động dân quyền đã lên án những biện hộ rằng hành động của Lester đến từ những nhận xét mà Lester trình bày với cảnh sát.

Yarl không phải là bóng ma như Lester mô tả, họ nói. Thay vào đó, các nhà hoạt động đặt câu hỏi liệu nhận thức của Lester có đang phản ánh những giả định phân biệt chủng tộc về người da đen hay không.

 Mọi người tập trung tại một cuộc biểu tình để ủng hộ Yarl vào ngày 18/4 tại Thành phố Kansas, Missouri. Ảnh: Washington Post.

Mọi người tập trung tại một cuộc biểu tình để ủng hộ Yarl vào ngày 18/4 tại Thành phố Kansas, Missouri. Ảnh: Washington Post.

“Cháu tôi là một đứa trẻ ngoan ngoãn… Nó không làm hại đến cả một con ruồi”, Faith Spoonemore, dì của Yarl, nói trong một cuộc phỏng vấn của CBS News.

Derrick Johnson, chủ tịch của NAACP, cho biết sau vụ xả súng của Yarl, trọng tâm vấn đề không chỉ là kiềm chế bạo lực súng đạn mà còn phải giải quyết nỗi sợ gắn liền với đàn ông và bé trai da đen.

Mặt khác, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi phải nhắc bọn trẻ nhà mình rằng nếu bấm chuông cửa thì cần chắc chắn là chúng đến đúng nhà”.

Phú Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-cau-be-da-den-trung-dan-lai-bi-thoi-phong-ve-be-ngoai-post1423886.html