Về thăm rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp thuộc bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La là địa chỉ mang nhiều ý nghĩa lịch sử và cũng là một trong những thắng cảnh đẹp của vùngTây Bắc. Đây là nơi dừng chân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân giải phóng năm xưa tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ làm nên chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' ngày 7/5/1954.

Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt được UBND tỉnh Sơn La công nhận năm 2008, nằm trên quy hoạch rừng phòng hộ và một phần rừng sản xuất tại địa phận các xã Gia Phù, Suối Bau, Suối Tọ với diện tích trên 300ha. Trong đó, gần 200ha rừng phòng hộ được người dân bản Nhọt 1, Nhọt 2 nhiều năm giữ gìn, bảo vệ. Di tích gồm các hạng mục chính: Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hệ thống đường dẫn, sân tổ chức lễ hội và cầu cảnh quan. Đến đây vào mùa xuân, không khí trong lành, mát mẻ, những cây chò chỉ cổ thụ thân mấy người ôm, nhiều loại cây đơm hoa kết trái, tỏa hương thơm dịu mát.

Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp có diện tích 150m2, gồm ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đồng bào ta khi tới đây đều cung kính nghiêng mình trước anh linh của người cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam và Người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam. Hai bức hoành phi chính diện ban thờ có ghi “Tổ quốc trên hết” và “Dĩ công vi thượng”. “Tổ quốc trên hết” là lời căn dặn của Bác Hồ đăng trong bài viết “Người cách mạng mẫu mực” xuất bản ngày 18/9/1926 trên tờ Thanh niên: “Người cách mạng phải vị tha và không ích kỷ, phải tuân thủ theo phương châm “Tổ quốc trên hết” ở mọi nơi và mọi lúc...”. “Dĩ công vi thượng” có nghĩa là đặt việc công lên trên hết, là lúc nào, ở đâu cũng tận tụy, đau đáu với nhiệm vụ vì nước, vì dân.

Bức hoành phi câu đối tại Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hai bên câu đối: “Văn lo vận nước văn thành võ - Võ thấu lòng dân võ hóa văn”. Câu đối do nhà giáo, nhà báo Hồ Cơ viết tặng Đại tướng nhân dịp sinh nhật 90 tuổi. Câu đối xuất thần đó đã khái quát toàn bộ tài năng, đức độ của vị tướng huyền thoại trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm quan di tích, cựu chiến binh Mùi Văn Lý - người đang tham gia trông coi tại khu di tích, vừa kể về sự tích khu rừng mang tên Tướng Giáp. Theo đó, trên đường hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn quân đã trú ẩn dưới tán rừng già nguyên sinh tại bản Nhọt. Trong rừng có một khu bằng phẳng, dòng suối Bùa chảy qua, lớp lớp cây rừng dày đặc đã trở thành “mái nhà” che chở an toàn cho đoàn quân. Để tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Đại tướng, người dân địa phương đã đặt cho khu rừng cái tên: “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Cựu chiến binh Mùi Văn Lý tự hào: “Người dân địa phương luôn coi trọng, bảo vệ cánh rừng vì nơi đây luôn có hình bóng của vị tướng lỗi lạc. Tuyệt nhiên không ai chặt phá, săn bắt thú rừng, nhiều cây gỗ quý có đường kính hàng mét vẫn trường tồn tỏa bóng với thời gian. Khu rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành nét văn hóa, thành tập tục giữ rừng. Vào những ngày cuối tuần, ngày lễ, tết có rất đông bà con đến dâng hương tưởng nhớ Đại tướng và những chiến sĩ năm xưa”.

Lối vào Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đến với rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, du khách không chỉ được sống lại những bước chân hành quân, tiếng hò dô kéo pháo hào hùng của đoàn quân giải phóng tiến lên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử mà còn được đắm mình vào không gian thiêng liêng, trong lành của khu di tích. Gặp gỡ một số bạn trẻ đến tham quan tại đây, tôi được các em chia sẻ: “Khi đến thăm di tích, chúng em hiểu hơn về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của QĐND Việt Nam. Từ đó, chúng em thêm tự hào về cuộc chiến tranh vệ quốc hào hùng của thế hệ cha ông đi trước”.

Khu trưng bày sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La.

Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt và Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là các di tích lịch sử văn hóa có giá trị tinh thần quý báu, nhắc nhở thế hệ tương lai về một thời chiến đấu, máu xương của ông cha đã đổ xuống cho những cánh rừng xanh, cho đất nước trường tồn.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/chinh-tri/ve-tham-rung-dai-tuong-vo-nguyen-giap/208267.htm