Về biển 'săn' cua đá

Lặn ngụp ngay chân kè biển tại xã Giang Hải (Phú Lộc), canh đúng thời điểm những con sóng chưa kịp tiến tới, anh Hùng quờ tay vào từng hang hốc, chỉ thoáng chốc, anh đã cầm chắc trong tay chú cua đá với hai càng ngoe nguẩy.

 Thành quả sau một thời gian lặn ngụp nơi kè đá

Thành quả sau một thời gian lặn ngụp nơi kè đá

Nhờ sóng nước

4 giờ chiều, khi những con sóng ì oạp vỗ vào bờ kè ven biển, anh Hùng và anh Nhân cũng chuẩn bị đợt bắt cua đá sau cùng. Ngâm mình dưới nước biển đã hai giờ đồng hồ, bàn tay anh Nhân đã bắt đầu tê nhức, những vết cào xước bởi dăm đá và cát biển vẫn đang đau rát.

Anh kể: “Cua đá thường kiếm ăn vào ban đêm, bởi thế ban ngày, dù sáng hay chiều, bờ kè đá cũng trở thành nơi trú ẩn của cua. Đây cũng là thời điểm dễ bắt cua nhất, thế nhưng cũng rất khó khăn vì bắt cua đá cần có nhiều kỹ năng”.

Không chỉ cần biết bơi, biết lặn, những người săn cua đá phải trang bị đầy đủ kính lặn, bao tay để tránh những chiếc càng cua bén khỏe. Dù đã kỹ lưỡng trang bị, thế nhưng với những người săn cua, tai nạn nghề nghiệp chẳng hề hiếm gặp.

Anh Nhân cho biết: “Do sóng vỗ liên tục nên kè đá sẽ có những chỗ rất sắc nhọn. Thêm vào đó, những con sóng biển buổi sáng đa phần êm ả, nhưng vào buổi chiều, gió to, sóng lớn làm quá trình bắt cua khó khăn hơn rất nhiều. Những nơi nước tiếp giáp với bờ kè cũng rất nguy hiểm vì đôi chỗ sẽ trũng xuống, nước rất sâu. Vì vậy, chúng tôi phải canh rất kỹ thời gian, làm sao để cảm nhận được sự xuất hiện của cua trong từng kẽ hở và nhanh tay lặn ngụp, chụp bắt để cua không kịp kẹp hay lủi trốn”.

Trước đây, tại vùng bãi ngang huyện Phú Lộc, cua đá chỉ thường xuất hiện ở những bãi đá tự nhiên ven biển. Từ khi kè chống sạt lở bờ biển xuất hiện, cua đá có thêm nơi trú ngụ mới, số lượng cua gia tăng nhanh. Tuy thế, mùa săn cua đá tại bãi biển lại chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

 Người săn cua phải trang bị bao tay để tránh chiếc càng chắc khỏe

Người săn cua phải trang bị bao tay để tránh chiếc càng chắc khỏe

Trải nghiệm

Anh Hùng cho biết: “Năm nay là lần đầu tiên tôi săn cua đá tại bờ kè biển Giang Hải. Với đặc tính của sóng nước vùng biển này, mùa săn cua chỉ bắt đầu từ tháng Hai và kéo dài đến cuối tháng Ba âm lịch. Trước đó, mực nước biển quá cao, nếu không cẩn thận thì rất dễ bị sóng cuốn. Sau tháng Ba âm lịch, nước biển rút ra xa hơn, nơi trú ẩn của cua đá bị lộ, chúng sẽ di chuyển theo sóng nước ra xa bờ”.

Với những người săn cua, ngoài kỹ năng, kinh nghiệm, vận may là điều không thể thiếu khi dầm mình trong nước tìm cua. Những hôm may mắn, anh Nhân và anh Hùng có thể bắt được từ 1 – 2kg cua mỗi người. Là loại cua sống trong môi trường biển tự nhiên, chất lượng thịt của cua đá được đánh giá cao. Thông thường, mỗi con cua nặng từ 50 – 200 gram. Do khoảng thời gian để bắt cua đá ngắn ngủi, quá trình hụp lặn bắt cua khó khăn, giá cua đá thường dao động từ 250 – 300 nghìn đồng/kg tùy kích cỡ.

Không chỉ anh Nhân, anh Hùng, nhiều khách tắm biển cũng đã thử trải nghiệm cảm giác lặn ngụp trong nước để bắt cua. Anh Chung, khách tắm biển đến từ TP. Huế cho biết: “Nhìn rổ cua đá được bắt tôi thích lắm. Tôi cũng xuống biển để thử vận may. Thế nhưng việc bắt cua khó hơn tôi tưởng nhiều, chưa chi cánh tay phải đã trầy xước hết. Quả thật tay nghề, kỹ năng của những người bắt cua rất khá”.

Là loại cua biển chắc nịch, ngọt thịt, cua đá có thể dùng để chế biến nhiều món ngon như hấp, lẩu, rang muối, rang me… Anh Nhân chia sẻ thêm: “Thời điểm này trong năm là lúc dễ bắt cua đá nhất, vì thế dù có cực nhọc, tôi cũng cố gắng ngày hai buổi ra kè đá. Cảm giác tự tay bắt được những con cua đá, vừa có món ăn ngon cho gia đình, vừa có thêm nguồn thu nhập lúc rỗi rãi thật sự rất vui”.

Mai Huế

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/ve-bien-san-cua-da-139982.html