Vân Hoàn quê cụ Tú Loan

Sinh thời cố thi sĩ Hữu Loan (1916-2010) đã viết về quê làng mình: 'Em ca giữa đồng xanh bát ngát/ Anh nghe quê ta sống lại hội mùa' (Hoa lúa). Vân Hoàn thôn thuộc xã Nga Lĩnh, Nga Sơn, Thanh Hóa có núi Vân Lỗi (nay là Vân Hoàn) cùng ngôi chùa cổ nhìn ra sông Lèn nên thơ. Dân gian vùng Nga Sơn lưu truyền: 'Đồn rằng chùa Sỏi lắm tiên/ Bạch Câu lắm cá, Thạch Tuyền lắm quan'. Trên đỉnh núi chùa Vân Hoàn (chùa Sỏi) luôn hội tụ những dải mây ngũ sắc tạo nên tiên cảnh bồng lai.

Vân Lỗi sơn ca

Nơi đây có ngôi chùa Vân Hoàn nằm trên núi Vân Lỗi già nua. Hơn nữa dòng sông Lèn chảy qua bồi đắp phù sa tạo nên những vùng sình lầy trồng cói xanh mướt quanh năm. Đây là nguồn nguyên liệu làm chiếu nổi tiếng của đất Nga Sơn Thanh Hóa. Một thời cam go để mưu sinh nhà thơ Hữu Loan đã gánh đá xẻ từ núi Vân Lỗi đưa về chợ bán lấy tiền nuôi đàn con nhỏ dại. Ngôi chùa Vân Hoàn có tên cổ là Sùng Nghiêm Linh Tự được xây dựng từ thời Lý. Phía đông chùa, xóm làng nhộn nhịp còn phía bắc là con đường lớn đi về những cung đường cái quan lên thành phố Thanh Hóa và Ninh Bình.

Đặc biệt những vách đá núi Vân Lỗi vẫn còn lưu 11 bia khắc thơ của nhiều tao nhân mặc khách cùng vua chúa một thời tới ngự. Danh nho lừng lẫy Phạm Sư Mạnh đã phóng bút đề thơ miêu tả: "Đây núi Vân Lỗi/ Am sát ven sông/ Ai người tạo dựng/ Hoàn hảo vô cùng/ Giúp kẻ sống chết/ Ngàn năm phúc chung…". Đáng nhớ là chúa Trịnh Sâm đã thảo những lời sửng sốt khi leo lên đỉnh núi: "Danh thắng nêu cao đệ nhất châu/ Dáng non như mực nước như dầu/ Am mây nửa khép mong huyền hạc/ Bãi cát dường ngăn cợt bạch âu…".

Thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Dòng sông Lèn chảy khá mạnh vì là phân lưu của sông Mã từ trên thượng nguồn núi cao biên giới Việt-Lào. Đây là dòng sông gắn với lịch sử khởi nghĩa của nữ tướng Triệu Thị Trinh chống xâm lược nhà Ngô. Đồng thời sông còn ghi dấu tích 19 năm trấn thủ Thanh Hóa của danh tướng Lý Thường Kiệt. Thời nhà Tiền Lê, vua Lê Hoàn đã cho đào thêm sông từ sông Lèn nối với các sông khác tạo nên đường thủy từ Hoa Lư tiến về phía nam (Đèo Ngang). Do đó sông Lèn không chỉ dài 34km nữa mà sông nối sông luôn vang dội những chiến công hiển hách của ông cha.

Vân Hoàn thôn còn ghi nhớ sâu sắc cảnh tượng danh tướng Trần Quang Khải chặn đánh quân Nguyên. Sông Lèn nơi đây xảy ra cuộc huyết chiến giữa quân nhà Trần và quân sĩ Toa Đô. Xác giặc Nguyên chết như ngả rạ dưới sông Lèn giữa đất hai xã Nga Lĩnh và Nga Thạch. Sau chiến thắng, Hoàng Thái Hậu nhà Trần đã về chùa Vân Hoàn làm lễ cầu siêu cho các vong hồn của cả hai bên lính chiến được siêu thoát. Khi đó dân làng Vân Hoàn tới đông kín cả một vùng. Họ ca mừng chiến thắng và biểu diễn văn nghệ cho Hoàng Thái Hậu ngự lãm.

Phải chăng, dãy núi Vân Lỗi và dòng sông Lèn đã tạo nên một tính cách ngang tàng bất khuất trong tâm hồn thi ca Hữu Loan. Ông đã lầm lũi hàng chục năm vác đá, kéo vó lấy tiền nuôi vợ con khi về quê sống ẩn dật. Thi sĩ Hữu Loan đã tự ví mình là một cây gỗ vuông nhiều sắc cạnh, gồ ghề không chịu bị vê tròn lăn lóc. Đỉnh núi Vân Lỗi đã nằm trong hồn thơ ông bát ngát phong ba: "Tôi là cây gỗ vuông/ chành/ chạnh/ Suốt đời/ đã làm thất bại/ mọi âm mưu/ đẽo tròn…". Dòng sông Lèn cô đúc trong ông một tâm cảm thi nhân luôn ngang tàng với cánh buồm ra khơi của mình. Thi sĩ đã viết khi tạm biệt vợ lên đường chiến đấu: "Nếu anh ra đi/ Người vị hôn thê/ Những giọt nước mắt/ Đọng trên hàng mi/ Nhưng/ Nếu anh không đi/ Mẹ già anh khóc/ Trai thời loạn ly/ Mà con không đi/ Mẹ thà thương con tóc trắng/ Ngày mai cờ về chiến thắng/ Mà con không về" (Tòng quân).

Mái nhà xưa nay còn đâu

Chúng tôi tìm về ngôi nhà xác xơ của thi sĩ Hữu Loan với những chùm hoa tím đỏ lối đi xưa. Cô giáo Nguyễn Thị Định, người con thứ 7 của nhà thơ Hữu Loan tiếp chúng tôi với bao câu chuyện về người cha thân yêu. Trong khu vườn đầy hoa do chị Định trồng khoảng dăm năm nay khi về hưu. Chị là cô giáo dạy vẽ cấp tiểu học trong huyện nên khung cảnh sân vườn được sắp đặt gọn gàng. Nhưng riêng ngôi nhà hơn nửa thế kỷ mà gia đình nhà thơ Hữu Loan sinh sống không còn nguyên vẹn. Nó đã bị đổ vỡ theo thời gian. Ngôi nhà bị bỏ hoang nên càng tàn tạ.

Chúng tôi bồi hồi bước vào nền nhà cũ biết bao nỗi niềm thương nhớ. Cô giáo Định kể đây là nơi cha chị vẫn ngồi đọc thơ và kể những chuyện cổ tích về làng cho các con nghe. Những chân bếp bằng đất vẫn còn đó đánh dấu những đêm hai vợ chồng nhà thơ tráng bánh cuốn. Rồi nửa đêm về sáng bà vợ giấu giếm hàng đem lên chợ xa bán. Ngày đó nhà thơ không biết lệnh từ đâu mà bị liệt vào danh sách bị theo dõi ngày đêm. Ấy là những năm tháng đầy cam go từ đầu năm 1958, khi ông bỏ Hà Nội về quê khi dính vào một vụ án trước đó.

Trong suốt ba mươi năm bị treo bút nhưng nhà thơ Hữu Loan vẫn âm thầm không oán trách ai và đôi khi ngẫu hứng tự trào: "Tôi đẩy xe đi/ đá nặng dốc dài/ Dốc chang chang trên nắng dưới người/ Nắng chảy ròng ròng từ lưng trần, từ râu không cạo". Tâm thế vẫn như "Đèo Cả" ngày nào. Hồn thơ phơi phới trong nỗi niềm thiền cảm hư vô. Chúng tôi bất chợt nhớ đến những câu thơ đầy thi vị của ông: "Sau mỗi lần thắng/ Những người trấn Đèo Cả/ Về bên suối đánh cờ/ Người hái cam rừng/ ăn nheo mắt/ Người và áo/ thiếu kim/ mài sắt/ Người đập mảnh chai/ vểnh cằm/ cạo râu/ Suối mang bóng người/ soi/ những/ về đâu?" (Đèo Cả).

Cô giáo Định chỉ cho chúng tôi biết dăm bảy cây cao lớn trong vườn mà thi sĩ Hữu Loan đã trồng hàng chục năm trước. Những hàng cây tự xanh tươi trong khu vườn khô cằn. Cô giáo Định nói chỉ tiếc không còn chiếc xe cút kít mà cha cô đã kéo chở đá ròng rã hàng chục năm. Đây là chiếc xe do một người dám cả gan tặng ông. Bởi ngày đó ai quan tâm và giúp đỡ nhà thơ đều bị coi là nghi vấn. Nhưng rồi một người lính đã thương cảm và lén mua tặng ông cho đỡ phải gánh đá trên vai.

Ngôi nhà mới cấp bốn nhỏ đã được các con thi sĩ Hữu Loan xây dựng sau này cũng chỉ là tạm đặt bàn thờ ông cùng gia tiên. Ngôi mộ nhà thơ được đưa về cuối sân vườn dưới sự chở che của hàng cây tỏa bóng. Các con ông đã đưa mộ bà Lê Đỗ Thị Ninh (vợ cả) và bà Phạm Thị Nhu (vợ hai) về khu vườn này. Bài thơ "Màu tím hoa sim" ai cũng biết là lời than khóc của ông sau khi bà Ninh đã bị chết đuối lúc 17 tuổi (chỉ ít tuần sau đám cưới - 1949). Nhưng ai ngờ bài thơ khóc vợ "Màu tím hoa sim" đã đem lại di họa cho ông. Còn với bà Nhu mà ông cưới năm 1953 lại là một câu chuyện tình diễm lệ và cao cả bên cuộc đời ông. Bà đã sinh cho nhà thơ 10 người con và cùng ông gánh vác vận hạn cùng số phận nghèo túng cho tới khi mất.

Chân dung nhà thơ Hữu Loan.

Chân dung nhà thơ Hữu Loan.

Vườn cổ tích đầy hoa

Tính cho tới nay cuộc đời nhà thơ Hữu Loan cùng với gia đình trải qua trọn một thế kỷ trên mảnh đất quê hương. Một khu vườn với ngôi nhà đổ nát còn ẩn giấu biết bao chuyện đời và chuyện người xung quanh số phận kỷ ảo của nhà thơ tài hoa và ngang tàng Hữu Loan. Nhà thơ đã được phục hồi quyền công dân và hộ tịch từ năm 1986 (khi đã 70 tuổi) nhưng gia cảnh vẫn luôn lần hồi từng bữa. Tới nay con gái ông không đủ sức gây dựng lại ngôi nhà ký ức bởi trăm bề khốn khó. Cô chỉ biết chăm chút những cây hoa màu tím và bày khắp nơi để xóa đi những nhọc nhằn nặng nợ mà cha cô phải gánh chịu.

Những câu thơ khắc khoải nỗi niềm của Hữu Loan luôn vang bên sông Lèn. Sắc hoa sim luôn đẫm nước mắt cuộc đời: "Ngày xưa Nàng yêu hoa sim tím/ áo Nàng màu tím hoa sim/ Ngày xưa/ một mình đèn khuya/ bóng nhỏ/ Nàng vá cho chồng tấm áo/ ngày xưa". Chúng tôi nghe như giọng âm vang của thi sĩ Hữu Loan trong giai điệu âm nhạc từ góc vườn xanh cỏ: "Chiều hành quân/ qua những đồi hoa sim/ những đồi hoa sim/ những đồi hoa sim dài trong chiều không tắt/ Màu tím hoa sim/ tím chiều hoang biền biệt" (Phổ thơ nhạc sĩ Phạm Duy). Một không gian tím bồng bềnh trong khu vườn đầy hoa.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/van-hoan-que-cu-tu-loan-i719933/