Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua hồ sơ dự thảo Nghị quyết về bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù cho Nghệ An

Chiều 14/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

 Quang cảnh Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển

Đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đại diện Chính phủ dự họp có đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An dự phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Hồng Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Tại phiên họp, lãnh đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

ĐỀ XUẤT TRÌNH QUỐC HỘI 4 NHÓM LĨNH VỰC VỚI 16 CHÍNH SÁCH

Theo đó, Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển tỉnh Nghệ An trình Quốc hội ban hành và giao: “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo rà soát, ban hành bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để vừa tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết của Bộ Chính trị”.

 Đồng chí Lê Quang Mạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Ảnh: Lâm Hiển

Đồng chí Lê Quang Mạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra hồ sơ dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Ảnh: Lâm Hiển

Nghị quyết số 45/2024/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với dự thảo Nghị quyết trên.

Bên cạnh đó, qua tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An và đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội, theo báo cáo của Chính phủ, cho thấy các quy định hiện hành chưa đủ động lực để tạo bước đột phá trong phát triển, chưa bao quát hết các vấn đề phát sinh cần có cơ chế đặc thù. Để tạo tiền đề cho phát triển tỉnh Nghệ An trong những năm tiếp theo thì cần nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện một bước các cơ chế, chính sách đặc thù.

 Thay mặt Chính phủ, đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đồng chí lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Nghệ An dự Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển

Thay mặt Chính phủ, đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đồng chí lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Nghệ An dự Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển

Vì vậy, thay mặt Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đồng chí Lê Quang Mạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là có căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và đúng thẩm quyền.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 16 chính sách, bao gồm: quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước (5 chính sách); quản lý đầu tư (7 chính sách); quản lý đô thị, tài nguyên rừng (2 chính sách); tổ chức bộ máy và biên chế (2 chính sách).

Tại phiên họp, lãnh đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã cho ý kiến một số nội dung liên quan về hồ sơ, quan điểm, nguyên tắc ban hành Nghị quyết, phạm vi chính sách và một số vấn đề cụ thể để tiếp tục hoàn thiện các chính sách, cơ chế thí điểm tạo động lực phát triển tỉnh Nghệ An.

Các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có các ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu, giải trình các ý kiến.

 Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Lâm Hiển

Phát biểu tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thay mặt lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng cảm ơn Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ủng hộ Nghệ An có thêm một Nghị quyết bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện mục tiêu phát triển tỉnh.

Năm 2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An với 3 nhóm, 6 chính sách, có hiệu lực từ năm 2022 và bước đầu tạo thuận lợi có thêm nguồn lực và động lực để thực hiện các mục tiêu phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết: Tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và các bộ, ngành để đề xuất các nhóm chính sách và các chính sách cụ thể tại dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An tin tưởng, với 4 nhóm chính sách và 16 chính sách đề xuất lần này cùng với các chính sách đang thực hiện tại Nghị quyết số 36/2021/QH15 sẽ giúp cho Nghệ An có thêm động lực, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển, nhất là mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung cho biết: Nghệ An thống nhất với phần tiếp thu, giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tỉnh sẽ phối hợp với Bộ để cùng hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình ra Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

“Nghệ An cam kết thực hiện một cách có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù nếu được Quốc hội thông qua”, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung khẳng định. “Chúng tôi sẽ cùng với các cơ quan tiếp tục hoàn thiện thêm các thủ tục, quy trình để thực hiện các cơ chế, chính sách này đảm bảo đồng bộ, hiệu quả”.

Qua đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An bày tỏ mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua hồ sơ dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội.

RÀ SOÁT TỔNG THỂ VÀ TỪNG CHÍNH SÁCH, ĐẢM BẢO CÓ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM, ĐỘT PHÁ, VƯỢT TRỘI

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra và các ý kiến dự họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết và cơ bản thống nhất trình Quốc hội hồ sơ dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của các cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng trình Quốc hội.

 Đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết luận. Ảnh: Lâm Hiển

Đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết luận. Ảnh: Lâm Hiển

Trong đó, đồng chí Nguyễn Đức Hải lưu ý một số vấn đề như: tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phát triển Nghệ An toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, kinh tế số, kinh tế cửa khẩu, có quan hệ đặc biệt với nước CHDCND Lào; đưa Nghệ An trở thành một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ; có cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của cả khu vực Bắc Trung Bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội đồng thời đề nghị rà soát tổng thể và từng chính sách để đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, đột phá, vượt trội, thực sự cần thiết, khả thi, phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, khơi thông nguồn lực hiện tại để phát triển; từng chính sách phải có điều kiện để thực hiện, gắn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan; đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực; không để xảy ra thất thoát, lãng phí; đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư.

Cùng với đó, rà soát để đảm bảo các chính sách không trái với Hiến pháp, phù hợp với các cam kết quốc tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng, đối ngoại, ổn định trật tự xã hội và đời sống nhân dân; từng chính sách và đặc biệt là chính sách mới cần đánh giá kỹ tác động, bảo đảm chặt chẽ, hợp lý, khả thi, hiệu quả khi áp dụng, cân đối lợi ích mang lại không chỉ riêng cho tỉnh Nghệ An mà còn trong khu vực, vùng và đặt trong tổng thể lợi ích quốc gia.

Thành Duy

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-thong-nhat-thong-qua-ho-so-du-thao-nghi-quyet-ve-bo-sung-co-che-chinh-sach-dac-thu-cho-nghe-an-post289322.html