Unilever trước nguy cơ mất thị phần trong nhiều quý liên tiếp

Giới đầu tư và các chuyên gia phân tích nhấn mạnh tình trạng đánh mất thị phần trong nhiều quý liên tiếp của Unilever, từ đó làm dấy lên những lo ngại về sự nổi lên của các nhãn hiệu riêng.

Từ mặt hàng kem đến sốt mayonnaise và nước giặt, Unilever đã để mất thị phần trong quý 4/2023. (Nguồn: Bloomberg)

Từ mặt hàng kem đến sốt mayonnaise và nước giặt, Unilever đã để mất thị phần trong quý 4/2023. (Nguồn: Bloomberg)

Unilever đang gặp khó khăn trong việc bảo vệ thị phần trên thị trường hàng tạp phẩm tại châu Âu và Mỹ, trước sự cạnh tranh từ các nhãn hiệu riêng.

Giới đầu tư và các chuyên gia phân tích nhấn mạnh tình trạng đánh mất thị phần trong nhiều quý liên tiếp của Unilever, từ đó làm dấy lên những lo ngại về sự nổi lên của các nhãn hiệu riêng.

Từ mặt hàng kem đến sốt mayonnaise và nước giặt, Unilever đã để mất thị phần trong quý 4/2023.

Tại châu Âu thị phần của “ông lớn” này trong ngành hàng kem đã giảm 1,41 điểm phần trăm trong tháng tính đến ngày 3/12 năm ngoái, trong khi thị phần trong mặt hàng sốt mayonnaise giảm 3,74 điểm phần trăm.

Nhìn chung, thị phần mảng thực phẩm tại châu Âu của Unilever đã giảm 1,6 điểm phần trăm, trong khi thị phần mảng hàng hóa cá nhân và gia dụng đã giảm 0,52 điểm phần trăm.

Tại Mỹ, số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy mảng sữa tắm của Unilever, bao gồm các sản phẩm Dove, cũng ghi nhận tình trạng thị phần giảm 5,1 điểm phần trăm, trong khi các thương hiệu tẩy rửa như Axe để mất 3,1 điểm phần trăm thị phần trong tháng tính đến ngày 2/12 năm ngoái.

Trong ngành hàng cá nhân và gia dụng tại Mỹ, thị phần của Unilever giảm 2,45 điểm phần trăm, trong khi mảng thực phẩm chứng kiến thị phần của công ty này chỉ giảm 0,2 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, số liệu của Nielsen chủ yếu được thu thập từ quầy thanh toán tại các cửa hàng tạp phẩm, mà không bao gồm tất cả các kênh bán lẻ.

Số liệu này không thể hiện rõ công ty nào gia tăng thị phần, mà chỉ cho thấy doanh số thực phẩm thuộc các nhãn hiệu riêng đã tăng 16% trong hai năm tính đến tháng 3/2022 lên 135,5 tỷ USD.

Các công ty tiêu dùng lớn như Unilever đã bắt đầu tăng giá sản phẩm, nhất là ở châu Âu, nơi họ hoạt động mạnh mẽ suốt hàng chục năm qua.

Ngành hàng thực phẩm và tiêu dùng đã tăng giá mạnh đối với các mặt hàng cơ bản trong những năm gần đây để bù đắp cho sự gia tăng trong chi phí đầu vào xuất phát từ thời kỳ đại dịch COVID-19 và leo thang do căng thẳng Nga-Ukraine.

Việc tăng giá này đã gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại châu Âu và Mỹ, từ đó đẩy người tiêu dùng tìm đến các nhãn hiệu riêng phải chăng hơn của các nhà bán lẻ như Carrefour, Tesco và Walmart.

Bên cạnh đó, tương tự các nhà bán lẻ khác trong ngành, Unilever cũng để mất thị phần vì đã giảm bớt danh mục sản phẩm để tập trung sự đổi mới và quảng bá cho 14 thương hiệu chủ chốt.

Tại một sự kiện gần đây, khi được hỏi về việc Unilever có thể lấy lại thị phần bằng cách nào từ các nhãn hiệu riêng và các đối thủ khác, Giám đốc điều hành của Unilever Hein Schumacher cho biết, công ty này không chỉ quan tâm đến việc giành thị phần, mà ưu tiên hàng đầu là tạo ra thị trường, phát triển thị trường và mở rộng các ngành hàng.

Tháng 10 năm ngoái, chuyên gia Warren Ackerman của ngân hàng Barclays đánh giá Unilever cần nâng thị phần từ 38% lên 60%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/unilever-truoc-nguy-co-mat-thi-phan-trong-nhieu-quy-lien-tiep-post922883.vnp