Tương lai nào cho ô tô Trung Quốc tại thị trường Việt Nam?

Làn sóng ô tô Trung Quốc vào thị trường Việt Nam gần đây đã ít nhiều khiến các thương hiệu khác không khỏi thấp thỏm. Tuy nhiên theo một số nhận định, sẽ không dễ để xe Trung Quốc sớm khẳng định vị thế tại thị trường Việt Nam.

Trở lại Việt Nam bằng làn sóng xe xanh

Giai đoạn những năm 2000 – 2005 có thể xem là thời kỳ những chiếc ô tô Trung Quốc giá rẻ, "nhái" kiểu dáng xâm nhập thị trường Việt Nam. Nhưng rồi tất cả đều lặng lẽ "rút chân" khỏi thị trường và những chiếc ô tô Trung Quốc thời đó gần như rất khó để bắt gặp còn đang lăn bánh trên đường.

Hầu hết các thương hiệu ô tô Trung Quốc vào Việt Nam gần đây đều chọn xe xanh là sản phẩm chiến lược.

Hầu hết các thương hiệu ô tô Trung Quốc vào Việt Nam gần đây đều chọn xe xanh là sản phẩm chiến lược.

Nhưng khoảng năm 2022 trở lại đây, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đang cho thấy tham vọng trở lại thị trường Việt Nam với những bước đi thận trọng và bài bản hơn. Mẫu số chung cho thấy, bước đầu các thương hiệu ô tô Trung Quốc bán xe nhập khẩu, sau đó tiến tới sản xuất, lắp ráp. Phần lớn các mẫu xe nhắm đến thị trường Việt Nam đều là ô tô điện và hybrid.

Có thể kể tới như Haval ngay từ khi xuất hiện tại Việt Nam (năm 2023) đã lựa chọn mẫu xe đầu tiên giới thiệu tới khách hàng là H6 hybrid. Hãng cũng cho biết kế hoạch thời gian tới sẽ tiếp tục bán hai mẫu xe sử dụng công nghệ hybrid là Jolion và Tank 300.

Trong năm 2023, mẫu xe điện cỡ nhỏ giá rẻ Wuling HongGuang Mini EV (giá bán từ 239 đến 282 triệu đồng) đã gây bão thị trường. Tuy nhiên đến thời điểm này doanh số của Wuling HongGuang Mini EV được nhận định là không đáng kể.

Một thương hiệu Trung Quốc khác là Haima cũng đã quay lại thị trường với mẫu xe 7X-E thuần điện nhưng chưa gây được thách thức nào đối với các thương hiệu lâu năm tại Việt Nam.

Ngoài các thương hiệu kể trên, dự kiến thời gian tới, BYD, GAC hay Chery cũng lên kế hoạch bán xe tại Việt Nam với các sản phẩm đầu tiên là ô tô hybrid hoặc thuần điện.

Trao đổi với PV, bà Mai Phương Thảo, Giám đốc Marketing Haval Việt Nam cho biết, dù nền kinh tế trong hai năm 2023-2024 được coi là có nhiều khó khăn, tuy nhiên không phải là không có cơ hội và thuận lợi nhất định, nhất là đối với dòng xe hybrid đang được đánh giá là xu hướng của thị trường Việt Nam trong tương lai. "Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, hệ thống trạm sạc điện chung chưa thực sự phổ biến và phát triển, chi phí sinh hoạt gia tăng… thì giải pháp dễ tiếp cận cũng như mang nhiều lợi ích về công năng, hiệu suất, giá cả… xe hybrid đều đáp ứng được. Vậy nên, chúng tôi tin tưởng vào việc mang tới thị trường Việt Nam những mẫu xe hybrid với giá cả hợp lý, giúp khách hàng vừa có trải nghiệm di chuyển tốt, an toàn, vừa là giải pháp cho những bất cập trên", bà Thảo nói thêm.

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô tại Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, ô tô Trung Quốc đang có thế mạnh về các loại xe xanh, đặc biệt là ô tô điện nên việc họ lựa chọn dòng sản phẩm này để bán tại Việt Nam là hoàn toàn phù hợp. Bên cạnh đó, xe xanh cũng đang là xu hướng phát triển tất yếu trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam.

Doanh số Wuling Mini EV không được như kỳ vọng trong năm đầu tiên kinh doanh tại Việt Nam.

Doanh số Wuling Mini EV không được như kỳ vọng trong năm đầu tiên kinh doanh tại Việt Nam.

Thành công hay không vẫn còn là dấu hỏi

Có thể thấy các thương hiệu xe Trung Quốc đã có những bước đi bài bản hơn để chinh phụ thị trường Việt Nam thông qua việc liên doanh với những công ty có tên tuổi trong nước như Geleximco, Thành An hay TMT Motors, NEH (công ty con của Tasco Auto)… để phân phối, lắp ráp.

Bên cạnh đó, thay vì chỉ tập trung bán xe, các liên doanh, nhà phân phối này cũng tập trung mở rộng mạng lưới đại lý, cơ sở bảo hành bảo dưỡng để tạo sự tin tưởng của người dùng.

Như với thương hiệu Wuling, dù mới ra mắt giữa năm 2023 nhưng đến nay, TMT Motors đã có hơn 20 đại lý Wuling trên toàn quốc. Hay Haval cũng đã có 14 đại lý phân bố từ Nam ra Bắc. Hay Liên doanh Chery – Geleximco dù chưa bán xe xong cũng đã ký kết hợp tác với 14 đại lý phân phối xe Omoda và Jaecoo, đặt mục tiêu có 20 đại lý tại Việt Nam năm 2023 và 30 đại lý tới năm 2025.

Nhận định về khả năng thành công của các thương hiệu ô tô Trung Quốc tại Việt Nam, nhà báo Nguyễn Thúc Hoàng Linh nhận định, có nhiều yếu tố khiến ô tô Trung Quốc khó khăn khi chinh phục thị trường Việt Nam.

"Thứ nhất khi đó, ô tô vẫn là tài sản rất lớn nên sự cởi mở với thương hiệu lạ không nhiều, nhất là hàng Trung Quốc vốn ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng với những ấn tượng không tốt. Hai là nguồn cung phụ tùng yếu và chất lượng xe chưa thể so với xe Nhật, Hàn đã ăn sâu bám rễ tại Việt Nam. Tiếp đến, các thương hiệu Trung Quốc khi đó đưa ít lựa chọn mẫu mã, mỗi thương hiệu chỉ có 1 hoặc 2 mẫu xe. Hơn nữa, hệ thống đại lý hẹp khiến việc bảo hành, bảo dưỡng khó khăn.

Bên cạnh đó, trước đây, phần lớn ô tô Trung Quốc vào Việt Nam đều qua các kênh nhập khẩu tư nhân, nhỏ lẻ. Không bán được hàng, các thương hiệu lặng lẽ rời bỏ thị trường, bỏ mặc khách đang sử dụng lại càng khiến người dùng có tâm lý ít tin tưởng các thương hiệu ô tô Trung Quốc".

Về chất lượng ô tô Trung Quốc, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc cho rằng: "Hiện ô tô Trung Quốc đã có thể xuất khẩu đi cả châu Âu, là thị trường được xem có các tiêu chuẩn về chất lượng tương đối khắt khe. Nhưng như vậy chưa thể khẳng định ô tô Trung Quốc chất lượng tốt bởi trước đây, điều khó nhất khiến ô tô Trung Quốc khó vào châu Âu do khí thải khắt khe. Nay, ô tô Trung Quốc xuất sang châu Âu hầu hết là xe xanh, xe điện nên vấn đề khí thải không còn là rào cản. Họ chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn là có thể xuất khẩu được. Như tại Việt Nam, ô tô Trung Quốc được bán ra chứng tỏ cũng đã qua đăng kiểm, đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Còn bàn về chất lượng thì quá sớm, phải chờ thời gian trả lời".

Tương tự, trưởng phòng marketing của một hãng ô tô tại Việt Nam cho rằng, ô tô Trung Quốc có thể sẽ phải mất ít nhất 5 – 10 năm nữa mới tìm được chỗ đứng tại Việt Nam: "Trung Quốc đưa các dòng xe xanh, đặc biệt ô tô điện vào bán ở Việt Nam ở thời điểm này có thể xem là hợp lý khi thị trường hiện nay, ở phân khúc bình dân hiện chỉ có VinFast bán ô tô điện. Bên cạnh đó, ở nội địa Trung, ô tô điện Trung Quốc đang rơi vào tình trạng bão hòa, các hãng buộc phải xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Với Việt Nam, khoảng 5 năm nữa, lộ trình EVFTA sẽ giúp ô tô điện châu Âu xuất khẩu vào Việt Nam với thuế suất bằng 0. Vì vậy, ô tô điện Trung Quốc phải bán tại Việt Nam càng sớm càng tốt để chiếm vị thế trước".

Hầu hết các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã bán đều không công bố doanh số tại Việt Nam nên rất khó để biết đến thời điểm hiện tại, vị trí thị phần các hãng xe nước này đang nằm ở đâu. Nhưng mới đây, tại đại hội cổ đông thường niên, TMT Motors chỉ đặt mục tiêu bán được 1.016 ô tô điện Wuling Mini EV năm 2024, bằng khoảng 18% kế hoạch năm trước và cao hơn gần 2 lần so với doanh số thực tế năm 2023 là 591 chiếc (gần 11% kế hoạch đặt ra cho năm 2023).

Tuấn Minh

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/tuong-lai-nao-cho-o-to-trung-quoc-tai-thi-truong-viet-nam-192240516101126715.htm