Tự hào về những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp

Ông Nguyễn Văn Thử (SN 1928, trú tại tổ 2, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) kể: Ông quê ở xã Tam An, quận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Tín, nay là huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.

Năm 1947, ông gia nhập đội du kích xã Tam An. Nhờ lập nhiều thành tích trong công tác và chiến đấu, ngày 8-6-1952, ông vinh dự được tổ chức biểu dương, khen thưởng và điều động lên Quận đội Tam Kỳ tham gia huấn luyện quân sự. Sau đó, ông được biên chế về Đại đội 112 (Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 108, Liên khu 5) và hành quân lên An Khê chiến đấu. “Cuối năm 1952, đầu năm 1953, đơn vị của tôi trực tiếp đánh tan các cứ điểm của địch ở Tú Thủy, Cửu An và Eo Gió-đầu đèo An Khê. Thừa thắng xông lên, đơn vị liên tục truy kích địch rút chạy trên đường Hoàng Hoa Thám, thị trấn An Khê. Kết quả, quân và dân ta đã tiêu diệt, bắt sống rất nhiều tên địch, thu hàng ngàn tấn lương thực, khí giới”-ông Thử hồi nhớ.

Cùng tham gia chống Pháp như ông Thử là ông Huỳnh Nhậm (SN 1930, trú tại tổ 4, phường Phù Đổng, TP. Pleiku). Ông Nhậm chia sẻ: Ông quê ở Tam Quan, Hoài Nhơn, Bình Định. Năm 1948, ông xung phong vào làm du kích xã Tam Quan, sau đó được biên chế vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 96, Liên khu 5. Sau thời gian huấn luyện chiến thuật bộ binh, ông nhận lệnh lên An Khê chiến đấu. Tại đây, đơn vị của ông đã phối hợp tấn công địch vượt cầu Đak Pơ, tháo chạy khỏi An Khê về Pleiku.

Ông Nhậm kể: “Từ sáng 24-6-1954, Đại đội 1 đã mai phục đánh địch tại cầu Đak Pơ và trên quốc lộ 19. Trận đánh diễn ra rất ác liệt, kéo dài suốt cả ngày, qua đêm và đến trưa 25-6 mới kết thúc. Sau chiến thắng Đak Pơ, đơn vị ông nhận lệnh cơ động sang giải phóng Cheo Reo-Phú Bổn. Những chiến thắng trên khắp chiến trường, trong đó có chiến trường Tây Nguyên, chiến thắng Đak Pơ đã góp phần buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Genève”.

Vợ chồng ông Huỳnh Nhậm-bà Nguyễn Thị Là. Ảnh: H.C

Vợ chồng ông Huỳnh Nhậm-bà Nguyễn Thị Là. Ảnh: H.C

Sau 9 năm kháng chiến chống Pháp thắng lợi, quân và dân ta tiếp tục bước vào cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Các cựu chiến binh tiếp tục phát huy truyền thống, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng. Về với đời thường, các cựu chiến binh tiếp tục góp sức xây dựng quê hương.

Ông Nay Hứ-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh-cho biết: “Cán bộ, hội viên cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Pháp và Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trong tỉnh ta đều đã ở tuổi ngoài 90, sức khỏe suy giảm. Tuy vậy, các cựu chiến binh luôn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu sinh hoạt và lao động, góp phần xây dựng gia đình và khu dân cư ngày càng giàu mạnh”.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tu-hao-ve-nhung-nam-thang-khang-chien-chong-thuc-dan-phap-post277332.html