Tủ đông chứa đầy xác hổ trong vườn thú ở Trung Quốc

Một công viên động vật hoang dã ở tỉnh An Huy, phía Đông Trung Quốc, đang đối mặt với cáo buộc nuôi nhốt động vật trong điều kiện tồi tệ, khiến hơn chục con hổ Siberia chết vì nguyên nhân bất thường.

(Nguồn: Weibo)

(Nguồn: Weibo)

Một công viên động vật hoang dã ở tỉnh An Huy, phía Đông Trung Quốc, đang phải đối mặt với cáo buộc nuôi nhốt động vật trong điều kiện tồi tệ, khiến hơn chục con hổ Siberia chết vì nguyên nhân bất thường.

Công viên động vật hoang dã Phụ Dương bị cáo buộc có nhiều hành vi sai phạm bao gồm nuôi nhốt bất hợp pháp các loài động vật thuộc danh sách được bảo vệ; mua bán động vật không có giấy phép; nuôi nhốt động vật trong điều kiện vô nhân đạo; bỏ bê xác động vật mà không xử lý.

Cuộc điều tra gây sốc - được thực hiện bởi một tạp chí thuộc sở hữu của Tân Văn Xã - đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội ở Trung Quốc. Họ yêu cầu chủ sở hữu công viên phải đối mặt với các án phạt nghiêm khắc.

Theo điều tra, các loài động vật chết vì nguyên nhân bất thường bao gồm 20 con hổ Siberia, hai con sư tử châu Phi, ba con hươu cao cổ và một số con khỉ.

Các phóng viên đã phát hiện ra thi thể của một số động vật trong tủ đông. Trong khi đó, một kho lạnh riêng biệt chất đống xác hổ, sư tử, hươu cao cổ và gấu trưởng thành.

Công viên này nhốt những con gấu đen trong lồng sắt quanh năm. Những con gấu chịu áp lực đến nỗi cọ xát đầu vào lồng sắt gây mài mòn bộ lông, làm lộ ra phần da đầu. Một con gấu khác được cho là mất khả năng đi lại sau khi bị giam giữ quá lâu trong không gian chật hẹp.

 (Nguồn: Sixthtone)

(Nguồn: Sixthtone)

Theo điều tra, một số loài hổ Siberia - loài được bảo vệ cấp 1 ở Trung Quốc - cũng đang bị nhốt trong các lồng riêng biệt. Những con hổ và sư tử khác được nuôi trong những không gian nhỏ, ít ánh sáng tự nhiên.

Kết quả cuộc điều tra đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt ở Trung Quốc. Các hashtag liên quan nhận được hơn 100 triệu lượt xem trên nền tảng Weibo. Nhiều người bình luận bày tỏ sự tức giận với công viên và đặt câu hỏi làm thế nào nó có thể tiếp tục hoạt động lâu như vậy.

“Sao có thể để 20 con hổ chết mà không ai hay biết?” một cư dân mạng bình luận. “Đây không phải là công viên mà là nhà tù động vật,” một người khác viết.

Ngay khi bài báo được xuất bản vào hôm 13/5, Công viên động vật hoang dã Phụ Dương ra thông báo tạm đóng cửa cho đến ngày 15/5 với lý do "nâng cấp một số khu vực nhất định."

Cùng ngày, một nhân viên họ Pan tại công viên nói với truyền thông rằng những con hổ chết được đề cập trong bài báo "không thuộc sở thú của công viên, mà thuộc về một chủ sở hữu khác. Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra".

Chính quyền thành phố Phụ Dương xác nhận rằng họ đã thành lập một nhóm điều tra đặc biệt để làm rõ vụ việc.

Li Enze, Giám đốc điều hành của Công ty Luật Yipai Bắc Kinh, cho biết: “Nếu công viên này nhốt động vật hoang dã được bảo vệ cấp 1 của quốc gia trong các lồng suốt một thời gian dài mà không cho chúng tiếp xúc tự nhiên thì điều đó sẽ cấu thành hành vi lạm dụng và có thể bị coi là bất hợp pháp.”

“Một số lượng lớn động vật như hổ Siberia và sư tử châu Phi đã chết, cần phải điều tra thêm. Người gây ra sự việc phải chịu trách nhiệm,” Li nói thêm.

Công viên này thuộc sở hữu của một công ty tư nhân có tên Anhui Qicai Wildlife Park. Theo hồ sơ từ thành phố Phụ Dương, việc xây dựng công viên bắt đầu vào tháng 3/2018 với khoản đầu tư ban đầu là 500 triệu nhân dân tệ (khoảng 69 triệu USD). Tuy nhiên, dự án vướng tranh chấp về quyền sử dụng đất khiến việc xây dựng phải đến năm 2021 mới hoàn thành.

Sự chậm trễ dẫn đến nhiều rắc rối. Công ty cung cấp động vật Fuyang Tengfei bắt đầu đưa động vật đến công viên đang xây dựng dở dang vào năm 2018, bao gồm cả 12 con hươu cao cổ. Một trong những hươu cao cổ này được cho là đã chết vào năm 2019.

Vào năm 2019, chủ sở hữu công viên đã yêu cầu Tengfei di dời các con vật nhưng công ty từ chối. Trong hai năm tiếp theo, hai bên được cho là đã xảy ra tranh chấp và phải đàm phán lại hợp đồng nhiều lần.

Trong khi đó, công viên này đã nhiều lần xin giấy phép nuôi hổ Siberia nhưng đều bị từ chối với lý do không có đủ cơ sở vật chất. Điều này cho thấy công viên đã nuôi hổ trái phép trong vài năm.

Năm 2021, công viên mở cửa và gặp khó khăn khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt do dịch bệnh COVID-19. Điều này khiến công viên gánh thêm áp lực tài chính.

Khi công viên phải đối mặt với phản ứng dữ dội về giá vé 98 nhân dân tệ, cao hơn nhiều so với các vườn thú khác ở An Huy, họ đã đưa ra một tuyên bố lập luận rằng vì là một sở thú tư nhân không có sự đầu tư hay trợ cấp của chính phủ nên họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tính giá cao.

Công viên đưa ra mức giá vé vào cổng là 98 nhân dân tệ/khách, cao hơn nhiều so với các vườn thú khác ở An Huy với lý do không có trợ cấp từ chính phủ.

Do không có kinh phí, công viên đã cắt giảm nhiều tiện ích khiến một số động vật chết vì đói khát và bệnh tật.

Tuy nhiên, theo cơ quan lâm nghiệp địa phương, một phần nguyên nhân đằng sau thảm kịch là do những con hổ này được lai cận huyết và có gene di truyền kém. Trong khi đó, một số con hổ chết vì tuổi già hoặc vì sức khỏe kém.

Mặc dù vậy, Cục Văn hóa và Du lịch thành phố Phú Dương vẫn đưa ra thông báo xác nhận rằng công viên này là điểm thu hút khách du lịch cấp 3A vào năm 2023./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tu-dong-chua-day-xac-ho-trong-vuon-thu-o-trung-quoc-post950703.vnp