TS. Bùi Trinh: Nên nghĩ nhiều hơn về chính sách 'trọng cung'

'Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, châu Âu chọn chính sách kích cầu vì phía cung của họ rất mạnh, nền kinh tế sản xuất ra nhiều hàng hóa. Điều này không đúng với trường hợp nền kinh tế Việt Nam', TS. Bùi Trinh, Viện Quản trị và Công nghệ FSB – trường Đại học FPT, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.

Vì sao không nên “trọng cầu”?

KTSG: Thưa ông, mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm 2024 hiện vẫn được dự báo là có thể đạt được, dù phải thừa nhận mức tăng đột biến 5,66% của quí 1-2024 một phần đến từ mức tăng tương đối thấp của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để cán đích tăng trưởng 2024, vẫn cần chú trọng vào việc thúc đẩy tổng cầu. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

TS. Bùi Trinh: Quan hệ giữa nhu cầu cuối cùng với sản xuất được lượng hóa dựa trên mối quan hệ Keynes-Leontief, theo đó, một sự gia tăng của các yếu tố cầu sẽ kích thích sản xuất, lan tỏa đến giá trị gia tăng và sau đó lan sang thu nhập. Để trả lời câu hỏi về trường hợp của Việt Nam, phải xem xét mức độ lan tỏa từ các nhân tố của cầu cuối cùng, bao gồm tiêu dùng cuối cùng (sản phẩm trong nước và sản phẩm nhập khẩu), đầu tư, xuất khẩu tới giá trị sản xuất, đặc biệt là giá trị tăng thêm. Để lượng hóa mức độ này, dựa trên giả định bảng cân đối liên ngành năm 2012 và 2019 đại diện cho các giai đoạn 2010-2015 và 2016-2022, tính toán cho thấy:

Tác động lan tỏa từ tiêu dùng cuối cùng lên giá trị sản xuất giảm 14,1% và lên thu nhập giảm 20,4%. Về đầu tư, mức độ lan tỏa đến giá trị sản xuất giảm 17,1%, nhưng lan tỏa đến việc giảm giá trị gia tăng chỉ vào khoảng 5,6%. Xuất khẩu lan tỏa mạnh đến giá trị sản xuất với mức tăng 11,7%, nhưng lan tỏa đến giá trị gia tăng lại giảm 13,3% trong hai giai đoạn. Trong khi đó, việc tiêu thụ một đơn vị thành phẩm nhập khẩu trong giai đoạn 2016-2022 lan tỏa đến 2,204 đơn vị nhập khẩu.

Như vậy, khi phía cung yếu kém, việc kích thích tổng cầu không giúp lan tỏa tới giá trị sản xuất mà làm tăng giá và tăng nhập khẩu. Nói cách khác, thúc đẩy tổng cầu kích thích sản xuất và giá trị gia tăng của các nước mà Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và cho tiêu dùng cuối cùng.

Trên thực tế, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, châu Âu chọn chính sách kích cầu vì phía cung của họ rất mạnh, sản xuất ra nhiều hàng hóa. Nền kinh tế Việt Nam nặng về gia công, lựa chọn kích thích phía cầu cần cân nhắc cẩn trọng.

Điều đáng nói, từ năm 2007 tới nay, các chính sách vĩ mô của Việt Nam thường hướng tới chính sách trọng cầu. Chính sách này nếu không gắn với việc tăng năng suất lao động và hiệu quả đầu tư sẽ dẫn đến những lệch lạc về cấu trúc kinh tế.

KTSG: Tại thời điểm này, có lẽ, chúng ta không có quá nhiều lựa chọn. Biến động địa chính trị trên thế giới tác động trực tiếp tới các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, đồng nghĩa, tăng trưởng GDP thông qua thặng dư xuất nhập khẩu sẽ khó khăn hơn. Thúc đẩy tổng cầu thông qua đầu tư và tiêu dùng đang là lựa chọn khả thi hơn?

– Trước tiên, việc đánh đồng hai ý niệm tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng GDP không hoàn toàn chính xác. Tăng trưởng GDP có thể xuất hiện do đào đường lấp đường, thậm chí do tình trạng tham nhũng, lãng phí. Chẳng hạn, với ngành điện, năng suất lao động ngành phân phối điện nước tăng liên tục, từ mức cao hơn 11 lần vào năm 2010, đến năm 2020 cao gấp gần 15 lần năng suất chung của nền kinh tế. Cùng với đó, giá điện chỉ tăng chứ không giảm trong suốt giai đoạn nêu trên. Như vậy, giá điện tăng tạo nên giá trị tăng thêm và góp phần vào tăng trưởng GDP nhưng doanh nghiệp khó khăn do chi phí sản xuất tăng còn người dân chật vật hơn khi chi trả hóa đơn điện và gánh chịu mức tăng gián tiếp khi giá thành sản xuất tăng. Rõ ràng, tăng trưởng GDP cần phải xem xét tăng ở đâu và mức độ lan tỏa tích cực của việc tăng trưởng đó như thế nào?

Tương tự, khi nhìn về thành tích xuất khẩu, rõ ràng, đó là câu chuyện thành tích của khối doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, xét mức độ lan tỏa đến giá trị tăng thêm và thu nhập, tính trong giai đoạn 2010-2015 và 2016-2022, xu hướng chung đều là giảm. Cụ thể, trong giai đoạn đầu, xuất khẩu của khu vực FDI được 100 đồng thì lan tỏa tới giá trị tăng thêm 28 đồng, tới thu nhập của người lao động trong nước 20 đồng. Đến giai đoạn sau, xuất khẩu của khu vực FDI được 100 đồng chỉ lan tỏa tới giá trị tăng thêm 18 đồng và tới thu nhập của người lao động trong nước 15 đồng.

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn tác động của kích thích cầu cuối cùng tới tăng trưởng GDP. Tuy vậy, muốn GDP tăng trưởng thực chất, phải có chính sách kích cầu đúng địa chỉ.

“Trọng cung” như thế nào?

KTSG: Nếu không trọng cầu thì trọng cung ra sao cũng là một câu hỏi lớn vì trong một nền kinh tế nặng về gia công, năng lực nội tại của khối doanh nghiệp trong nước sẽ hạn chế. Ông có suy nghĩ như thế nào?

– Câu trả lời là phải nâng cao nội lực của nền kinh tế thông qua việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước, tồn tại và phát triển. Các chính sách cần hướng tới giảm chi phí thực cho doanh nghiệp, nghĩa là ngoài giảm thuế, phải giảm được các loại phí khác. Những khoản doanh nghiệp phải chi trả cho các hình thức hợp tác công tư như BOT đường, xã hội hóa giáo dục và y tế…, tạo gánh nặng không khác gì thuế. Ngoài ra, chi phí không chính thức dù có xu hướng giảm theo khảo sát PCI 2022 nhưng trong số hơn 11.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát, vẫn có khoảng 42,6% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức.

Thứ hai, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội địa trong nghiên cứu phát triển (R&D), thực sự tiến đến nền kinh tế tri thức. Các chính sách phải công khai, minh bạch, bình đẳng và bền vững, để những doanh nghiệp có năng lực có thể tiếp cận và hưởng lợi.

Thứ ba, việc bài trừ tham nhũng, gây phiền hà cho hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ, ngay từ đơn vị hành chính thấp nhất. Phải chấm dứt tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân từ cấp tổ dân phố, phường xã vì điều này ảnh hưởng rất lớn tới khu vực kinh tế cá thể. Theo thống kê, trong suốt giai đoạn 2010-2015, tỷ lệ giá trị gia tăng của khu vực kinh tế cá thể luôn ổn định ở mức trên 31% GDP và dù hiện nay, trang web của Tổng cục Thống kê không công bố riêng về kinh tế cá thể nhưng ước tính, mức đóng góp vào GDP của khu vực này vẫn trên 20%.

KTSG: Với điều kiện hiện tại của nền kinh tế Việt Nam, để vừa đạt được mức tăng trưởng GDP kỳ vọng, vừa đảm bảo sự tăng trưởng đó tạo nên sức lan tỏa đến sản xuất, giá trị gia tăng và thu nhập cho người lao động không phải là một bài toán dễ giải quyết. Phải chăng có thể sẽ phải lựa chọn giải pháp cân bằng, thúc đẩy cầu và có chính sách trọng cung ở những lĩnh vực đột phá như nông nghiệp và dịch vụ, thưa ông?

– Điều căn bản là các chính sách được đưa ra phải thực sự vì nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Những ngành có hệ số lan tỏa cao tới giá trị gia tăng và thu nhập cần được khuyến khích phát triển. Chẳng hạn, nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản và nhóm ngành dịch vụ có chỉ số lan tỏa đến giá trị tăng thêm của nền kinh tế tốt nhất.

Vậy nhưng, một là, cơ cấu về giá trị tăng thêm của nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đang có xu hướng giảm, từ tỷ trọng 15,4% GDP năm 2010 xuống còn 11,8% GDP năm 2022. Cơ cấu này của nhóm ngành dịch vụ trong giai đoạn kể trên không thay đổi.

Hai là, tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất chung của nền kinh tế ở nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2015-2022 giảm so với giai đoạn 2007-2014, còn 63% so với mức 68% trước đó. Nếu ưu tiên thúc đẩy phía cầu, cả đầu tư lẫn kích thích tiêu dùng đều nên hướng vào hai nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản và nhóm ngành dịch vụ để đạt được giá trị tăng thêm và mức độ lan tỏa tốt nhất.

Về lâu dài, cần quay lại chính sách trọng nông với những quy hoạch dài hơi và bài bản cho nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, đặc biệt, không chuyển đổi đất nông nghiệp cho các mục đích thương mại như làm sân golf hay bất động sản…

Hoàng Hạnh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ts-bui-trinh-nen-nghi-nhieu-hon-ve-chinh-sach-trong-cung/