Truyền hình Sông Bé: Những tháng ngày không quên…

Thời gian thấm thoắt trôi, mới đó đã hơn 40 năm. Ngày ấy, tôi - một người lính biên giới Tây Nam, anh thương binh giã từ quân ngũ chuyển ngành về công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Sông Bé… Sau khi được cử đi học chuyên ngành, tôi trở về và bắt tay làm nhiệm vụ với bao ngỡ ngàng, mới lạ. Dù đã qua trường lớp nhưng tôi vẫn có cảm giác 'non tơ' trong công tác giao tiếp, tác nghiệp với vai trò phóng viên và là phóng viên truyền hình.

Tôi còn nhớ, lúc bấy giờ, hầu hết anh em phóng viên của đài đều làm phát thanh. Mãi đến tháng 9-1992, đài mới chính thức phát hình. Tôi, anh Phạm Văn Nghĩa và Nguyễn Thành Long (nguyên Phó Giám đốc Đài PT-TH và Báo Bình Phước - BPTV) là 3 “công thần” đầu tiên được đào tạo cấp tốc từ Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh về làm nhiệm vụ vừa viết vừa quay tin tức thời sự của tỉnh gửi cho Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh phát sóng. Thời ấy chưa có máy quay phim hiện đại như bây giờ mà chỉ là quay phim nhựa. Mỗi khi quay xong phải đem về Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh in tráng rồi biên tập, phát sóng. Gian nan, vất vả vô cùng! Thế nhưng, nghề dạy nghề, anh em tự mày mò, học hỏi thêm kinh nghiệm từ bạn bè, đồng nghiệp. Vậy mà những bản tin thời sự, phóng sự của tỉnh Sông Bé lúc đó thường xuyên có trên làn sóng của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, được lãnh đạo tỉnh và các địa phương đánh giá rất cao về công tác tuyên truyền.

Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam tham quan Trung tâm phát sóng phát thanh - truyền hình Bà Rá sau khi hoàn thành

Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam tham quan Trung tâm phát sóng phát thanh - truyền hình Bà Rá sau khi hoàn thành

Cái thuở khai sơ của ngành truyền hình Sông Bé là vậy. Vài năm sau, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh không may bị hỏa hoạn, nhiều thiết bị in tráng phim cùng phương tiện kỹ thuật bị cháy. Khó khăn này cũng chính là cơ hội để Đài PT-TH Sông Bé vươn lên. Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, đài được đầu tư toàn diện về kỹ thuật, thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực cho lĩnh vực truyền hình. Kể từ đây, ngành truyền hình Sông Bé - Bình Dương từng bước lớn mạnh.

Là một trong những người sát cánh cùng đài từ những ngày Đài PT-TH Sông Bé bắt tay vào khởi sự công cuộc phát sóng truyền hình, bây giờ nhớ lại với biết bao kỷ niệm vui, buồn. Tôi vẫn nhớ như in, tôi và anh Nguyễn Thành Long ngày nào cũng luân phiên trên chiếc xe đạp cũ kỹ, toát mồ hôi trên những chặng đường dài. Khi thì Bình Dương - Bến Cát - Tân Uyên, khi Dĩ An - Thuận An, nhiều lúc đi xa hơn để thực hiện phóng sự phải ở lại 1 tuần, hoặc 10 ngày. Cũng như nhiều hành khách di chuyển tuyến Bình Dương đi Phước Long - Lộc Ninh, anh em phóng viên phải đi trên những chiếc xe chạy bằng than củi. Thường thì sáng xuất phát từ bến xe Bình Dương, chiều muộn mới tới, nhưng tất cả diện mạo, từ quần áo, mặt mày đều nhuộm đỏ bởi nắng bụi, mưa lầy. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn “bình tĩnh sống” và làm việc với trái tim cháy bỏng của tuổi trẻ.

Một kỷ niệm mà có lẽ suốt cuộc đời tôi sẽ không bao giờ quên. Đó là vào những năm 1994-1995, Giám đốc Ngô Thanh Tuyền phân công tôi (lúc đó là Trưởng phòng Truyền hình) trực tiếp làm đạo diễn - biên tập bộ phim tài liệu nói về những mảnh đời khốn khó của các gia đình thương binh, liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Sông Bé. Lần đầu tiên trong nghề thực hiện nhiệm vụ “hóc búa” này, tôi đã trăn trở nhiều đêm. Tôi muốn thoái thác trách nhiệm vì đề tài quá khó! Dẫu vậy, sau nhiều ngày đêm nghiên cứu tài liệu, khảo sát thực tế… tôi nhận ra, đề tài tuy khó nhưng vẫn thực hiện được. Quan trọng hơn, thông điệp từ phim sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các cấp, các ngành, địa phương phải quan tâm hơn nữa sự nghiệp chăm sóc các gia đình có công đang gặp những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Thế là cả ê-kíp bắt tay vào thực hiện với sự phối hợp của ngành lao động - thương binh và xã hội. Sau gần 3 tháng lăn lộn với hiện trường, phim bước vào khâu hậu kỳ, hoàn thiện. Thời đó, do thiết bị dựng hình thiếu thốn và lạc hậu nên việc dựng phim theo ý đồ đạo diễn vô cùng khó khăn. Cả ê-kíp phải chạy đôn chạy đáo, mượn chỗ này chỗ nọ mới tạm đủ để làm việc. Lúc đó, tôi và kỹ sư Võ Hùng Phong phụ trách Phòng Kỹ thuật gần như quên ăn, quên ngủ để vật lộn cùng phim vì thời hạn trình chiếu để báo cáo trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cận kề mà thiết bị dàn dựng hư liên tục. Nhưng rồi trước quyết tâm cao độ của anh em, phim cũng đã hoàn thành. Chị Tư Yểm là người được đạo diễn chọn thể hiện lời bình, thuyết minh trong phim cũng nhiều lần đổ mồ hôi vì phải chỉnh sửa, nhấn nhá từng đoạn cảm xúc, thể hiện nhiều cung bậc theo ý đồ đạo diễn.

Trước khi trình chiếu, chú Út Tuyền khi đó là Giám đốc đài và cô Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn xem đi, xem lại với nhiều lần trầm tư, đắn đo, suy nghĩ… nhằm tìm lời giải cho câu hỏi “Có nên trình chiếu cho Thường vụ Tỉnh ủy xem không?”. Lý do là phim thể hiện trần trụi và chân thật quá, có ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ không?! Tôi vẫn nhớ như in lời Giám đốc Ngô Thanh Tuyền nói: “Chơi luôn Hoàng nhé?”. Tôi mạnh dạn trả lời: “Chơi luôn đi chú. Có gì chú cháu mình cùng lắm là ra đi chứ gì đâu mà sợ”. Thế là bộ phim tài liệu “Những khoảng trống cuộc đời” được trình chiếu tại hội trường Tỉnh ủy trước Ban Thường vụ và đông đảo tỉnh ủy viên. Quả thật, khó có thể tìm ra ngôn từ diễn đạt được tâm trạng tôi lúc bấy giờ. Tôi ngồi hàng ghế cuối, để tâm theo dõi nhất cử, nhất động và toàn bộ không khí trong hội trường mà lòng như lửa đốt. Lúc đầu, khi phim mới chiếu, đây đó còn có tiếng xì xào, nhưng rồi… từ từ, từng phút một, không gian im phăng phắc. Đâu đó, thỉnh thoảng vang lên âm thanh tiếng khóc sụt sùi khi phim chiếu những đoạn đầy ắp niềm thương cảm. Thế rồi đến những trường đoạn cao trào, vài tiếng khóc nấc lên do không kìm nén được cảm xúc. Ngay cả người đứng đầu Đảng bộ lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Văn Luông, Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé (tên thân mật là Sáu Phát), cũng đã ngưng hút thuốc lá, gỡ kính đeo mắt và rút khăn tay lau đi hai dòng lệ.

Là người trực tiếp quan tâm mọi diễn biến khi trình chiếu phim, tim tôi luôn hồi hộp suốt cả buổi chiếu. Thế nhưng, chứng kiến cảnh người quan trọng nhất lau đôi dòng nước mắt, tôi vỡ òa sung sướng và biết chắc phim đã đạt mục đích, dù đang trong vòng sơ khảo. Khi buổi chiếu phim kết thúc, tôi tiến tới bắt tay chú Út Tuyền và cô Út Oanh mà không nói gì. Cả ba người bắt chặt tay nhau và gật đầu như muốn tỏ rõ rằng, không cần nói gì thêm vì tất cả đã thầm hiểu! Kết quả là sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp và ra nghị quyết: Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tỉnh Sông Bé ra sức chăm lo cho gia đình thương binh, liệt sĩ.

Kể từ khi đài Sông Bé phát sóng phim này, việc chăm lo cho gia đình người có công nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các nhà máy, công ty của Trung ương, địa phương, nhà hảo tâm từ các nơi đóng góp và xây dựng được hàng ngàn căn nhà tình nghĩa. Phong trào người người, nhà nhà ra sức chăm lo gia đình người có công nở rộ từ đó. Cuối năm đó, lần đầu tiên Đài PT-TH Sông Bé mang phim tài liệu này, cùng nhiều phóng sự khác tham gia Liên hoan phim truyền hình toàn quốc và đoạt huy chương bạc. Tên tuổi Đài PT-TH Sông Bé dần được khẳng định, không chỉ đối với người dân trong tỉnh, mà lan tỏa khắp các tỉnh, thành khu vực miền Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh.

Giờ đây nhìn lại, có thể nói, sau sự kiện Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh bị hỏa hoạn, lịch sử ngành truyền hình sang trang mới, giảm dần và tiến tới dứt hẳn việc quay thời sự, tài liệu bằng phim nhựa 16 ly chuyển sang công nghệ video đến hiện nay. Thời điểm đó, Đài PT-TH Sông Bé được tỉnh đầu tư 2 camera video 8 - đây là loại máy quay tiên tiến nhất lúc bấy giờ. Nhờ có máy quay và nhiều thiết bị khác kịp thời, Đài PT-TH Sông Bé không chỉ thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong tỉnh, mà còn hỗ trợ Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh và Đài PT-TH Đồng Nai quay những sự kiện quan trọng ở địa phương phát sóng.

So với một số địa phương khác, truyền hình Sông Bé thuộc diện “sinh sau, đẻ muộn”, nhưng đã có những bước đi khá vững vàng, nhất là trong việc chọn lựa công nghệ phát sóng tiên tiến, trong khi nhiều tỉnh, thành còn đang chập chững, thí nghiệm. Điển hình như: Truyền hình Sông Bé đã thực hiện số hóa mặt đất, xây dựng và sản xuất nhiều chương trình truyền hình đa dạng, phong phú, thu hút ngày càng nhiều khán giả xem đài. Năm 1991, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, đài Sông Bé đã xây dựng thành công Trung tâm Truyền dẫn phát sóng tại núi Bà Rá, nay thuộc thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Đây là ngọn núi có độ cao 723m so với mực nước biển nên công trình đã thực hiện tốt việc tiếp sóng và phát sóng các chương trình của đài Sông Bé và Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh nhằm phục vụ nhân dân 5 huyện phía Bắc của tỉnh. Có thể nói, đây là công trình thể hiện sự hiệu quả giữa “ý Đảng - lòng dân”.

Tác giả Phan Minh Hoàng khi còn làm đạo diễn

Tác giả Phan Minh Hoàng khi còn làm đạo diễn

45 năm nhìn lại, thế hệ những người làm truyền hình ngày ấy… bây giờ, người còn người mất. Người trẻ nhất cũng gần 65 tuổi. Hầu hết đều đã về hưu, an yên bên con cháu. Song, có được những thành công như hôm nay, phải kể đến lớp tiền nhân đã góp công, góp sức dựng xây từ buổi khai sơ. Đó cũng là ký ức đẹp một thời của những người ít nhiều đã góp công sức xây dựng thương hiệu truyền hình Sông Bé. Mong rằng, lớp trẻ hôm nay sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang đó, đưa BPTV trở thành một trong những đài truyền hình mạnh trong khu vực và cả nước, xứng đáng với niềm tin mà Đảng bộ và nhân dân Bình Phước dành cho.

Minh Hoàng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/157576/truyen-hinh-song-be-nhung-thang-ngay-khong-quen