Trung Quốc cung cấp 41 tỉ đô la để hỗ trợ các công ty nhà nước mua căn hộ 'ế'

Giới chức trách Trung Quốc công bố một loạt biện pháp được đánh giá là 'táo bạo' để vực dậy thị trường bất động sản. Trọng tâm của các biện pháp là cung cấp vốn ưu đãi cho các ngân hàng để khuyến khích họ cho các công ty nhà nước vay tiền mua căn hộ dư thừa trên thị trường.

Các tòa tháp chung cư ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Các tòa tháp chung cư ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Loạt biện pháp mới nhằm xoay chuyển thị trường nhà ở

Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh chiều 17-5, bà Tao Ling, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), cho biết PBoC sẽ thành lập một chương trình quốc gia cung cấp 300 tỉ nhân dân tệ (41,5 tỉ đô la Mỹ) cho 21 ngân hàng chính sách, ngân hàng thương mại và ngân hàng cổ phần với lãi suất 1,75%.

Theo đó, các ngân hàng tham gia chương trình được khuyến khích cho vay với các công ty nhà nước quy mô vùng do các chính quyền địa phương lựa chọn để hỗ trợ những doanh nghiệp này mua các căn hộ đã hoàn thành nhưng chưa bán được ở “mức giá hợp lý”. Với mỗi khoản cho vay để mua căn hộ “ế”, các ngân hàng sẽ được PBoC cung cấp 60% giá trị gốc của khoản vay. Các căn hộ này sau đó sẽ được bán lại hoặc cho thuê như một phần của chương trình nhà ở xã hội.

Các công ty tài chính thuộc sở hữu của chính quyền địa phương cũng như các công ty nhà nước đang có những khoản nợ ẩn (nợ nằm ngoài sổ sách) bị cấm mua những căn hộ dư thừa trên thị trường.

“Đây là động thái quan trọng của chính quyền trung ương nhằm đáp ứng những thay đổi của động lực cung-cầu trên thị trường bất động sản và nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân về những ngôi nhà chất lượng”, bà Tao Ling nói.

Tuy nhiên, quy mô tài trợ của PBoC còn kém xa mức ước tính của các nhà phân tích là cần ít nhất 1 nghìn tỉ nhân dân tệ để mua căn hộ dư thừa trên thị trường.

“Chương trình cho vay mua nhà dư thừa là một khởi đầu tốt và có thể được bổ sung thêm vốn nếu cần vì chính quyền trung ương có vẻ quyết tâm giải quyết vấn đề của thị trường bất động sản”, Raymond Cheng, giám đốc cấp cao của CGS International Securities Hong Kong nói.

Các biện pháp khác công bố trong chiều 17-5 bao gồm bảo đảm giao nhà đúng thời hạn cho người mua, khuyến khích chính quyền địa phương mua lại các lô đất đã bán cho các nhà phát triển nhưng chưa thể triển khai dự án vì thiếu vốn.

“Giao nhà đúng hạn nhằm bảo đảm quyền của người dân. Chúng tôi sẽ thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo các dự án được giao đúng thời hạn. Đối với những dự án không giao được, chúng tôi sẽ có hành động pháp lý”, Dong Jianguo, Thứ trưởng Bộ Nhà ở và Phát triển thành thị-nông thôn Trung Quốc nói.

Cùng ngày, PBoC và Cơ quan quản lý tài chính quốc gia Trung Quốc thông báo hạ tỷ lệ trả trước tối thiểu đối với khoản thế chấp nhà xuống 15% đối với người mua nhà lần đầu. Tỷ lệ này giảm xuống 25% đối với người mua căn nhà thứ hai. Các tỷ lệ này thấp hơn 5% so với trước đây.

Trong một thông báo riêng, PBoC cho biết sẽ dỡ bỏ lãi suất sàn hiện tại đối với các khoản vay thế chấp để mua căn nhà đầu tiên và thứ hai trên toàn quốc. Các chi nhánh của PBoC có thể xác định lãi suất sàn thấp hơn so với mức hiện nay của các khoản vay thế chấp phù hợp với điều kiện địa phương. Các tổ chức tài chính nên ấn định lãi suất sàn dựa trên điều kiện kinh doanh của những tổ chức này và rủi ro của khách hàng.

Các biện pháp trên được công bố chỉ vài giờ sau một cuộc họp. Trong đó Phó Thủ tướng Hà Lập Phong kêu gọi chính quyền địa phương mua những ngôi nhà chưa bán được. “Chính quyền địa phương cũng nên thu hồi hoặc mua lại đất chưa sử dụng để giúp giảm bớt áp lực cho các nhà phát triển đang gặp khó khăn”, ông nói.

“Thời khắc lịch sử” của ngành bất động sản

Gói biện pháp trên thể hiện quyết tâm của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhằm giải cứu lĩnh vực bất động sản, vốn chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế đất nước. Khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc đã trở thành lực cản lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế, khi các chủ đầu tư mắc nợ trong nước không giao được nhà bán trước khiến tâm lý người tiêu dùng trở nên bi quan.

Dữ liệu chính thức gần đây cho thấy ngành bất động sản vẫn đang trong vòng xoáy đi xuống. Giá nhà mới ở các thành phố hạng nhất của Trung Quốc giảm 0,6% trong tháng 4, đánh dấu tháng giảm thứ 11 liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất trong một thập niên. Đầu tư bất động sản trong 4 tháng đầu năm giảm 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Số vốn mà các nhà phát triển huy động cũng giảm 24,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kể từ khi thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu thoái trào vào năm 2021, một loạt chủ đầu tư đã vỡ nợ, bỏ lại nhiều công trường xây dựng dở dang và làm mất niềm tin vào tài sản nhà ở, vốn là công cụ tiết kiệm ưa thích của người dân Trung Quốc trong nhiều thập niên.

Tờ Bất động sản Trung Quốc, một ấn phẩm do Bộ Nhà ở quản lý, nhận định các chính sách mạnh mẽ trên đánh dấu “một thời khắc lịch sử quan trọng” đối với lĩnh vực bất động sản.

“Đó là một bước đi táo bạo. Vấn đề lớn nhất là liệu chương trình mua căn hộ dư thừa của chính phủ có kích thích được nhu cầu của khu vực tư nhân hay không. Việc thanh lý hàng tồn kho sẽ tăng dòng tiền cho các nhà phát triển và giúp ổn định tài chính nhưng không giúp vực dậy niềm tin của khu vực tư nhân”, Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng ANZ nói.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs ước tính tồn kho nhà ở đã hoàn thành của Trung Quốc ở mức 13.500 tỉ nhân dân tệ, tính đến cuối năm 2023. Trong khi đó, Tianfeng Securities ước tính, sẽ tốn khoảng 1 nghìn tỉ đô la để mua toàn bộ nhà chưa bán được.

“Các chính sách hỗ trợ các nhà phát triển giải phóng hàng tồn kho được coi là khá mạnh mẽ so với tất cả các chính sách trước đó. Về mặt tâm lý, điều này sẽ khiến các nhà đầu tư nghĩ rằng chính phủ đang ‘thanh toán hóa đơn’ và đang chuyển rủi ro từ ngành bất động sản sang ngân hàng và chính quyền địa phương”, một lãnh đạo giấu tên của một nhà phát triển bất động sản có trụ sở tại Thượng Hải nói.

Kể từ khi thị trường bất động sản suy thoái vào năm 2021, Trung Quốc đã hạ lãi suất và mức trả trước đối với khoản vay thế chấp mua nhà trong khi hầu hết các thành phố đã nới lỏng hoặc dỡ bỏ các hạn chế mua nhà. Gần đây, một chương trình tài trợ cho nhà phát triển nằm trong danh sách trắng” để hoàn thành dự án cũng được triển khai.

Tuy nhiên, tình trạng suy thoái nhân khẩu học nghiêm trọng và 96% hộ gia đình đã sở hữu ít nhất một ngôi nhà, nhu cầu nhà ở trong dài hạn ở Trung Quốc đang bị hoài nghi.

Theo Rocky Fan, chuyên gia kinh tế của Guolian Securities, tồn kho nhà ở cao kỷ lục và áp lực thanh khoản đối với các nhà phát triển đe dọa sự ổn định tài chính của Trung Quốc giữa lúc phục hồi kinh tế vẫn còn yếu. Các chính sách mới dường như được thiết kế để ngăn chặn hậu quả tiếp theo của cuộc khủng hoảng bất động sản nhưng sẽ mất nhiều thời gian để đảo ngược xu hướng giảm giá nhà ở.

Theo Reuters, SCMP, Bloomberg

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-cung-cap-41-ti-do-la-de-ho-tro-cac-cong-ty-nha-nuoc-mua-can-ho-e/