Tranh tự họa giả trên bìa sách về Van Gogh

Bốn bức chân dung giả về Van Gogh được các nhà xuất bản đưa lên bìa sách đã đánh lừa người đọc và gây ấn tượng sai lầm về danh họa này, theo The Art Newspaper.

Hình ảnh chân dung của Van Gogh là khung bìa lý tưởng cho nhiều cuốn sách về họa sĩ tài năng này. Bức ảnh không chỉ thể hiện rõ nghệ thuật của ông mà còn giúp độc giả hiểu về nghệ sĩ. Tuy nhiên, ngay cả các nhà xuất bản chính thống và các nhà văn nổi tiếng đôi khi cũng bị lừa khi chọn tranh. Hiện có ít nhất bốn bức chân dung tự họa giả xuất hiện trên bìa sách về Van Gogh.

Lust for Life

Là cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của Irving Stone, tác phẩm này định hình cách công chúng nhìn nhận về Van Gogh kể từ khi xuất bản năm 1934. Cuốn sách được tái bản hàng trăm lần và được dịch rộng rãi sang hàng chục thứ tiếng. 90 năm sau, nó vẫn được in trên toàn thế giới.

Một điều đáng chú ý là một trong những ấn bản đầu tiên, được xuất bản ở New York vào năm 1934, đã sử dụng một bức chân dung tự họa Van Gogh cùng giá vẽ của ông. Bức tranh này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1928 tại phòng trưng bày Wacker ở Berlin (nơi sau này bị vạch trần bán nhiều tranh giả về Van Gogh). Bức tranh này nhanh chóng được bán với giá 31.500 USD cho chủ ngân hàng người Mỹ Chester Dale, người sau đó tặng lại cho Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia Mỹ ở Washington vào năm 1963.

Bìa cuốn Lust for Life (1934) và bức tranh giả xuất hiện khoảng năm 1920. Ảnh: The Art Newspaper.

Vào những năm 1950, bức tranh này đã bị hầu hết chuyên gia từ chối đưa vào danh mục tác phẩm thật của Van Gogh. Tuy nhiên, Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia Mỹ vẫn tiếp tục khẳng định đây là tranh thật, có lẽ không muốn xúc phạm đến gia đình nhà tài trợ.

Vào năm 1984, bức chân dung cuối cùng cũng bị Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia Mỹ điều chỉnh thành “tranh bắt chước” và không bao giờ được xuất hiện.

Tragic Life

Đây là một cuốn tiểu sử đáng kính về Van Gogh của nhà văn người Bỉ Louis Píerard, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1924. Khi được tái bản vào năm 1946, một bức chân dung tự họa giả đã được dùng làm bìa sách. Bức tranh này cũng có một câu chuyện đặc biệt.

Bìa cuốn La Vie tragique de Vincent van Gogh (1946) và bản vẽ của Judith Gérard. Ảnh: The Art Newspaper.

Năm 1898, một người rất ngưỡng mộ tác phẩm của Van Gogh, nghệ sĩ Judith Gérard, đã tự vẽ lại theo bức họa chân dung Van Gogh Self-portrait dedicated to Paul Gauguin (tháng 9 năm 1888). Bức họa thật hiện được trưng bày ở Bảo tàng Fogg, thuộc Bảo tàng Nghệ thuật Harvard. Gérard tự vẽ cho riêng mình vì ngưỡng mộ danh họa, không hề có ý định lừa dối.

Sau đó, bức tranh của bà đến tay những người khác, được sơn phủ che lại chữ ký của Judith Gérard và thêm nền hoa xung quanh để có thể giao dịch gian dối dưới cái tên Van Gogh.

Bức tranh được nhà sưu tập nổi tiếng người Berlin, Paul von Mendelssohn-Bartholdy, mua vào năm 1911 và nhiều năm sau được nhà sản xuất vũ khí Thụy Sĩ Emil Bührle mua lại.

Mặc dù Gérard đã xuất bản câu chuyện của mình về bức tranh này vào năm 1931, nhưng thông tin của bà không được chú ý và nhiều người vẫn cho rằng tranh của bà là thật. Thậm chí bức tranh này còn nằm trong danh mục tác phẩm Van Gogh vào năm 1939. Nhưng đến những năm 1950, bức tranh bị nhiều chuyên gia từ chối và bị loại khỏi ấn bản danh mục gốc năm 1970. Và dù là hàng giả, bức tranh vẫn được trưng bày trong bảo tàng Kunsthaus Zurich và được dán nhãn là “bản sao của Van Gogh, từng bị làm lại để giao dịch lừa đảo”.

By Himself

Đây là bức kỳ lạ nhất trong bốn bức chân dung tự họa giả của Van Gogh. Bức tranh này là bìa cuốnVincent van Gogh As Seen By Himself của Heinz Lieser, được công ty dược phẩm Bayer Leverkusen xuất bản năm 1964.

Điều đáng chú ý là phần dưới của bức tranh chỉ mới hoàn thành một phần. Ở khu vực bên dưới có một số chi tiết nhỏ, dường như là nét vẽ về một diễn viên Nhật Bản và dòng chữ “etude a la bougie” (ngâm cứu dưới ánh nến). Nền tranh màu vàng cam nhằm gợi ý rằng tác phẩm được vẽ vào ban đêm, dưới ánh nến. Hình ảnh phần đầu của Van Gogh dựa trên bức Self-portrait dedicated to Paul Gauguin, dù được vẽ theo hướng ngược lại.

Bìa cuốn Vincent van Gogh: As seen by himself (1963) và bức hình giả vào khoảng năm 1940. Ảnh: The Art Newspaper.

Bức chân dung mang họa tiết Nhật Bản này được cho là được phát hiện tại một quán cà phê ở Paris vào năm 1948. Năm sau, nhà sản xuất nổi tiếng Hollywood William Goetz mua lại tác phẩm này với giá 50.000 USD - một số tiền đáng kể vào thời điểm đó.

Sau vụ mua này, bức tranh bị một số chuyên gia cho là tranh giả và bị loại khỏi ấn bản danh mục gốc năm 1970. Dù bị từ chối trên toàn cầu, bức tranh hiện vẫn thuộc về những người thừa kế của Goetz.

Lost Arles Sketchbook

Đây là vụ việc diễn ra gần đây nhất. Vào khoảng năm 2016, một bức chân dung tự họa giả đã xuất hiện trên bìa cuốn Vincent van Gogh: The Lost Arles Sketchbook, được nhà xuất bản uy tín Abrams ra mắt. Tác giả là chuyên gia nổi tiếng người Canada Bogomila Welsh-Ovcharov và lời tựa là của nhà nghiên cứu Van Gogh lúc bấy giờ, Ronald Pickvance quá cố đến từ Vương quốc Anh. Cuốn sách khổ lớn đã được phát hành bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hà Lan và tiếng Đức.

Cuốn sách giả và hình ảnh bìa không rõ nguồn gốc. Ảnh: The Art Newspaper.

Welsh-Ovcharov cho biết tác phẩm này công bố 65 bức vẽ của Van Gogh chưa xuất hiện trước đó. Cuốn sổ phác thảo này được Van Gogh sử dụng từ tháng 5/1888, ngay sau khi ông đến Arles, cho đến trước khi ông rời đến trại tị nạn ở Saint-Rémy-de-Provence một năm sau đó. Các bức vẽ kết hợp giữa phong cảnh và chân dung, trong đó có một bức chân dung tự họa được đưa lên bìa. Bức chân dung được tự họa bằng mực vào khoảng tháng 7, 8/1888. Welsh-Ovcharov viết rằng: “Họa sĩ, mặc chiếc áo khoác công nhân đặc trưng và chiếc mũ rơm mang tính biểu tượng, thể hiện những nét riêng của mình và bộ râu không cạo một cách tự nhiên”.

Vấn đề là toàn bộ cuốn sổ phác thảo là giả, theo kết luận của Bảo tàng Van Gogh. Lost Arles Sketchbook là một lời cảnh báo hữu ích cho các nhà xuất bản: Hãy cẩn thận với bất kỳ bức tranh Van Gogh nào mới được phát hiện.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/tranh-tu-hoa-gia-tren-bia-sach-ve-van-gogh-post1467777.html