'Trang sử xưa chưa bao giờ cũ!'

Mỗi trang sử vẻ vang của dân tộc không bao giờ xưa cũ mà luôn là mạch nguồn quý giá thôi thúc các thế hệ họa sĩ hôm nay và mai sau tiếp nối sáng tạo.

Nhà điêu khắc Đỗ Bá Quang (ngoài cùng) trò chuyện về tác phẩm 'Dân quân hỏa tuyến'. Ảnh: Hoàng Anh.

Nhà điêu khắc Đỗ Bá Quang (ngoài cùng) trò chuyện về tác phẩm 'Dân quân hỏa tuyến'. Ảnh: Hoàng Anh.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã nhấn mạnh như thế khi nói đến những tác phẩm mỹ thuật được sáng tác từ thế hệ hôm nay về đề tài chiến tranh, nhất là Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước.

Nhấn mạnh rằng, “trang sử xưa chưa bao giờ cũ”, ông Đoàn có cái lý của riêng mình, bởi: “Những nét đẹp hình tượng của người chiến sĩ Điện Biên, anh bộ đội cụ Hồ vẫn được giữ mãi” trong tranh sơn dầu, sơn mài, acrylic, điêu khắc…

Điển hình như Triển lãm Mỹ thuật kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với các đơn vị chủ trì, thực hiện vừa qua, đã đem đến cho công chúng 70 tác phẩm, trong đó không chỉ từ bộ sưu tập của các bảo tàng, mà còn có nhiều tác phẩm được thực hiện từ năm 2000 cho đến nay.

Có thể kể đến: “Bác Hồ đi chiến dịch”, “Hậu phương” (Nguyễn Phú Cường, 2010 và 2020); “Mường Thanh 7.5.1954” (Đoàn Văn Thân, 2001); “Trường ca Điện Biên Phủ” (Trần Thị Thanh Hòa, 2024); “Phía sau là hầm Đờ Cát” (Bùi Tuyết Mai, 2018); “Dân công hỏa tuyến” (Đỗ Bá Quang, 2024); “Tiền nhập” (Mai Xuân Chung, 2024); “Gặp gỡ” (Nông Tiến Dũng, 2021)…

Điều thú vị là, dù “đứng” cùng những tác phẩm được thế hệ trước sáng tạo mang đậm hơi thở, cảm xúc trực diện của cuộc chiến khi họ đều là những người trải qua bao tháng năm bom rơi đạn nổ, từng xông pha chiến trường, góp sức làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu”, song các tác phẩm của thế hệ ngày nay mà phần lớn chưa từng trải qua binh lửa nhưng vẫn thể hiện được khá đầy đủ sắc diện của chiến tranh năm xưa đan lồng trong sắc màu đương đại để khẳng định vị trí của riêng mình.

Chẳng hạn, đứng trước “Mường Thanh 7/5/1954” của họa sĩ Đoàn Văn Thân, người xem như được gặp lại chiến sĩ Điện Biên hối hả vượt cầu Mường Thanh, tiến vào giải phóng khu trung tâm Điện Biên Phủ. Trong đó có người chiến sĩ chừng tuổi mười chín, đôi mươi tay cầm súng, khoác dù và quấn băng trắng trên đầu nhưng vẫn giòn bước cùng đồng đội. Hào khí ấy thật oai hùng, thiêng liêng.

Nhà điêu khắc Đỗ Bá Quang thì dự triển lãm với tác phẩm “Dân công hỏa tuyến”, ông vừa mới kịp hoàn thành. Từ khối gỗ mít, ông tái hiện hình ảnh dân công thồ hàng phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ thật chân thực.

Nhất là, lựa theo đường cong của khối gỗ, ông khéo léo tạo hình và đem đến cho người xem cảm giác như thấy người dân công đang dốc sức đẩy xe thồ vượt đèo, vượt núi dù nhọc nhằn, gian khổ nhưng luôn là tinh thần không gì khuất phục được.

Tác phẩm 'Phía sau là hầm Đờ Cát' của họa sĩ Bùi Tuyết Mai.

Tác phẩm 'Phía sau là hầm Đờ Cát' của họa sĩ Bùi Tuyết Mai.

“Ngay khi nhận thông báo gửi tác phẩm tham dự triển lãm của ban tổ chức, tôi nghĩ ngay đến hình ảnh dân công hỏa tuyến - một trong những lực lượng quan trọng góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 70 năm.

Việc tạo hình bằng chất liệu gỗ không dễ, nhưng chỉ sau 3 ngày tôi đã hoàn thành đứa con tinh thần này. Các đường nét ở đây đều để mộc vì tôi muốn tạo sự cộng hưởng giữa chất liệu, màu sắc, khối hình để người xem có cảm giác thật sự gần gũi khi kể chuyện về thế hệ trước ra trận”, ông Quang chia sẻ.

Dùng chất liệu acrylic, họa sĩ Trần Thị Thanh Hòa cầu kỳ dựng lại toàn cảnh chiến dịch mà trung tâm là hình tượng Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong “Trường ca Điện Biên Phủ”.

Những đoàn dân công hỏa tuyến thồ hàng, bộ đội kéo pháo vào trận địa và phút giây lịch sử với lá cờ tung bay trên hầm Đờ Cát - đánh dấu chiến thắng “lừng lẫy năm châu”… đều được tái hiện ở đây. Để hoàn thành tác phẩm này, nữ họa sĩ phải dành nhiều thời gian, tâm sức và có sự tỉ mỉ từng chi tiết, đồng thời phải đảm bảo bố cục tổng thể đạt được sự cân đối, hài hòa, bao quát.

Còn qua chất liệu sơn dầu, họa sĩ Bùi Tuyết Mai kể câu chuyện ở một bản làng yên ả luôn thắm sắc hoa và vẫn tràn đầy sức sống ở ngay giữa trận tiền trong “Phía sau là hầm Đờ Cát”. Sẽ khó nhận ra ở đó đang xảy ra chiến tranh nếu như không thấy cây súng trên vai của những cô gái Thái.

Và thật ấn tượng trước “Tiền nhập”, tác phẩm được hoàn thành mới đây của họa sĩ Mai Xuân Chung tái hiện khoảnh khắc những người chiến sĩ đặc công ẩn mình thực hiện nhiệm vụ.

Đó là các gương mặt được ngụy trang đen nhẻm lẫn với màu cỏ, màu bùn đất nhưng ở đó là muôn vàn ánh mắt thanh xuân trẻ trung, sôi nổi mà không kém phần cương nghị, bản lĩnh, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Tất cả lấp ló sau những ô chữ nhật nhỏ hay đường cắt thẳng, tạo điểm nhìn tập trung mà càng nhìn sâu vào đó càng có cảm giác như được giao cảm với nhân vật, khối hình.

Có thể thấy, mỗi trang sử vẻ vang của dân tộc không bao giờ xưa cũ mà luôn là mạch nguồn quý giá thôi thúc các thế hệ họa sĩ hôm nay và mai sau tiếp nối sáng tạo. Từ những cách cảm, cách thể hiện độc lập, đa diện, tất cả hòa vào khúc ca yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

“Chúng ta cứ nghĩ nghệ sĩ trẻ đã quên lịch sử, không tha thiết với đề tài lịch sử, nhưng chỉ qua các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm đã thể hiện rõ ràng tình yêu đất nước, tình yêu dân tộc, hình tượng người lính vẫn sâu đậm trong lòng họ” - Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam

Hoàng Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trang-su-xua-chua-bao-gio-cu-post682774.html