Trận chiến giảm giá khốc liệt của các sàn thương mại điện tử Trung Quốc

Báo cáo thu nhập hàng quý từ Alibaba và JD.com trong tuần này sẽ cho thấy câu chuyện tài chính của các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc, đồng thời hé lộ phần nào tâm trạng tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới…

Theo ước tính của DBS, cả Alibaba và JD.com cộng lại chiếm khoảng 69% doanh thu thị trường thương mại điện tử Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hai “gã khổng lồ” này đều chứng kiến với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ tập trung vào danh mục chi phí thấp, chẳng hạn như Pinduoduo của PDD Holding và Douyin thuộc sở hữu của ByteDance.

Người tiêu dùng Trung Quốc ngày nay có thái độ thận trọng hơn trong chi tiêu, tìm kiếm các sản phẩm chi phí thấp hoặc săn hàng giảm giá sau hàng loạt sự bất ổn về kinh tế hậu đại dịch Covid-19. Alibaba và JD.com đã nỗ lực đáp ứng xu hướng này nhưng họ cũng đối mặt với nguy cơ suy giảm tỷ suất lợi nhuận khi làm như vậy.

Cuộc chiến hàng giá rẻ nay là thách thức đối với Tmall của Alibaba và JD.com. Cả hai đều có truyền thống tìm cách nâng cao chuỗi giá trị tiêu dùng của mình thông qua việc mở rộng kinh doanh các sản phẩm cao cấp, chẳng hạn như iPhone của Apple, dưỡng da Estee Lauder hay thậm chí cả đồ trang sức Tiffany & Co. Nhưng hiện tại, họ phải học cách “tung hứng” để vừa có thể bảo vệ vị thế đồng thời cung cấp thêm các loại sản phẩm bình dân hơn để ngăn chặn rò rỉ thị phần.

Nhà phân tích Cathy Lai của S&P Global nhận định: “Chừng nào người tiêu dùng còn quan tâm nhiều đến chi phí thì những chính sách như vậy có thể sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng doanh thu và làm xói mòn tỷ suất lợi nhuận”. Bà Lai cũng nói thêm rằng Alibaba và JD.com đều đang bước vào địa phận hàng không thương hiệu vốn từng là “thành trì” của Pinduoduo.

“Alibaba không thể bỏ qua PDD, nhưng cũng không thể dập tắt mối đe dọa cạnh tranh bằng cách áp dụng hoàn toàn chiến lược của PDD. JD.com cũng ở trong tình trạng tương tự”, bà Lai nhận xét.

Trong tuyên bố trả lời yêu cầu bình luận của Reuters, đại diện từ Taobao và Tmall của Alibaba cho biết: “Chiến lược của chúng tôi luôn là ưu tiên hướng đến người tiêu dùng, chủ động và tích cực đầu tư vào việc cung cấp sản phẩm, giá cả cạnh tranh và chất lượng dịch vụ để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng”.

Năm ngoái, hai nền tảng chính của Alibaba cũng như JD.com đều cam kết chi hàng tỷ nhân dân tệ để trợ cấp cho các đợt hạ giá (discount) và voucher giảm giá trong cả những sự kiện bán hàng thông thường. Nhưng nỗ lực không đem lại kết quả như mong đợi. Trong quý từ tháng 9 đến tháng 12 năm ngoái, bao gồm lễ hội bán hàng lớn nhất trong năm là Ngày Độc thân (11/11), doanh thu tại Tmall của Alibaba chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi JD.com chỉ tăng 3,6%.

Trong khi đó, doanh thu của PDD Holdings lại tăng vọt 123% trong quý tháng 12, mặc dù con số này bao gồm cả nền tảng quốc tế đang phát triển nhanh chóng - Temu, cũng như nền tảng nội địa Pinduoduo, tạo ra phần lớn doanh thu cho PDD Holdings. Douyin của Bytedance, công ty không thường xuyên tiết lộ dữ liệu bán hàng, được cho là đã tăng trưởng 60% vào năm 2023, theo ước tính của công ty nghiên cứu eMarketer.

Trong quý 1/2024, các nhà phân tích kỳ vọng tổng doanh thu của Alibaba - với 65% trong số đó được tạo ra bởi nhánh thương mại điện tử nội địa - sẽ tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn về phía JD.com, công ty được dự đoán sẽ tăng trưởng 6% vào quý 1, điều này gần như phù hợp với xu hướng lạc quan trong những quý gần đây.

Các công ty thương mại điện tử của Trung Quốc đang chuẩn bị bước vào mùa giảm giá lớn, với chương trình kéo dài hàng tuần cho sự kiện 618 quan trọng (được đặt tên theo ngày thành lập JD.com vào 18/6) sẽ bắt đầu vào cuối tháng 5.

Hiện tại, theo ông Jacques Roizen, giám đốc điều hành tại Digital Luxury Group cho biết thêm, các thương hiệu đang chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động phát trực tuyến (livestream) trên các nền tảng như Douyin và thờ ơ hơn với các sàn thương mại điện tử truyền thống như Tmall.

Tuy nhiên, tác động của việc giảm giá liên tục sẽ "giết chết" lợi nhuận của các thương hiệu như nhà sản xuất mỹ phẩm L'Oreal và Estee Lauder, những doanh nghiệp mà 30%-40% doanh số bán hàng của họ tại Trung Quốc đến từ thương mại điện tử, ông Roizen phân tích.

“Tại một thời điểm nào đó, các thương hiệu này sẽ nhận ra rằng họ không thể kiếm được nhiều tiền trên nền tảng giá rẻ. Nhưng thay vì nhìn xa trông rộng và tận dụng cơ hội để khẳng định vị thế như một nền tảng cao cấp hơn, ổn định hơn, đáng tin cậy hơn, thì Alibaba lại quyết định tăng gấp đôi chiết khấu, khuyến mãi và tất cả những thứ đó, trong suy nghĩ của tôi, là một cuộc đua xuống đáy”, ông Jacques Roizen kết luận.

Mỹ Hân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/tran-chien-giam-gia-khoc-liet-cua-cac-san-thuong-mai-dien-tu-trung-quoc-post552149.html