Trạm nghe trộm của Mỹ ở New Zealand

Việc tình báo Mỹ tổ chức nghe trộm ở các nước đồng minh không có gì là mới. Cách đây đúng 10 năm, cả châu Âu chấn động sau khi cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden hé lộ rằng NSA đã nghe trộm điện thoại của nhiều nguyên thủ châu Âu, trong đó có cả nguyên Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Thế rồi vào tháng 4/2023, lại có một số văn bản bí mật của Lầu Năm Góc bị lộ ra ngoài. Số tài liệu này tiết lộ rằng tình báo Mỹ đã nghe trộm không ít quan chức Israel và Hàn Quốc nhằm thu thập thông tin để gây áp lực lên hai nước đồng minh về vấn đề Ukraine.

Ở châu Đại Dương, người ta đã biết từ lâu rằng CIA và NSA đặt trạm radar và nghe trộm tại căn cứ Pine Gap ngay giữa lòng nước Úc. Không những người dân Úc mà một số quan chức nước này cũng tỏ ra bất bình về Pine Gap. Họ đã nhiều lần đi biểu tình và đưa kiến nghị tập thể nhằm phản đối việc này. Tuy đến thời điểm này Canberra vẫn giữ vững lập trường của mình, nhưng cả họ lẫn phía Mỹ đều cảm nhận rõ sức ép từ cử tri. Vấn đề chỉ có thể trở nên gay gắt hơn sau khi chính phủ nước láng giềng New Zealand phát hiện ra rằng NSA cũng đang nghe trộm họ.

Hé lộ bí mật

Ngày 21/3 vừa qua, ông Brendan Horsley, Tổng thanh tra Tình báo và An ninh New Zealand (IGIS) đã công bố một bản báo cáo tiết lộ rằng Cục An ninh thông tinh liên lạc (GCSB) của họ đã bí mật cộng tác với NSA để nghe lén các cơ quan chính phủ từ năm 2012 đến 2020. Việc nghe trộm được ghi lại trong một biên bản ghi nhớ được GCSB bí mật ký kết với NSA vào năm 2011 mà không hề thông báo với nội các. Thông tin nghe trộm được đều được truyền tải đến hai trạm vệ tinh của NSA; một ở Waihopia trên Đảo Nam, một ở Tangimoana cách thủ đô Wellington 140 km về phía Bắc. Hai trạm vệ tinh được xây dựng sau khi New Zeland gia nhập nhóm “Ngũ Nhãn” (liên minh tình báo đa chính phủ giữa Mỹ, Anh, Úc, Canada, Ireland và New Zealand).

Trạm nghe lén ở New Zealand.

Trạm nghe lén ở New Zealand.

NSA gọi phần mềm nghe lén họ sử dụng tại New Zealand là “Apparition” (nghĩa là “Bóng ma”). Đây không phải lần đầu tiên cái tên này xuất hiện. Một số tài liệu được tiết lộ bởi Edward Snowden cũng đề cập đến Apparition. Công luận biết rằng NSA sử dụng Apparition để xác định vị trí của các đối tượng khủng bố thông qua những cuộc gọi điện thoại. Không ai ngờ rằng Apparition đủ khả năng để “vượt rào” những “tường lửa” bảo vệ thông tin liên lạc cho các quan chức New Zeland.

IGIS nhấn mạnh trong báo cáo của họ rằng: “Thông tin thu thập được bởi Apparition có thể được quân đội Mỹ và các nước đồng minh sử dụng”. Kết luận này sau đó đã được báo Declassified Australia (Úc) kiểm chứng. Declassified Australia cho biết Mỹ hiện sử dụng ba trạm vệ tinh của họ ở Úc và New Zealand để theo dõi điện thoại của những chỉ huy phong trào Hamas (Palestine), sau đó cung cấp thông tin vị trí của họ cho Israel để IDF có thể tiến hành ám sát các cá nhân trên.

Không chỉ quan chức các bộ ngành New Zealand không biết rằng mình đang bị chính GCSB nghe trộm, ngay cả nhân viên GCSB cũng không biết đơn vị mình đang làm gì. Một sỹ quan tình báo của GCSB được IGIS phỏng vấn cho biết: “Tôi và các đồng nghiệp nhận ra rằng lưu lượng thông tin ra vào máy chủ của GCSB tăng một cách bất thường. Nhưng ngay cả các nhân viên phụ trách kỹ thuật và quản trị cũng không biết dòng thông tin đó để làm gì. Chúng tôi đã nhiều lần gửi email lên cấp trên để hỏi, nhưng hoặc là cấp trên không hồi âm, hoặc là họ chỉ trả lời lấp lửng: “Bí mật an ninh với đối tác Mỹ.”

Nhà báo điều tra, chuyên gia phân tình báo Nicky Hager trả lời trên kênh truyền hình Newshub: “NSA phát triển Apparition vào năm 2008 với mục đích truy tìm các cá nhân, tổ chức được Mỹ nhắm vào trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan, Pakistan, Iraq, Syria, v.v... Hàng nghìn dân thường vô tội đã chết bởi vì các cuộc không kích của Mỹ. Họ dựa quá nhiều vào Apparition để xác định mục tiêu không kích mà không hiểu rằng mọi thông tin tình báo điện tử chỉ là tương đối, luôn cần có điệp viên ở hiện trường để xác định thông tin chính xác... Liệu chúng ta có nên để cho người Mỹ biết được mọi “nhất cử nhất động” của các chính trị gia New Zealand không? Liệu chúng ta có thể tin rằng người Mỹ sẽ đưa ra sự lựa chọn đúng?”.

Hai trang trình chiếu trong tài liệu của NSA nói về trạm nghe trộm ở Waihopai.

Hai trang trình chiếu trong tài liệu của NSA nói về trạm nghe trộm ở Waihopai.

Đi tìm hướng giải quyết

Một số chuyên gia và chính trị gia New Zealand đã đứng lên kêu gọi chính phủ nước này ban hành những quy định mới buộc các cơ quan tình báo New Zealand phải báo cáo đầy đủ thông tin cho bộ máy lập pháp. Giáo sư luật Dylan Asafo, phát ngôn viên của tổ chức nghiên cứu quan hệ ngoại giao Te Kuaka, phát biểu trên truyền hình: “Đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mọi cử tri. Cử tri không biết bộ máy tình báo New Zealand đang hợp tác với các cơ quan nước ngoài để giám sát chính công dân nước họ. Vi phạm quyền công dân đã là nghiêm trọng, nhưng chúng ta cũng không biết người Mỹ sử dụng thông tin họ thu thập được vào mục đích gì. Nếu như họ dùng thông tin để vi phạm luật pháp quốc tế thì chẳng lẽ New Zealand cũng sẽ bị liên đới?”.

Điều khiến dư luận New Zealand xôn xao là dường như ngay cả các quan chức ở cấp độ cao nhất trong mạng lưới tình báo nước họ cũng không biết hết mọi chuyện. Bộ máy nghe trộm được vận hành gần như hoàn toàn bởi người Mỹ, phía New Zealand có rất ít quyền kiểm soát. Nhiều nhà lập pháp mong muốn sẽ đưa ra được bộ luật mới cấm hoàn toàn hiện trạng trên.

Chương trình nghe lén của Mỹ chỉ bị IGIS phát hiện sau khi họ tiến hành kiểm toán GCSB vào năm 2020. Trước đó GCSB thông báo rằng đã có một số máy móc của mình bị hỏng nhưng từ chối đưa ra lý do vì sao, từ đó buộc IGIS phải làm kiểm toán. IGIS đã tìm ra được ít nhất 29 công dân và tổ chức New Zealand bị NSA nghe trộm từ năm 2014 đến 2020. Danh tính các cá nhân và tổ chức trên vẫn chưa được công bố. Bản thân IGIS cũng thừa nhận rằng số đối tượng bị theo dõi hoàn toàn có thể cao hơn 29.

Trong biên bản ghi nhớ bí mật giữa GCSB và NSA có ghi rằng NSA sẽ không nghe trộm công dân New Zealand hay lấy cắp thông tin từ các mạng viễn thông của quốc gia này. Họ đã vi phạm cả hai điều trên. Mặt khác GCSB cũng không đảm nhiệm tốt trọng trách giám sát viên của mình. Theo đúng biên bản ghi nhớ thì GCSB phải ghi chép đầy đủ tất cả hoạt động của họ lẫn của đối tác Mỹ, nhưng trên thực tế thì họ không lưu giữ lại bất kỳ điều gì. Nhân viên GCSB thì không được giải thích hay tập huấn để giám sát mạng lưới nghe trộm. IGIS phải rất khó khăn mới thu thập được đủ bằng chứng để viết vào bản báo cáo điều tra.

Hiện dư luận New Zealand đang hướng sự chú ý vào Simon Murdoch, nguyên giám đốc GCSB trong giai đoạn 2010-2013. Ông Murdoch là người tham gia soạn thảo và ký kết biên bản ghi nhớ giữa GCSB và NSA. Theo lời khai của các nhân chứng được IGIS thu thập thì trong quá trình soạn thảo biên bản, ông Murdoch đã yêu cầu phòng tư pháp của GCSB phải luôn theo dõi sát sao văn bản và tham vấn các bộ ban ngành khác. Nhưng trên thực tế GCSB không hề có thông báo gì với nội các. Ngay cả ông Ian Fletcher, giám đốc GCSB kế nhiệm Simon Murdoch, cũng không được biết về bản ghi nhớ sau khi lên nhậm chức.

Theo lời giải thích của GCSB thì bởi vì các quy trình, thủ tục nội bộ của họ quá rườm rà, lại có nhiều chức danh quản lý bị thay đổi trong hai năm 2011-2012 nên họ đã không có cơ hội để hoàn thành việc báo cáo với các quan chức có liên quan. Giới quan sát đang tỏ ý nghi ngờ lời giải thích trên. Theo nhà báo Nicky Hager thì: “Phải chăng GCSB đang nói dối chúng ta? Phải chăng họ muốn giấu giếm mọi chuyện bởi vì họ tin rằng nếu vụ việc được đưa ra ánh sáng, phần đông cử tri New Zealand sẽ không muốn hợp tác với Mỹ?”.

Các nhà phân tích như Nicky Hager có lý do để nghi ngờ. Vào năm 1999, dưới thời cựu Thủ tướng Helen Clark, chính phủ New Zealand từng tổ chức điều tra GCSB bởi vì lo ngại tổ chức này đang đặt lợi ích của các đối tác trong nhóm Ngũ Nhãn lên trên lợi ích quốc gia. Bản thân bà Clark cũng luôn tỏ ra lo ngại trước khả năng công dân New Zealand bị các cơ quan tình báo nước ngoài theo dõi bất hợp pháp.

Cựu thủ tướng Helen Clark bình luận về vụ việc nghe lén trên tờ The Press: “Các cá nhân trong GCSB đã che giấu mọi chuyện với chính phủ và cử tri đáng bị trừng trị thích đáng. Họ đã “phá rào” các quy định về tình báo của chính phủ lẫn luật pháp quốc gia và quốc tế”.

Ngay cả các nhân viên tình báo New Zealand cũng không biết rằng NSA tổ chức nghe trộm ở chính nước họ.

Ngay cả các nhân viên tình báo New Zealand cũng không biết rằng NSA tổ chức nghe trộm ở chính nước họ.

Bàn cờ chiến lược

Một chi tiết đáng chú ý khác từ biên bản ghi nhớ GCSB - NSA là hai bên thừa nhận rằng New Zealand do các yếu tố địa lý, con người, tài nguyên, v.v... nên không thể trực tiếp hỗ trợ quân sự cho đồng minh Mỹ. Thay vì thế New Zealand sẽ hướng đến việc trở thành đối tác tình báo quan trọng của Mỹ để quyết định cục diện bất cứ xung đột nào có thể xảy ra ở Đông Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng bị đẩy cao, đây quả là một tuyên bố có phần đáng lo ngại.

Giáo sư sử học Marco de Jong, đồng Giám đốc viện Te Kuaka, nhận xét: “Thỏa thuận hợp tác nghe trộm GCSB - NSA đang ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế trung lập của New Zealand... Đại đa phần cử chi New Zealand không muốn đất nước họ bị lôi kéo vào các cuộc chiến tranh giữa những cường quốc. Nhưng cả khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang bị chia rẽ, các quốc gia trong khu vực chịu áp lực phải chọn lấy một phe. Tôi không chắc rằng liệu New Zealand có thể nghiêm túc và thành thật giữ gìn vị thế trung lập của mình lâu hơn nữa”.

Vụ scandal nghe trộm tại New Zeland cũng có ảnh hưởng đến kế hoạch hợp tác phát triển tàu ngầm giữa Mỹ, Anh và Úc. Vào tháng ba năm ngoái, ba quốc gia này đã ký hiệp ước liên minh chiến lược phát triển tàu ngầm hạt nhân lớp SSN-AUKUS trị giá lên đến 368 tỷ USD. Một điểm đặc biệt của tàu ngầm AUKUS là sử dụng trí tuệ nhân tạo để xác định mục tiêu tấn công bằng tên lửa siêu thanh. Mà muốn sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm xác định mục tiêu thì cần có rất nhiều thông tin dữ liệu tình báo từ các trạm mặt đất.

Chính phủ New Zealand ban hành luật cấm mọi loại phương tiện và vũ khí sử dụng vật liệu hạt nhân trên lãnh thổ nước này vào năm 1984. Tuy nhiên vào tháng 2 vừa qua, trong chuyến viếng thăm Úc của Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Judith Collins, bà Collins đã để ngỏ khả năng New Zealand ký kết hiệp ước AUKUS. Sau đó chính phủ New Zealand đã sớm làm rõ phát biểu trên và cho biết họ đang xem xét mọi sự lựa chọn, trong đó có khả năng New Zealand gia nhập liên minh phòng thủ trên biển nhưng không phát triển hoặc mua tàu ngầm hạt nhân mà chỉ cung cấp thông tin tình báo cho các nước đồng minh.

Ông Andrew Little, cựu Giám đốc GCSB, nguyên Giám đốc Cục Tình báo New Zealand, nhận xét: “Trong trường hợp quân đội Mỹ sử dụng thông tin mà NSA thu thập được tại New Zealand làm dữ liệu cho tàu ngầm AUKUS hoạt động, họ sẽ vi phạm luật cấm vũ khí hạt nhân của New Zealand. Đây là một khả năng rất đáng lo ngại. IGIS cùng các cơ quan giám sát khác cần khẩn trương tiến hành điều tra tổng thể GCSB trước khi chính phủ đưa ra bất kỳ quyết định đáng tiếc nào”.

Lê Công Vũ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/tram-nghe-trom-cua-my-o-new-zealand-i731764/