Toàn diện, rộng khắp và hướng mạnh về cơ sở

Theo Đại tá Trịnh Văn Khải, Ban Pháp luật - Hội Cựu chiến binh Việt Nam, thực hiện Quy chế phối hợp số 2767/QC-BQP-HCCBVN ngày 3.8.2022 giữa Bộ Quốc phòng và Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), tư vấn pháp lý và xây dựng pháp luật về quân sự, quốc phòng (Quy chế 2767); năm 2023, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.

Chọn lọc nội dung và hình thức tuyên truyền

Quán triệt quan điểm "triển khai công tác PBGDPL toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở", việc thực hiện công tác tuyên truyền PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật của Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã tập trung vào các đơn vị vùng sâu, vùng xa, biên giới và các tỉnh miền núi trên phạm vi cả nước, phân bố đều ở 3 miền Bắc, Trung và Nam; đối tượng tuyên truyền PBGDPL là cựu chiến binh, cựu quân nhân, hội viên Hội cựu chiến binh và Nhân dân.

Bộ Quốc phòng và Hội Cựu chiến binh Việt Nam ký quy chế phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Ảnh: Thanh Điểu

Bộ Quốc phòng và Hội Cựu chiến binh Việt Nam ký quy chế phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Ảnh: Thanh Điểu

Trong đó, hình thức thực hiện là thông qua việc biên soạn, in tài liệu, cấp phát đến Hội Cựu chiến binh các cấp và hội viên làm công tác tuyên truyền PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở; năm 2023, Hội đã biên soạn in và phát hành 4.500 cuốn tài liệu Hỏi - Đáp pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; gần 5.000 cuốn sổ tay kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật để cấp phát đến Hội Cựu chiến binh các tỉnh, thành phố, các huyện và cựu chiến binh làm công tác pháp luật. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật với 1.020 người tham gia.

Với phương châm "hướng mạnh về cơ sở" mà trọng tâm là các địa bàn trọng yếu; các xã vùng sâu, vùng xa; vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Đại tá Trịnh Văn Khải cho biết, năm 2023, Hội đã lựa chọn các xã Mường So (Lai Châu), huyện Đắk Glong (Đắk Nông), thị xã Tịnh Biên (An Giang), xã Thanh Lưa (Điện Biên), huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) và TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản pháp luật mới được ban hành, bổ sung, sửa đổi; gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội và địa phương cũng như nhu cầu của cựu chiến binh và Nhân dân, như Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Nghĩa vụ quân sự.

Ngoài hình thức tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở, Hội Cựu chiến binh cũng phối hợp thực hiện tuyên truyền pháp luật thông qua kênh truyền thông đại chúng của các tỉnh; kênh thông tin của Hội (Trang tin điện tử tổng hợp, Báo Cựu Chiến binh, Bản tin Cựu chiến binh) hoặc thông qua các trang mạng xã hội Zalo (nhóm nội bộ thực hiện tuyên truyền pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền). Hội đã tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, PBGDPL nhân Ngày Pháp luật Việt Nam; đồng thời, hướng dẫn các cấp hội tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tạo khí thế tích cực trong toàn Hội; tiêu biểu là Hội Cựu chiến binh các tỉnh Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bình Định, Quảng Bình.

Nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho hội viên

Theo Đại tá Trịnh Văn Khải, hiện nay, toàn hội viên có 5 báo cáo viên pháp luật Trung ương; 168 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 1.325 báo cáo viên cấp huyện, gần 2.000 tuyên truyền viên cấp xã và nhiều tổ đội tuyên truyền pháp luật đang hoạt động. Đây là điều kiện thuận lợi để Hội triển khai công tác tuyên truyền, PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.

Tuy nhiên, đội ngũ này phần lớn là kiêm nhiệm, đa số chưa có kỹ năng, kiến thức pháp luật chuyên sâu, nhất là với các Luật mới được ban hành. Do đó, việc tập huấn các kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật các cho cán bộ các cấp hội là rất cần thiết.

Năm 2023, từ kinh phí bảo đảm của Đề án "Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội Nhân dân tham gia công tác PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027" (Đề án 1371), Hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 6 lớp tập huấn kỹ năng tại 6 tỉnh, thành; với số lượng cựu chiến binh được tập huấn là hơn 2.000 người thuộc các cấp hội trong tỉnh. Từ đó, các cấp Hội tự tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng và triển khai hoạt động phổ biến pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.

Ngoài việc tập huấn, năm 2023, các cấp hội chú trọng tuyên truyền phổ biến quy định pháp luật có liên quan; bảo đảm cho hội viên và Nhân dân thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, hạn chế thấp nhất việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện nền nếp, kịp thời chỉ dẫn cho Nhân dân thực hiện khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật; đến nay, đã có hơn 25 tỉnh, thành phố ban hành quy chế tiếp công dân.

Năm 2024, trước yêu cầu ngày càng cao của công tác PBGDPL và thực hiện chủ trương xây dựng các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; đại diện Hội Cựu chiến binh Việt Nam cho biết, Hội tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Hội Cựu chiến binh bằng những nhiệm vụ cụ thể; phối hợp tổ chức tốt các hội nghị, các buổi tuyên truyền PBGDPL cho cựu chiến binh tại một số tỉnh, thành phố và Nhân dân; đồng thời, nhân lên các điển hình và nâng cao chất lượng mô hình tuyên truyền PBGDPL.

Mặt khác, tiếp tục tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền PBGDPL; bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật cho các cựu chiến binh, các tổ nhóm tuyên truyền pháp luật; đồng thời, thành lập các tổ tư vấn pháp lý tại các tổ chức hội do Hội Cựu chiến binh quản lý, thực hiện nhiệm vụ tư vấn pháp lý đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng, hội viên Hội Cựu chiến binh; phối hợp tổ chức tốt các hội nghị phản biện xã hội đối với các dự án Luật liên quan đến quân sự, quốc phòng.

Thanh Điểu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/toan-dien-rong-khap-va-huong-manh-ve-co-so-i371898/