Tình cảm thiêng liêng, xúc động về Bác Hồ kính yêu

'Ngày 25/8/1969, một cơn đau tim đột ngột làm Bác choáng ngất, sức khỏe dần xấu đi và suy yếu trầm trọng. 9h47 phút ngày 2/9/1969, Bộ Chính trị, những người túc trực bên giường bệnh đều òa khóc. Bác nằm đó, bất động – Người đã vĩnh viễn ra đi... Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, người đã đi vào cõi bất tử, một trong những anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc...' – Nhớ từng câu, từng chữ, chia sẻ lại thời khắc Bác vĩnh viễn ra đi hơn 50 năm trước, cô Trần Thị Diện, 76 tuổi, Tổ dân phố Nguyễn Khuyến, thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân không giấu được nỗi xúc động nghẹn ngào.

Cô Diện nói: Tôi không có may mắn được gặp Bác, nhưng qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua sách báo, hình ảnh giản dị và gần gũi cùng tình yêu bao la của Bác luôn đậm sâu trong trái tim tôi. Đúng như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài Sáng tháng Năm - “Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”.

Sinh ra và lớn lên ở quê hương nhà văn Nam Cao (làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân), năm 1969 cô Trần Thị Diện về nhận công tác tại Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Lý Nhân, trực tiếp phụ trách thư viện và phong trào đọc của huyện Lý Nhân. Do đặc thù công việc, cô Diện được tiếp cận và đọc rất nhiều sách, trong đó có sách viết về Bác. Trò chuyện với chúng tôi cô Diện xúc động nhớ lại: Ngày 3/9/1969, trên đường đi công tác từ xã Nhân Đạo về Vĩnh Trụ, tới địa phận thôn Ngò, xã Đức Lý qua hệ thống loa công cộng tôi nghe được tin Bác mất. Tôi lập tức dừng xe lại bên đường, đứng dưới rặng phi lao, ngay dưới loa công cộng để nghe cho rõ hơn. Lúc đó, các cô, các bác nông dân đang làm đồng và những người qua đường cũng đều dừng lại, tập trung dưới loa im lặng lắng nghe. Nghe tin Bác mất, mọi người ai cũng lặng đi, xúc động nghẹn ngào, nước mắt trào dâng. Cũng như mọi người, không kìm được xúc động, nước mắt tôi chảy tràn. Bác mất đi để lại nỗi đau và nỗi tiếc thương không nguôi trong lòng người dân cả nước. Tình cảm mọi người dành cho Bác là tình cảm hết sức thiêng liêng và kính trọng. Sau này mỗi khi đọc những cuốn sách viết về Bác tôi lại nhớ về giây phút hết sức xúc động và sâu sắc trong ngày 3/9/1969 - thời khắc nghe tin Bác đã ra đi mãi mãi.

Cô Trần Thị Diện (bên trái) kể chuyện về những lần được đi thăm Lăng Bác.

Cô Trần Thị Diện (bên trái) kể chuyện về những lần được đi thăm Lăng Bác.

Trong thời gian công tác (hơn 30 năm) ở Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lý Nhân, cô Diện được đi thăm Lăng Bác hai lần, lần nào cũng để lại trong cô cảm xúc rưng rưng xúc động. Lần thứ nhất, về thời gian cô Diện chỉ nhớ đó là khi Lăng Bác mới hoàn thành xây dựng, mở cửa đón khách đến thăm. Lần ấy cô Diện vinh dự được đi cùng đoàn dành cho những Đội trưởng đội sản xuất tiêu biểu của huyện. Trước hôm đi, ai cũng hồi hộp, háo hức, chờ đợi. Giây phút lặng lẽ theo dòng người trang nghiêm nối nhau vào Lăng viếng Bác, được nhìn thấy Bác nằm bình yên như đang ngủ cô Diện lại trào nước mắt. Những câu chuyện cảm động về Bác, hình ảnh bình dị, gần gũi của Bác mà cô được xem trên tivi, cảm xúc buồn thương lúc nghe tin Bác mất năm nào lại ùa về... Lần thứ hai cô Diện được vào Lăng viếng Bác đó là năm 2001, trước khi nghỉ hưu. Cảm xúc của cô Diện vẫn vậy, vẫn bồi hồi và xúc động nghẹn ngào...

Hơn 30 năm công tác, với nỗ lực không ngừng trong thực hiện nhiệm vụ được giao, cô Diện tự hào bởi Thư viện huyện Lý Nhân nhiều năm liên tục đạt danh hiệu đơn vị thi đua xuất sắc toàn quốc; là đơn vị dẫn đầu tỉnh suốt hơn 30 năm. Về nghỉ hưu, ở Tổ dân phố Nguyễn Khuyến, thị trấn Vĩnh Trụ, với kinh nghiệm nhiều năm là cán bộ thư viện, tuy tuổi đã cao, nhưng cô Diện vẫn luôn nhiệt tình, tận tâm, trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ cô giáo cùng các học sinh được lựa chọn những kỹ năng, biểu cảm... khi tham gia các hội thi về tuyên truyền, giới thiệu sách. Trong năm 2023, nhân ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, cô Diện được chọn là người giới thiệu sách dành cho đối tượng là người cao tuổi trên địa bàn thị trấn. Cô Diện đã chọn giới thiệu cuốn sách “Hồ Chí Minh – Hành trình 79 mùa xuân”. Hoàn thiện xong đề cương giới thiệu sách, nhưng không may nhà có chuyện buồn, cô Diện đành chuyển đề cương mình viết nhờ một cô giáo giới thiệu thay. Cô Diện chia sẻ: Đây là tác phẩm viết về Bác hết sức xúc động, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Tác phẩm được chia thành 3 phần. Phần I – Tuổi ấu thơ đến ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước; Phần II – 50 năm sự nghiệp cách mạng của người; Phần III – Bản di chúc – Một văn kiện lịch sử vô giá.

Trong cuốn sách, tôi xúc động nhất là đoạn viết về thời khắc mẹ Bác mất khi Bác còn nhỏ tuổi: Bác bồi hồi nhớ tới người mẹ hiền thân yêu đã khuất khi Bác mới 11 tuổi. Mẹ mất, cha vắng nhà, Nguyễn Sinh Cung ôm xác mẹ khóc nức nở. Nỗi đau thương đó xảy ra vào ngày 22 tháng Chạp năm 1901. Đây là sự mất mát lớn nhất và cũng là tình cảm sâu sắc nhất về mẹ trên bước đường cách mạng hơn 60 năm Bác đã đi qua. Ngoài ra, khi đọc bức điện Bác gửi về quê ngày 19/11/1951 khi nhận được tin người anh trai Nguyễn Tất Đạt từ trần tôi cũng không kìm được nước mắt: “Nghe tin anh cả mất, lòng tôi rất buồn rầu, vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu, tôi không trông nom; lúc anh tạ thế, tôi không thể lo liệu. Than ôi, tôi xin chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con hãy nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”.

Đặc biệt, trước khi “ra đi” Bác đã để lại bản Di chúc thể hiện lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến: Bản di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá, mỗi câu mỗi chữ của di chúc đã dồn nén bao cảm xúc, chứa chan bao tình yêu thương và sự gắn bó sâu xa với thiên nhiên, với con người của một cuộc đời. Di chúc mãi mãi là áng văn tuyệt bút, là những lời căn dặn thiết tha, là sức mạnh thôi thúc hành động chẳng những đối với nhân dân ta mà còn đối với tất cả những ai đang đấu tranh cho tự do, độc lập, cho hòa bình công lý, cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người.

Những năm qua, thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, cô Diện luôn là đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; các quy định của địa phương; tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn. Liên tục nhiều năm liền cô Diện được cán bộ, đảng viên trong chi bộ tin tưởng bình chọn là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hiện cô Diện đang hướng dẫn, giúp đỡ một cô giáo và hai học sinh chuẩn bị tham dự Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của huyện với những câu chuyện hết sức bình dị mà cao cả về tình yêu bao la của Bác. Đó là những câu chuyện: “Tình yêu của Bác dành cho những khúc dân ca”, “Bác chỉ muốn các cháu được học hành” và “Bác không thăm những người như mẹ con cháu thì thăm ai”.

Cô Diện xúc động nói với chúng tôi: Cả cuộc đời Bác đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho hòa bình độc lập, cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Bác đã đi xa, nhưng tình cảm của Bác, hình ảnh của Bác, tấm gương đạo đức của Bác vẫn sống mãi trong lòng người dân, trong lòng dân tộc Việt Nam.

Phạm Hiền

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/hoc-va-lam-theo-guong-bac/tinh-cam-thieng-lieng-xuc-dong-ve-bac-ho-kinh-yeu-122562.html