Tín chỉ carbon: Ai bán, ai mua?

Gần đây, mua - bán tín chỉ carbon là đề tài 'nóng' trên nhiều diễn đàn trong và ngoài nước. Việt Nam đang nỗ lực để hình thành thị trường tín chỉ carbon để tạo thuận lợi trong giao dịch mua - bán với các đối tác trong và ngoài nước. Dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ thực hiện thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon và năm 2028, thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam sẽ chính thức hoạt động.

Các tỉnh, thành có rừng cũng đang háo hức chờ đợi các hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành trong thực hiện các đánh giá để có thể đo đếm được số lượng tín chỉ carbon mình có được. Đồng thời, các tỉnh, thành cũng mong muốn Chính phủ có cơ chế mua - bán tín chỉ carbon rõ ràng, ai được bán và ai được mua để việc ký kết giao dịch được thuận lợi.

Đồng Nai có diện tích rừng lên đến hơn 181 ngàn hécta, trong đó đa số là rừng tự nhiên nên đây sẽ là “vựa” tín chỉ carbon lớn của quốc gia. Vì thế, tỉnh cũng như các chủ rừng đang chờ đợi các chính sách sớm ban hành để thực hiện trước các bước cần thiết. Như vậy, khi thị trường tín chỉ carbon đi vào hoạt động, Đồng Nai có thể tham gia một cách thuận lợi, khai thác nguồn tài nguyên sẵn có từ rừng, góp phần tăng nguồn thu để phục vụ cho việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Hiện trữ lượng carbon từ rừng tự nhiên của Đồng Nai rất lớn, có thể lên đến hơn 100 tín chỉ carbon/hécta. Do đó, thị trường này sớm đi vào hoạt động sẽ là cơ hội lớn cho các chủ rừng của Đồng Nai.

Theo tiến sĩ Nguyễn Phương Nam, chuyên gia đánh giá quốc tế UNFCCC, Giám đốc Công ty Tư vấn & dịch vụ đổi mới khí hậu Klinova, để có được tín chỉ carbon thì các tỉnh, thành, chủ rừng phải thực hiện các bước như: đăng ký, kiểm định, đánh giá, thẩm định và cấp chứng nhận. Cứ một tấn carbon tương đương một tín chỉ carbon. Đơn vị bán tín chỉ carbon là các chủ rừng và đơn vị mua là các tổ chức, doanh nghiệp có lượng xả thải khí nhà kính lớn. Theo cam kết về bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp có phát thải lớn mà quá trình sản xuất không thể giảm khí thải được thì buộc phải mua các tín chỉ carbon để bù lại.

Hiện nhiều quốc gia đã đưa ra hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu là hàng hóa phải đảm bảo quy trình sản xuất bền vững, giảm dần phát thải. Vì thế, các doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm vào các thị trường trên buộc phải có kế hoạch giảm phát thải. Trong đó, nhiều doanh nghiệp sẽ chọn mua tín chỉ carbon để bù lại. Việc này tạo ra cơ hội cho các tỉnh, thành còn giữ được nhiều rừng tự nhiên.

Uyển Nhi

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202405/tin-chi-carbon-ai-ban-ai-mua-a264d7d/