Tìm lời giải cho sự mất cân đối thị trường lao động

Thị trường lao động dần trở lại xu hướng phát triển bình thường như trước dịch Covid-19, nhưng hiện tượng mất cân đối cung - cầu vẫn diễn ra.

Nhiều người không có việc nhưng khó tuyển

Số liệu thống kê tại nhiều địa phương cho thấy, những tháng đầu năm nay, dù không ít đơn hàng nhưng doanh nghiệp phải hạn chế sản xuất vì thiếu lao động. Dẫn chứng tại Xí nghiệp May 10 (Khu công nghiệp Vũng Áng 1, phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), hàng chục bàn may bỏ trống vì chưa có lao động làm việc. Xí nghiệp có quy mô 1.000 lao động nhưng chỉ 400 lao động đang làm việc. Trong khi đó, trên địa bàn toàn tỉnh còn khoảng 8.000 lao động thất nghiệp.

Hay tại Bắc Giang, năm 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn cần tuyển mới khoảng 100.000 lao động. Do nhu cầu tuyển lao động tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, chủ yếu là lao động trẻ theo từng thời điểm của đơn hàng sản xuất nên có những thời điểm số lao động trong tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Vì thế, từ đầu năm đến nay, Bắc Giang đã phải tổ chức 4 đoàn đi xúc tiến thu hút lao động tại 4 tỉnh Lạng Sơn, Sơn La, Cao Bằng và Hòa Bình. Đến nay, số lao động các tỉnh về làm việc tại Bắc Giang hơn 61.000 lao động, tuy nhiên số lượng này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp.

Tìm lời giải cho sự mất cân đối thị trường lao động

Tìm lời giải cho sự mất cân đối thị trường lao động

Điều đáng nói, những tháng đầu năm 2024 còn hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế. Tình trạng này diễn ra phổ biến hơn ở các tỉnh phía Nam như: Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh…

Tại Đồng Nai, mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức sàn giao dịch việc làm thu hút 25 doanh nghiệp tham gia, với tổng nhu cầu tuyển dụng hơn 3.500 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông nhưng tại sàn chỉ khoảng 500 lượt lao động có nhu cầu tìm việc làm, tìm hiểu thông tin về việc làm đã tham gia sàn.

Chia sẻ với báo chí về vấn đề thị trường lao động, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho hay, qua thực tế tại một số địa phương, có những nơi cần tuyển tới hơn 2.000 lao động nhưng chỉ tuyển được 800 người. Việc thiếu lao động vẫn diễn ra cục bộ trong một số ngành, địa phương, thời điểm…

Số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2024, dù số lao động có việc làm đã trở lại xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19 nhưng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Xét theo khu vực, tỷ lệ lao động phi chính thức khu vực thành thị là 49,3%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý IV/2023 và tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động phi chính thức ở nông thôn là 74,4%.

Các chuyên gia nhận định, việc mất cân đối cung – cầu lao động khiến “nơi cần không có, nơi có không cần”, giảm động lực phát triển kinh tế địa phương, không đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp; mất sức hút đầu tư, thậm chí giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chất lượng đào tạo còn bất cập

Không chỉ mất cân đối cung – cầu, thị trường lao động cũng chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng. Tính đến nay, khoảng 37,8 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên.

Trong khi theo xu hướng tuyển dụng lao động, số doanh nghiệp yêu cầu trình độ đại học trở lên chiếm 53,7%; cao đẳng, trung cấp, sơ cấp 39,0% và 7,3% không yêu cầu người lao động có chuyên môn kỹ thuật. Về vị trí việc làm, nhân viên chiếm 68,5%; quản lý bậc trung chiếm 18,5%; việc làm tạm thời chiếm 6,9%.

Tại Phiên thảo luận: “Chiến lược đầu tư bền vững và xu hướng M&A trong ngành Logistics và Thương mại điện tử” trong khuôn khổ Hội thảo “Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành Logistics và Thương mại điện tử bền vững”, do Bộ Công Thương vừa tổ chức, chia sẻ về vấn đề nguồn nhân lực, bà Cao Cẩm Linh - Trưởng ban Nghiên cứu, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam bày tỏ quan ngại khi hiện nay còn khoảng cách khá lớn giữa yêu cầu của doanh nghiệp và kết quả đào tạo của nhà trường.

Khoảng cách giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI đã xa nhưng khoảng cách giữa thực tế của doanh nghiệp với lý thuyết của nhà trường còn xa hơn nữa. Trong khi nhu cầu nhân lực chất lượng cao đang rất thiếu thì cũng không thể đào tạo lao động phổ thông 5-10 phút là thành nghề”, bà Cao Cẩm Linh nói.

Đại diện một số công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cho biết, hiện nay, nhiều nhà máy của tập đoàn nước ngoài xây dựng ở Việt Nam không tuyển lao động phổ thông, chỉ tuyển công nhân kỹ thuật đã được đào tạo nghề hoặc có trình độ nghề cao đẳng, đại học để biết cách sử dụng máy móc. Các doanh nghiệp khi đến Việt Nam, việc đầu tiên họ quan tâm là lao động đã qua đào tạo chưa, chất lượng đào tạo thế nào để quyết định đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Năm 2024 nền kinh tế trong nước vẫn tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn. Những yêu cầu khắt khe mới của thị trường khiến việc phục hồi xuất khẩu càng nhiều thách thức. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần bám sát thị trường, ứng phó linh hoạt để tìm kiếm đơn hàng, tạo nguồn thu. Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, địa phương cũng cần đẩy nhanh để gián tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, giúp lao động gắn bó với doanh nghiệp lâu dài. Tuy nhiên, để cung và cầu lao động hợp lý, cần có sự chuyển đổi kinh tế chứ không chỉ riêng ngành lao động.

Thị trường lao động dự báo còn tiếp diễn tình trạng mất cân đối cung – cầu. Việc này dẫn đến hệ lụy nhiều tập đoàn đến Việt Nam đầu tư, muốn tuyển dụng lao động trình độ phổ thông, có tính chất gia công thì có nhưng lực lượng lao động để đáp ứng công nghệ cao còn thiếu. Nhằm nâng cao chất lượng lao động, ngoài chính sách ưu tiên của Nhà nước rất cần sự kết hợp giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và cả người lao động.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tim-loi-giai-cho-su-mat-can-doi-thi-truong-lao-dong-320759.html