'Tiếng gõ ở căn nhà gỗ' không có sức bí ẩn

Thiếu logic và những sáng tạo đột phá, bộ phim thảm họa của Shyamalan nhạt nhẽo đáng thất vọng.

* Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

* Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Genre: Hồi hộp, Kinh Dị
Director: M. Night Shyamalan
Cast: Dave Bautista, Ben Aldridge, Rupert Grint,...
Rating: 5,5/10

M. Night Shyamalan là một đạo diễn người Ấn Độ nổi tiếng. Dẫu vậy, phong độ làm phim của anh hiện vẫn gây tranh cãi bởi sự thiếu ổn định. Nổi lên từ những năm cuối thập niên 1990, tên tuổi của Shyamalan gắn liền với The Sixth Sense. Tác phẩm kinh dị này nhận được 6 đề cử Oscar, trong đó có 2 hạng mục quan trọng Đạo diễn xuất sắc và Kịch bản xuất sắc. Ngoài ra, anh còn nhiều dự án thành công khác, đơn cử là The Village, The Visit, Glass hay Split...

Tuy nhiên, cũng có không ít phim của Shyamalan bị giới phê bình ghẻ lạnh. Điển hình là những cái tên như Lady in the Water, The Happening, đặc biệt là The Last AirbenderAfter Earth. Cả 4 tác phẩm trên đều bị đề cử hoặc nhận giải Mâm xôi vàng tại các hạng mục Kịch bản tệ nhất, Đạo diễn tệ nhất và Phim tệ nhất.

Với lần tái xuất màn ảnh rộng này, Shyamalan mang tới Knock at the cabin (Tiếng gõ ở căn nhà gỗ). Bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết ăn khách The Cabin at the End of the World của nhà văn Paul G. Tremblay.

Khi M. Night Shyamalan bị mất “chữ ký”

Trước khi ra mắt trên màn ảnh rộng, Knock at the cabin từng là một ẩn số khó đoán. Khán giả hâm mộ dành sự quan tâm không nhỏ cho bộ phim kinh dị này. Đây, hoặc có thể là một tác phẩm hay, hoặc có thể là một dự án nối dài danh sách phim thất bại trong sự nghiệp của đạo diễn gốc Ấn.

Chuyện phim theo chân Eric (Jonathan Groff) và Andrew (Ben Aldridge), một cặp đôi đi nghỉ dưỡng tại căn nhà gỗ trong rừng cùng con gái nuôi, Wen (Kristen Cui). Kỳ nghỉ diễn ra êm đẹp cho tới khi họ chạm trán với nhóm người lạ mặt. Đó là thầy giáo tiểu học Leonard, gã lưu manh mới mãn hạn tù Redmond, nữ đầu bếp Sabrina và y tá Adriane. Những kẻ này đều có vũ trang và nhanh chóng bao vây cabin nơi gia đình đang nghỉ dưỡng.

 Knock at the cabin mở đầu bằng cảnh Wen đi bắt châu chấu.

Knock at the cabin mở đầu bằng cảnh Wen đi bắt châu chấu.

Kỳ lạ ở chỗ, chúng đều cố gắng trấn an gia đình Eric-Andrew. Đáng ngờ hơn, nhóm người lạ yêu cầu họ phải đưa ra quyết định để giải cứu hành tinh khỏi thảm họa. Cặp đôi đứng trước lựa chọn khó khăn: một người phải tự nguyện hi sinh, trở thành vật tế để cứu gia đình và mọi người trên thế giới.

Không tin tưởng những người lạ, Eric và Andrew kịch liệt chống trả. Thế nhưng, từng sự kiện đẫm máu xảy ra buộc họ phải suy ngẫm cẩn thận trước khi đẩy mọi chuyện vượt quá tầm tay.

Lựa chọn đề tài thảm họa nhưng phát triển cốt truyện theo concept thể loại kinh dị, M. Night Shyamalan ghi điểm về mặt ý tưởng. Knock at the cabin rõ ràng là một dự án giàu tiềm năng khai thác, khi Shyamalan có thể đào sâu mối quan hệ nhân sinh trước tận thế, hoặc mở rộng góc khám phá bi kịch của thảm họa. Đặc biệt, chất liệu kinh dị khi được sử dụng khéo léo sẽ bổ sung tính hồi hộp, kịch tính cần thiết.

Thế nhưng, “tham thì thâm”. Việc đạo diễn ôm đồm tình tiết mà không chú ý tới vai trò của chúng trong tổng thể sự kiện khiến phim trở nên kém hấp dẫn. Xuyên suốt 3 hồi phim, không ít lần Shyamalan rơi vào cái bẫy làm phim “cliché”.

Khó mà phủ nhận, điểm yếu lớn nhất của Knock at the cabin nằm ở phần kịch bản. Tận thế là một chủ đề hấp dẫn, nhưng góc khai thác của đạo diễn thực chất lại mông lung và ngớ ngẩn.Nhiều tình tiết không đầu cuối, cũng không được móc nối một cách cẩn thận. Cá biệt, các nhân vật trong phim đôi khi còn hành động/phản ứng phi logic, đi ngược với lẽ thường.

Đáng chú ý hơn, ở lần trở lại này, M. Night Shyamalan bị mất đi “chữ ký” - vốn là thứ định hình tên tuổi của anh tại Hollywood. Thông thường, các bộ phim điện ảnh trước đó của anh đều được nhấn nhá bằng cấu trúc twist-ending. Điều này làm tăng sự bất ngờ, khó đoán trong lối kể chuyện của vị đạo diễn. Từng có nhận định: “Sức mạnh lớn nhất của Shyamalan là khả năng ẩn nấp ngay cả trong tầm nhìn rõ ràng”.

Knock at the cabin lạc lõng giữa đề tài kinh dị - thảm họa.

Knock at the cabin lạc lõng giữa đề tài kinh dị - thảm họa.

Thế nhưng, Knock at the cabin đã xé nát phong cách này. Bên cạnh chuyện phim rời rạc,sự xuất hiện của những yếu tố bất ngờ và khó đoán cũng gần như bằng không.

Tiềm năng nhiều, nhưng khai thác chưa được bao nhiêu

Tiếng gõ ở căn nhà gỗ mở đầu bằng tiểu cảnh cô bé Wen dạo quanh nhà và bắt châu chấu. Chẳng bao lâu, cuộc đụng độ đầu tiên đã xảy ra khi Wen gặp Leonard (Dave Bautista).

Shyamalan sử dụng dày đặc những cú máy ECU đặc tả, zoom cận mặt các nhân vật kết hợp với track hòng đẩy cao tính căng thẳng ngay từ đầu phim. Tuy nhiên, những tín hiệu này còn lộ liễu và sỗ sàng thái quá. Giá như Shyamalan tiết chế lại và biết cách đưa đẩy trí tưởng tượng của người xem lạc sang một hướng khác, chuỗi sự kiện của hồi hai có lẽ đã gây kinh ngạc nhiều hơn. Tuy nhiên, xét trên tổng thể, đây vẫn là một khởi đầu tốt.

Không giống nhiều thể loại khác, motif phim kinh dị thông thường cần tận dụng triệt để khoảng thời gian sau biến cố hồi đầu (inciting incident) để xây dựng bầu không khí thu hút. Thậm chí, nhiều nhà làm phim kinh nghiệm cho rằng chỉ có không quá 5 phút để thuyết phục được người xem.

Thế nhưng, Shyamalan lại chưa tận dụng được lợi thế ban đầu của mình. Anh chọn cách hết sức phổ thông khi giới thiệu toàn bộ nhân vật xuất hiện trong phim. Việc này là không cần thiết, đặc biệt là những nhân tố có khả năng tạo ra biến cố của hồi sau như Redmond (Rupert Grint).

Ngoài ra, những màn đối thoại hay hành động nối tiếp trước khi tới điểm bước ngoặt (second-thought) của kịch bản tỏ ra kém hiệu quả. Thoại nhiều là một chuyện, nhưng nhân vật thậm chí còn hành động ngớ ngẩn. Thay vì nói rõ ngọn ngành, nhóm người của Leonard bày ra hàng loạt hành vi kỳ lạ. Họ nói năng sáo rỗng, đầy lỗ hổng, dọa cả nhà Eric-Andrew một phen chết khiếp và cưỡng chế gia đình bằng bạo lực trong khi miệng liên tục giải thích “không muốn gây hấn”.

 Phim thiếu đi những góc quay sáng tạo và giàu ẩn ý - nét chấm phá của thể loại kinh dị.

Phim thiếu đi những góc quay sáng tạo và giàu ẩn ý - nét chấm phá của thể loại kinh dị.

Kể từ đây, mạch truyện lạc hẳn sang “giải thích” thay vì “khám phá”. Những gì mà nhóm người bí ẩn thực hiện chỉ là chứng minh cho gia đình nhà Wen về sự hiện diện của thảm họa. Chính vì vậy, nội dung hồi sau rất loãng và nhạt nhòa.

Nhận thức được điều này, Shyamalan cố gắng thêm thắt những tình tiết máu me tăng kích thích và mức độ ghê rợn. Tuy nhiên, nó gần như không có hiệu quả. Khán giả chưa thấy được sự căng thẳng của bầu không khí tiền tận thế, cũng chẳng mấy ấn tượng với chất liệu kinh dị bị sử dụng sai cách trong phim.

Nếu diễn biến dừng lại ở mức nhạt nhòa, thì kết phim có thể gọi là thảm họa. Tuy chỉ chiếm một phần nhỏ thời lượng nhưng hồi ba lại là phần gay cấn nhất để thỏa mãn trải nghiệm khán giả, để lại ấn tượng trước khi họ bước ra khỏi rạp chiếu phim. Thế nhưng, thứ ấn tượng nhất mà Tiếng gõ ở căn nhà gỗ làm được là gây hoang mang, chán nản.

Bởi, không có bất cứ một lời giải thích hợp lý nào cho tất cả sự kiện trong suốt khoảng thời gian phim diễn ra. Người xem không biết nguồn cơn việc nhân vật được lựa chọn, họ hành động như vậy vì sao và hậu quả thế nào khi kết cục được định đoạt... Mọi chuyện đều được khép lại chóng vánh và khó hiểu.

Nhà phê bình Charles Koplinski cho rằng Knock at the cabin đơn thuần là một câu chuyện phi logic xây dựng trên nền tảng lỏng lẻo. Phim có tiền đề tốt nhưng cách thức triển khai sự kiện và nhân vật sai lầm đã đánh mất sự hấp dẫn với khán giả. Trên trang đánh giá Rotten Tomatoes, Knock at the cabin nhận mức điểm đánh giá 68% từ các chuyên gia.

Tống Khang

Ảnh: Universal Pictures.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tieng-go-o-can-nha-go-khong-co-suc-bi-an-post1398941.html