Tiệm sách cũ

Thỉnh thoảng, những chiều sau giờ làm việc ở cơ quan, trên đường về nhà, tôi ghé vào một tiệm sách cũ. Chỉ vỏn vẹn chừng mươi mét vuông thôi nhưng cũng có đủ nhiều loại sách phong phú cho mọi lứa tuổi.

Nhiều người mê sách thường hay ghé vào những tiệm sách cũ để tìm mua những cuốn sách cũ hiếm, xuất bản từ mấy chục năm trước giờ không còn tái bản… (ảnh minh họa).

Trong lúc chọn sách cần mua, tôi hay trò chuyện với chị bán sách. Chị nói nghề này như "nối lại thời gian", bởi đa phần người đến đây mua sách là người lớn tuổi, họ bắt gặp lại quá khứ, đi tìm những cuốn sách một thời đã qua. Chị cho biết thêm, vẫn có một số phụ huynh đi tìm mua sách cho con học, mua truyện cho con đọc. Dù là cũ nhưng vẫn cứ theo kiểu "cũ người, mới ta" nên tiệm sách cũ của chị hằng ngày vẫn luôn có người đến.

Chứng kiến những người đi mua sách cũ tại tiệm này nhiều lần, được nghe những câu chuyện đi mua sách cũ lắm niềm vui và cũng không ít cảm xúc thầm tiếc, tôi lại nhớ về một thời sách báo lên ngôi. Sách báo được cho mượn, chuyền tay nhau đọc, ghi chép lại những điều mình thích, chưa kể đọc hoài đọc lại rồi nhớ làu làu. Đó là thời chưa có "mạng", văn chương sách báo đều được in ra và tôi đã mê say đọc sách từ những ngày còn nhỏ.

Thư viện ở trường, ở các quầy sách báo… đã cho tôi nhiều kỷ niệm và niềm vui háo hức khi đọc được những cuốn sách hay. Thời học phổ thông, sau những giờ học hay làm việc nhà, là đọc sách, có khi đọc trong những buổi giong trâu bò ra đồng. Không chỉ đọc, mà tôi còn chép những đoạn thơ, những câu văn yêu thích vào cuốn vở học trò. Đặc biệt, tôi thích nhất là phần thưởng cuối năm học có những quyển truyện, quyển sách, dù là đã đọc trước đó trong thư viện trường học. Tôi xem đó là gia tài riêng mình và giữ chúng cho đến tận bây giờ.

Tôi yêu sách. Với tôi, sách là tình yêu và nỗi nhớ. Tôi nhớ những đoạn tuổi đi qua, đã đến với sách và "sách mở ra cho tôi những chân trời mới" (M.Gorki:). Tôi nhớ thời sinh viên ở Huế, ngoài thư viện trường đại học, thư viện tỉnh, còn có các quầy sách báo dọc con đường Lê Lợi bên bờ nam sông Hương thơ mộng. Rồi cũng viết lách cộng tác với những tờ báo yêu thích như Hoa Học Trò, Áo Trắng, Mực Tím, Sinh viên…

Tìm thấy bài viết của mình được đăng là sung sướng vô cùng. Nhận được tiền nhuận bút thể nào cũng chừa lại một khoản để dành mua những quyển sách cũ hay mới thật yêu thích về đọc, làm "kho" sách cỏn con cho riêng mình. Cứ thế, những niềm vui với sách, đi tìm sách, lựa sách, đứng tần ngần ở quầy sách báo cũ… là biết bao thương nhớ một thời để thỏa lòng sở thích tìm tòi, đọc sách, cả ghi chép những đoạn văn, những bài thơ hay…

Bây giờ, mọi thứ "kham khổ" để có sách đọc không còn là vấn đề "nan giải" nữa. Thời công nghệ số đầy đủ những "tấm vé" để mọi người bước vào thế giới sách phong phú và đa dạng. Những quầy sách hiện đại, bóng loáng. Những siêu thị sách online sẵn sàng đón "khách" đặt mua. Những thư viện trường học, công cộng có đều khắp với đầy đủ tiện nghi để phục vụ người đọc. Tất cả mọi nơi mọi lúc đều có sách, từ sách giáo khoa, sách văn học, sách kiến thức Đông Tây kim cổ đến các loại sách học kỹ năng - ngoại ngữ…

Tôi biết điều đó là vô cũng thuận tiện, là lẽ đương nhiên phải thế nhằm thích ứng trong thời thế giới phẳng, công nghệ số hiện nay. Ấy nhưng, tôi vẫn thích đi đến tiệm sách cũ, thích cái cảm giác bỗng thấy choáng ngợp bởi núi sách chồng chất trên những kệ sách kèm theo một mùi hăng hăng ngai ngái của các thứ giấy đã hoen ố, cũ mềm. Tôi xem đó là "mùi" đặc trưng của sách cũ với "hình hài" bề ngoài có vẻ xấu xí, thô kệch, đa phần giấy đã đen hay ngả vàng úa… Những quyển sách cũ luôn đem lại cho tôi và nhiều người lớn tuổi một sự hoài niệm, trân quý thời đã qua. Tôi xem đó là kho báu tri thức về những trang giấy nhuốm màu thời gian và không dễ gì phôi pha ký ức…

Trong niềm hoài niệm ấy, chiều nay, tôi lại ghé tiệm sách cũ…

Tản văn: Quyên Quyên

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/tiem-sach-cu-post294488.html