Thủ tướng yêu cầu sớm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Luật Tổ chức tín dụng 2024

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Luật Tổ chức tín dụng 2024, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.

Sáng 8-5, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng 2024. Sự kiện có sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Chủ đề năm nay là “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” - có sự tiếp nối với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số” của Ngày Chuyển đổi số ngân hàng năm 2023.

Nhấn mạnh tinh thần "5 đẩy"

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, của ngành ngân hàng trong tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, hướng đến Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, công dân số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024. Ảnh: VGP

Xác định chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ đã lựa chọn chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là "Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế -xã hội nhanh và bền vững".

Trọng tâm đặt ra là đẩy mạnh phát triển kinh tế số, trong đó ngành ngân hàng với vai trò đặc biệt quan trọng là huyết mạch của nền kinh tế, có tác động hàng ngày đến hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế, mọi mặt hoạt động của người dân, doanh nghiệp, các đơn vị hành chính, sự nghiệp.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu quán triệt, bám sát và hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy chuyển số quốc gia nói chung, chuyển đổi số ngành ngân hàng nói riêng thực chất, hiệu quả, góp phần giữ ổn định thị trường tiền tệ, tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan, tìm hiểu tiện ích của các ngân hàng. Ảnh: VGP

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng đề nghị NHNN và toàn bộ hệ thống tổ chức tín dụng phải quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn trong triển khai chuyển đổi số ngành ngân hàng, gắn với chuyển đổi số quốc gia một cách bền vững, hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là “5 đẩy mạnh”: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy phát triển, mở rộng, đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, tuân thủ chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tạo nền tảng quan trọng cho phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, nền kinh tế số.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hỗ trợ công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, nhằm tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, rửa tiền.

Đẩy mạnh phát triển nhân lực số ngành ngân hàng, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán, bảo vệ dữ liệu cá nhân, áp dụng tiêu chuẩn bảo mật mới, bảo đảm thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và chi phí hợp lý cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp.

Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Tổ chức tín dụng 2024

Từ thực tiễn chuyển đổi số ngân hàng thời gian qua, Thủ tướng yêu cầu chú trọng 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Một là, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Trong đó, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Tổ chức tín dụng 2024 đã được Quốc hội thông qua; sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng và Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt.

Mặt khác, rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật hiện hành để xem xét ban hành, sửa đổi, bổ sung để bảo đảm đồng bộ, phù hợp với các quy định tại Luật Căn cước, Luật Giao dịch điện tử...

Hai là, phát triển hạ tầng số trong lĩnh vực ngân hàng phù hợp với xu hướng phát triển. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng thông tin tín dụng.

Thúc đẩy tích hợp, kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương.

Gian hàng giới thiệu tiện ích của các ngân hàng thu hút nhiều khách tham quan. Ảnh: Minh Trúc

Ba là, đẩy mạnh phát triển các hệ thống thông tin của NHNN, các tổ chức tín dụng để tăng tính cạnh tranh, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Bốn là, phát triển dữ liệu số, tập trung kết hợp với Đề án 06, trong đó, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai hiệu quả ứng dụng dữ liệu dân cư, chú trọng khai thác thông tin căn cước công dân gắn chip và tài khoản VNeID.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan triển khai liên thông dữ liệu, cung cấp ngày càng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trong nền kinh tế.

Năm là, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi của ngành ngân hàng. Có chính sách thu hút, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu về công tác chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Sáu là, đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh, an toàn. Tăng cường việc phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông… trong công tác phòng, chống tội phạm và bảo đảm an ninh, an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi cung ứng dịch vụ trên môi trường số.

Tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát; phân tích dữ liệu để bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống, cũng như phòng chống tội phạm, rửa tiền.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-yeu-cau-som-ban-hanh-van-ban-huong-dan-trien-khai-luat-to-chuc-tin-dung-2024-post789528.html