Thoát nghèo nhờ trồng na trên núi đá

Mô hình trồng na trên núi đá đã và đang làm thay đổi diện mạo kinh tế của bà con đồng bào dân tộc tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

Thoát nghèo nhờ trồng na trên núi đá.

Thoát nghèo nhờ trồng na trên núi đá.

Phát triển theo hướng nông nghiệp sạch

Xã La Hiên là vùng trồng na tập trung lớn nhất của huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên với diện tích trên 300ha. Ngoài ra, cây na còn được trồng rải rác ở một số xã trên địa bàn huyện như Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá, Dân Tiến... Những năm gần đây, đặc sản na La Hiên rất được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng thơm, ngon, đậm vị.

Để phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, xã đã thành lập các tổ trồng na an toàn. Quả na La Hiên đã được dán tem nhãn và mã QR code để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc. Trước đó, Na La Hiên đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể năm 2018 và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020.

Bên cạnh các chính sách khuyến khích mở rộng diện tích trồng và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, huyện Võ Nhai cũng đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, giúp quả na đến với nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh.

Trong những năm qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ nông dân huyện Võ Nhai tiêu thụ được hàng chục tấn na mỗi năm thông qua các kênh tiêu thụ.

Từ năm 2021, huyện Võ Nhai đã đưa Cổng thông tin điện tử kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp vào hoạt động nhằm liên kết sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương đến các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Thăm quan vườn na của nhà bà Phương Thị Tiền, xóm Hiên Minh, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Bà Tiền là người dân tộc Nùng, đã gắn bó với nghề trồng Na trên 30 năm qua, bà Tiền cho biết: Nghề trồng Na rất vất vả, tuy nhiên so với các cây trồng khác thì cây Na cho năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay, nhà tôi đang có diện tích na là 12 sào, mỗi vụ thu 5 tạ quả/ 1 sào, chi phí đầu tư ban đầu để chăm sóc cây khoảng 25-30 triệu đồng.

Theo bà Tiền, Na vào vụ bán trung bình từ 25.000 – 30.000 đồng/ kg, sau khi trừ các chi phí thì mỗi năm gia đình bà Tiền thu khoảng 150 – 160 triệu đồng. Cũng theo bà, cây Na trồng trên núi đá sẽ cho quả chất lượng cao hơn, thơm ngon hơn. Do đó, Na cũng bán được giá hơn so với trồng dưới vùng đất bằng.

Hiện nay, trên địa bàn xã La Hiên, huyện Võ Nhai có diện tích trồng cây Na là trên 300ha.

Hiện nay, trên địa bàn xã La Hiên, huyện Võ Nhai có diện tích trồng cây Na là trên 300ha.

Giúp các hộ dân nâng cao thu nhập cải thiện đời sống

Còn đối với ông Trần Văn Thái, xóm Hiên Bình, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cũng là hộ dân trồng na từ nhiều năm nay, hai vợ chồng ông Thái hiện có diện tích trồng Na là trên 10 sào.

Ông Thái chia sẻ: Việc trồng, chăm sóc Na khá vất vả, đặc biệt là thời điểm này đang trong giai đoạn thụ phấn cho Na, hai vợ chồng chúng tôi phải thường xuyên có mặt ở vườn để chăm sóc cho cây, làm sao cây sinh trưởng, phát triển tốt, sản lượng quả đảm bảo, qua đó đến thời điểm thu hoạch mới được giá.

Cũng theo ông Thái, nhờ việc trồng Na mấy chục năm qua, mà hai vợ chồng ông Thái có tiền trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học, đồng thời cuộc sống của gia đình cũng ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội Nông dân xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Trên địa bàn xã La Hiên có khoảng 800-900 hộ dân trồng Na từ khoảng 20-30 năm nay, hiện tại có 11/16 xóm có hộ dân trồng Na tập trung chủ yếu các xóm Hiên Minh, Hiên Bình, Xuân Hòa, La Đồng, Làng Lai, Cây Bòng…

Cũng theo bà Loan, cây Na có hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây trồng khác, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, trung bình mỗi sào Na cho thu nhập từ 13 – 15 triệu đồng. Với mức thu nhập như thế này không chỉ giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, nhiều hộ vươn lên làm giàu.

Trong thời gian tới, để cây Na tiếp tục là cây trồng chủ lực, nâng cao giá trị kinh tế cho bà con, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, tổ chức các lớp tập huấn về áp dụng hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh, sản xuất theo hướng an toàn, vietgap, hỗ trợ phân bón, hỗ trợ vốn vay sản xuất từ các ngân hàng, quỹ hỗ trợ nông dân, huyện triển khai các dự án, chương trình na rải vụ, quản lý ruồi vàng….

Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh tuyên truyền để bà con phát triển hàng hóa trên cơ sở hợp tác, vào HTX, cùng nhau góp sức xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, việc quảng bá thương hiệu sản phẩm là việc làm vô cùng quan trọng vì vậy cần phải làm tốt việc kết nối, hỗ trợ nông dân để giới thiệu những sản phẩm của địa phương, để đảm bảo chất lượng đầu ra của sản phẩm.

Huyện Võ Nhai hiện có gần 700 ha trồng na, trong đó có gần 200 ha đã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Diện tích na chủ yếu trồng tập trung tại La Hiên và một số xã, thị trấn lân cận như Lâu Thượng, Phú Thượng, Đình Cả, Tràng Xá, Dân Tiến và Phương Giao… Sản lượng quả na mỗi năm đạt khoảng 6.000 tấn.

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoat-ngheo-nho-trong-na-tren-nui-da-post683667.html