Thiệt hại cây trồng vì thiếu nước

Trong sản xuất nông nghiệp, người xưa đã đúc rút kinh nghiệm 'Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống'. Qua đó để thấy nước có vai trò hết sức quan trọng đối với cây trồng. Mùa khô năm nay, nhiều người dân ở xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng càng thấu hiểu hơn điều đó.

Ngay từ cuối mùa mưa năm ngoái, khi nắm được thông tin Elnino sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thời tiết mùa khô năm 2024, gia đình anh Đỗ Xuân Trường ở thôn 10, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng đã chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng bằng cách đầu tư hàng trăm mét ống dây, dẫn nước từ hồ chứa thủy điện Thái Tuyên lên vườn. “Để có nước tưới cho cây trồng, gia đình tôi phải bơm 2 chặng, từ dưới thủy điện lên trung chuyển, từ trung chuyển về nhà, sau đó mới tưới lại cho cây. Trong tháng 4 nắng nóng gay gắt vừa qua, gia đình tôi tốn gần 40 triệu đồng chi phí cho tiền dầu chạy máy bơm” - anh Trường chia sẻ.

Nhờ chủ động cải tạo lại ao dự trữ nước, ông Liêm (giữa) vẫn đảm bảo nguồn nước tưới cho vườn sầu riêng

Nhờ chủ động cải tạo lại ao dự trữ nước, ông Liêm (giữa) vẫn đảm bảo nguồn nước tưới cho vườn sầu riêng

Thế nhưng hơn 860 gốc sầu riêng, 200 gốc bơ và gần 2.000 gốc cà phê của gia đình anh Trường vẫn trong tình trạng thiếu nước. Sầu riêng rụng bông, rụng trái, thậm chí có cây chết khô; trái bơ chỉ bé bằng ngón tay út; lá cà phê héo úa... Các loại cây trồng chỉ được tưới cầm chừng để duy trì sự sống cho cây qua mùa nắng hạn. Tỷ lệ các loại cây chết khô chiếm khoảng 5%. Anh Trường xót xa: “Do thiếu nước tưới, sầu riêng đang đến thời điểm thu hoạch bị rụng bông, rụng trái rất nhiều. Bơ đậu trái nhưng không đủ nước để nuôi lớn. Thiệt hại về kinh tế của gia đình gần 500 triệu đồng”.

Ngay từ cuối mùa mưa năm 2023, gia đình ông Hoàng Văn Liêm ở thôn 9, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng đã cải tạo lại 2 ao, mỗi ao có diện tích mặt nước khoảng 500m2 để dự trữ nước tưới cho mùa khô. Nhờ chủ động nguồn nước tưới nên hơn 3 ha sầu riêng đang trong độ tuổi thu hoạch của ông Liêm vẫn đủ nước để xử lý ra hoa, làm trái. Tuy nhiên, nắng hạn vẫn khiến năng suất vườn cây giảm khoảng 60% so với những năm trước. Ông Liêm cho rằng vẫn còn may mắn, bởi nhiều hộ dân xung quanh thậm chí không có nước để tưới cầm chừng cho cây trồng.

Anh Đỗ Xuân Trường phải bơm nước qua hồ trung chuyển để dẫn nước về vườn tưới cho cây trồng

Anh Đỗ Xuân Trường phải bơm nước qua hồ trung chuyển để dẫn nước về vườn tưới cho cây trồng

Theo ông Liêm, sau 8 năm, mùa khô 2024 này mới lặp lại thời tiết nắng nóng gay gắt và hạn hán kéo dài. Chính vì thế, nhiều nông dân chủ quan không dự trữ nguồn nước tưới, gây thiệt hại nặng về kinh tế. “Tôi thấy công tác quy hoạch, quản lý tài nguyên nước vẫn chưa hiệu quả. Hy vọng các cơ quan chức năng sớm khoanh vùng ao hồ, bưng bầu để quản lý, bảo vệ, giữ gìn nguồn nước tự nhiên, phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn” - ông Liêm cho hay.

Theo số liệu thống kê, mùa khô năm 2024, toàn xã Thống Nhất có 150 hộ thiếu nước sinh hoạt; 410 ha cây trồng trong đó có 42 ha tiêu, 145 ha cà phê, 223 ha cây ăn trái và cây lâu năm khác bị ảnh hưởng bởi hạn hán; khoảng 345 ha cây trồng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Từ tháng 11-2023 đến cuối tháng 4-2024, trên địa bàn xã không có mưa. Hai cơn mưa lớn đầu tháng 5 vẫn chưa đủ để “giải khát” cho cây trồng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thống Nhất Hoàng Văn Đình cho biết, tình hình nắng nóng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nông dân, đặc biệt canh tác về nông nghiệp. Vụ điều vừa qua, nắng nóng làm khô bông, khô trái, năng suất giảm sâu so với năm trước gây thất thu cho nông dân. Bên cạnh đó, các cây cần nước tưới như hồ tiêu, cà phê, sầu riêng bị thiếu nước trầm trọng. Cao điểm vào tháng 3, tháng 4 vừa qua, nhiều vườn đã chết cây. Cũng có nhiều vườn, nông dân đã bỏ trái chỉ để cứu cây.

“Bên cạnh việc tuyên truyền người dân chủ động nguồn nước tưới, thực hiện phòng, chống cháy vườn trong mùa khô, chúng tôi kiến nghị các ngành, cấp chính quyền cần có sự quy hoạch và hỗ trợ xã Thống Nhất, hỗ trợ người dân xây dựng hồ đập chứa nước với diện tích lớn, lâu dài để đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân” - ông Đình kiến nghị.

Bài: Ngọc Huyền - Ảnh: Hoàng Vũ

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/157606/thiet-hai-cay-trong-vi-thieu-nuoc