Thị trường Khoa học và Công nghệ: Còn nhiều 'rào cản' phát triển

Đó là nhìn nhận thẳng thắn của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tại báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2024 vừa gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Cũng tại báo cáo, những thành tích nổi bật, những tồn tại của thực tế và hàng loạt các kiến nghị về đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã được đưa ra.

Nhiều quy định chậm được sửa đổi

Bộ KH&CN được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 220 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 92 nhiệm vụ (chiếm 41,8%), đang thực hiện 123 nhiệm vụ trong hạn (chiếm 56%). Nhìn lại năm vừa qua, lãnh đạo Bộ KH&CN nhận thấy, KH&CN tiếp tục có những đóng góp đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống nhân dân. Khoa học xã hội nhân văn đóng góp tích cực và cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách và định hướng phát triển KT-XH của đất nước. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Nhiều thành tựu KH&CN hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng,...

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, về chính sách, pháp luật trong lĩnh vực KH&CN có một số quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, không còn phù hợp với thực tiễn phát triển nhưng còn chậm được sửa đổi; quy định về thực hiện khoán chi trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) đã được ban hành nhưng còn vướng mắc trong nhiều quy định thực hiện nên không tạo được động lực cho các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu để chấp nhận triển khai trong thực tế. Việc xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN có rất nhiều vướng mắc. Đặc biệt, trong bối cảnh việc “định giá tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ” và việc thương mại hóa kết quả này hiện nay còn nhiều vướng mắc và nội dung không rõ ràng. Điều này thể dẫn đến những tiềm ẩn “rủi ro” khi thương mại hóa và sẽ dẫn đến “nghịch cảnh” là sản phẩm thương mại hóa thành công thì có thể có quy kết trách nhiệm trong công tác định giá. Đây sẽ là rào cản lớn để đưa các sản phẩm là kết quả của nhiệm vụ KH&CN vào thị trường và giảm khả năng phát huy tác dụng của các công trình nghiên cứu KH&CN. Đến nay, cả nước hiện có khoảng 184.430 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu còn nhiều vướng mắc

Thống kê từ Bộ KH&CN cho thấy, đến nay, cả nước có 22 sàn giao dịch công nghệ, bao gồm: 20 sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương, 1 sàn giao dịch công nghệ Vùng Duyên hải Bắc Bộ đang trong giai đoạn thành lập. Tuy nhiên, Bộ KH&CN cũng chỉ rõ, tồn tại có phần “kìm kẹp” sự phát triển ngành còn bởi những vướng mắc về việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Chính sách ưu đãi trong pháp luật về thuế đối với chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao còn chưa thực sự hiệu quả, chưa được sửa đổi bổ sung để đồng bộ với quy định của Luật Chuyển giao công nghệ về đối tượng được ưu đãi thuế. Sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp với mục tiêu đưa nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào thực tiễn sản xuất kinh doanh còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá theo chiều sâu. Còn nhiều vướng mắc trong việc huy động đội ngũ viên chức tại các tổ chức nghiên cứu công tham gia phối hợp, liên kết với doanh nghiệp để thực hiện các nội dung nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghê. Thị trường KH&CN còn chậm phát triển, trong đó đặc biệt còn thiếu hệ thống các tổ chức trung gian có năng lực. Hoạt động đổi mới, ứng dụng và làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế. Cơ chế, chính sách về tự chủ tài chính, tổ chức bộ máy, nhân lực KH&CN còn nhiều điểm chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động KHCN và ĐMST gây khó khăn cho hoạt động của các tổ chức. Cơ chế, chính sách thu hút nhân tài trong hoạt động KH&CN còn chưa có nhiều giải pháp có tính thực tiễn. Chưa thực sự có cơ chế vượt trội để thu hút và phát huy hiệu quả sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài.

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật về KHCN&ĐMST để KHCN&ĐMST thực sự là một trong các đột phá chiến lược để phát triển KT-XH nhanh và bền vững. Đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật KH&CN phục vụ phát triển KT-XH.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/khoa-hoc-quan-su/thi-truong-khoa-hoc-va-cong-nghe-con-nhieu-rao-can-phat-trien-i729841/