Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng bao giờ hồi phục?

Nhiều giải pháp được đề xuất để khơi thông dòng chảy bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Chiều 18-5, Bộ Xây dựng phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa, báo Xây dựng, Hiệp hội bất động Việt Nam tổ chức diễn đàn Khơi thông dòng chảy bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng.

Trầm lắng sau thời kỳ dài phát triển nóng

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết diễn đàn nhằm đánh giá khách quan toàn cảnh bức tranh thị trường BĐS cả nước nói chung, BĐS du lịch nghỉ dưỡng Khánh Hòa nói riêng; tác động của chính sách pháp luật hiện hành đến thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

 Thị trường bất động sản chững lại sau thời kỳ phát triển nóng. Trong ảnh, một góc TP Nha Trang. Ảnh: XUÂN HOÁT

Thị trường bất động sản chững lại sau thời kỳ phát triển nóng. Trong ảnh, một góc TP Nha Trang. Ảnh: XUÂN HOÁT

Theo ông Sinh, thời gian qua, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh, tập trung ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong đó phải kể đến một số địa phương có sự phát triển tích cực như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ninh...

Một số chuyên gia cho rằng sau thời gian phát triển nóng là giai đoạn 2016-2019. Từ năm 2020 đến nay, thị trường BĐS nghỉ dưỡng đã chững lại, nguồn cung hạn chế, lượng giao dịch giảm sút, gây ảnh hưởng đến thị trường BĐS nói chung.

Cần sớm lấp đầy khoảng trống pháp lý

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, thời gian qua lượng giao dịch kém do nguồn cung yếu, hàng tồn kho chủ yếu là sản phẩm giá trị cao, phải cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm đã cắt lỗ từ trước của các chủ đầu tư.

Trong khi đó, niềm tin nhà đầu tư chưa được phục hồi do hành lang pháp lý chưa rõ ràng, chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, thanh khoản kém…

 Các đại biểu dự đoán thị trường bất động sản sẽ dần hồi sinh thời gian tới. Ảnh: XUÂN HOÁT

Các đại biểu dự đoán thị trường bất động sản sẽ dần hồi sinh thời gian tới. Ảnh: XUÂN HOÁT

Ông Đính cho rằng phần lớn giao dịch tập trung ở những dự án biệt thự nghỉ dưỡng có mức giá bán dưới 10 tỉ đồng/căn, có pháp lý hoàn thiện, tiến độ thi công đảm bảo và các căn hộ du lịch có giá trị dưới 3 tỉ đồng/căn.

Riêng sản phẩm biệt thự, shophouse nghỉ dưỡng, nhà ven biển ghi nhận lượng quan tâm nhiều hơn từ nhóm có nhu cầu sở hữu second-home và nhóm nhà đầu tư nước ngoài.

“Một số dự án condotel vẫn đóng giỏ hàng, không phát sinh giao dịch do vướng mắc pháp lý. Để hồi sinh loại hình condotel, nhà nước cần sớm lấp đầy khoảng trống pháp lý cho người mua, quy định ràng buộc quyền lợi, trách nhiệm rõ ràng của chủ đầu tư, khách mua, đơn vị quản lý”- ông Đính đề xuất.

Cũng theo ông Đính, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển trong tương lai với sự hỗ trợ từ nhu cầu du lịch tăng cao, sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các chủ đầu tư cần chú trọng vào việc quy hoạch, phát triển dự án, nhằm bảo vệ, tôn trọng cảnh quan tự nhiên; đồng thời cung cấp một môi trường thuận lợi cho du lịch và nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, cần nỗ lực để thích nghi với các xu hướng mới, đem tới những trải nghiệm mới, sản phẩm tiếp cận với nhu cầu thực tế của khách hàng. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của các loại khách hàng khác nhau, từ biệt thự biển sang trọng đến căn hộ nghỉ dưỡng tiện ích.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, đánh giá khả năng phục hồi của thị trường bất động sản Việt Nam thời gian tới rất khả quan.

Ông Lực cũng lưu ý rằng đồng đô la Mỹ tăng giá khoảng 3% nhưng vẫn có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Thế giới đang không có suy thoái kinh tế nghiêm trọng, điều này giúp ổn định tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Việc các quỹ đầu tư quốc tế nhận định đây là thời điểm tốt để đầu tư vào Việt Nam cũng là một tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản.

Năm giải pháp phục hồi thị trường bất động sản

Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay thị trường BĐS đang từng bước được các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, nguồn vốn, quy hoạch.

Những tháng đầu năm 2024, nhiều ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất cho vay mua nhà 1 - 2% so với hồi cuối năm 2023, xuống khoảng 5,9 - 6,5%/năm, lãi suất thả nổi 8 - 13%/năm, tạo điều kiện cho người mua nhà ở và các nhà đầu tư BĐS.

Tuy nhiên, để thị trường nói chung, doanh nghiệp BĐS nói riêng vượt qua khó khăn, phát triển bền vững cần sự tiếp sức, đồng hành của các cơ quan chức năng, các bên liên quan như khách hàng, nhà thầu, đối tác...

Bên cạnh đó chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đang phát huy hiệu quả tích cực. Trong bốn tháng đầu năm 2024, thị trường BĐS ghi nhận mức lãi suất cho vay mua nhà đã giảm mạnh với mức thấp nhất chưa từng có trong nhiều năm qua, kích thích người dân “xuống tiền” mua nhà.

 Thị trường codotel đã qua thời phát triển rầm rộ. Ảnh: XUÂN HOÁT

Thị trường codotel đã qua thời phát triển rầm rộ. Ảnh: XUÂN HOÁT

Các tham luận tại diễn đàn đã tổng hợp năm giải pháp tháo gỡ khó khăn để góp phần phát triển BĐS du lịch nghỉ dưỡng trong tương lai gần.

Cụ thể là: tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, đất đai, đảm bảo đồng bộ, đáp ứng với yêu cầu từ thực tiễn; tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho thị trường bất động sản.

Triển khai thực hiện một cách quyết liệt từ Trung ương tới các địa phương công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản. Cuối cùng, các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động thực hiện một số giải pháp về nguồn vốn đầu tư, huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể, giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải.

Xuân Hoát

Nguồn PLO: https://plo.vn/thi-truong-bat-dong-san-du-lich-nghi-duong-bao-gio-hoi-phuc-post791287.html