Thế giới bàng hoàng trước tin Tổng thống Iran tử nạn do rơi trực thăng

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian và đoàn hộ tống đã qua đời trong vụ tai nạn trực thăng xảy ra tại vùng núi phía Tây Bắc đất nước. Lãnh đạo nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã lên tiếng chia buồn với Iran và cam kết sát cánh cùng quốc gia Trung Đông.

Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) ngày 20/5 thông báo, Tổng thống Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian, Thống đốc tỉnh Đông Azerbaijan Malek Rahmati, giáo sĩ Mohammad Ali Al-e-Hashem, ông Mahdi Mousavi - thành viên đội cận vệ Tổng thống và 3 thành viên phi hành đoàn đã qua đời khi chiếc trực thăng chở họ gặp nạn trong điều kiện thời tiết xấu ở tỉnh Đông Azerbaijan phía Tây Bắc Iran vào ngày 19/5, sau khi ông Raisi dự lễ khánh thành đập Qiz Qalasi ở biên giới Iran-Azerbaijan cùng người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev.

Suốt đêm 19/5, hàng ngàn người dân Iran và lãnh đạo đất nước đã liên tục cầu nguyện cho Tổng thống Raisi, nhưng đến sáng 20/5, lực lượng cứu nạn đã phát hiện xác trực thăng cháy rụi trên một sườn núi và không tìm thấy dấu hiệu sự sống. Do điều kiện địa hình hiểm trở; thời tiết xấu với sương mù dày đặc và mưa lớn, các đội cứu hộ đã mất nhiều giờ để tìm kiếm chiếc trực thăng.

Vụ tai nạn này đánh dấu sự cố nghiêm trọng nhất xảy ra với các lãnh đạo cấp cao của Iran kể từ sau vụ nổ bom năm 1981 khiến Tổng thống Iran khi đó là ông Ali Rajai thiệt mạng. Iran cùng ngày tuyên bố quốc tang 5 ngày để tưởng nhớ ông Raisi.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: IRNA.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: IRNA.

Theo Hiến pháp Iran, nước này sẽ tổ chức bầu cử trong tối đa 50 ngày nữa để chọn ra Tổng thống kế nhiệm. Phó Tổng thống Mohammad Mokhber đã trở thành quyền Tổng thống Iran trong thời gian chuyển tiếp. Ngày 20/5, ông Mokhber chủ trì một cuộc họp của nội các ở thủ đô Tehran. Chính phủ Iran cùng ngày ra tuyên bố gửi lời chia buồn về sự cố xảy ra với Tổng thống Raisi, khẳng định “nỗ lực phụng sự đất nước vẫn tiếp tục với tinh thần không ngừng nghỉ mà ông Raisi theo đuổi” và “mọi hoạt động của nội các sẽ tiếp diễn mà không có bất cứ gián đoạn nào”.

Trong khi đó, Thư ký Hội đồng Chiến lược về Quan hệ Đối ngoại của Iran, ông Abbas Araqchi, cũng nêu rõ, chính sách ngoại giao của Iran sẽ không thay đổi sau vụ tai nạn thảm khốc nêu trên.

Tổng thống Raisi sinh năm 1960 trong một gia đình sùng đạo ở thành phố Mashhad, thánh địa của người Hồi giáo Shiite ở Iran. Ông Raisi từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành tư pháp Iran, trước khi thắng cử để trở thành Tổng thống Iran vào năm 2021. Ông được đánh giá là người có vai trò then chốt trong việc dẫn dắt Iran vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây; định hình chính sách ngoại giao của Iran và mở rộng tầm ảnh hưởng hơn nữa của Iran tại khu vực Trung Đông. Theo New York Times, ông Raisi từ lâu được coi là người kế nhiệm đương nhiên của Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người có quyền lực cao nhất ở Iran.

Trong thời gian ông Raisi làm Tổng thống, kinh tế Iran có nhiều bước phát triển. Năm 2023, GDP của Iran tăng trưởng 5,4%, mức tốt nhất kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Tehran vào năm 2018 và thuộc nhóm cao nhất thế giới. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Iran có thể tăng trưởng ở mức 3,7% trong năm tài chính 2024.

Về đối ngoại, tháng 3/2023, Iran đã công bố thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao với Arab Saudi sau nhiều năm bất đồng. Đây được đánh giá là thỏa thuận rất quan trọng giúp hạ nhiệt một phần căng thẳng ở Trung Đông giữa các quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên, quan hệ giữa Iran và Israel xấu đi liên quan đến tình hình Dải Gaza và cuộc xung đột ở Syria. Hai bên đã tiến hành các đợt tấn công qua lại nhắm vào mục tiêu của nhau trong năm 2024, dẫn đến nguy cơ leo thang nghiêm trọng.

Đến nay, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã gửi lời chia buồn với Iran. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 20/5 cho biết, ông Raisi là “người bạn tốt” của Trung Quốc, đồng thời tin rằng sự ra đi của ông là “mất mát to lớn với người dân Iran”. Từ Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 20/5 gửi điện chia buồn tới Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei, trong đó gọi cố Tổng thống Iran là “chính trị gia xuất sắc” và “một người bạn thực sự của nước Nga”, nhấn mạnh ông Raisi đã đóng góp vào sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Moscow-Tehran.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nêu thông điệp mô tả ông Raisi là “người anh em”, bày tỏ chia buồn tới gia đình cố Tổng thống Iran và những người thiệt mạng trong vụ rơi trực thăng. Thổ Nhĩ Kỳ cùng Nga trước đó đã cử lực lượng và thiết bị tới hỗ trợ Iran làm công tác cứu nạn.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi; Thủ tướng Italy Giorgia Meloni; Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa; Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif; Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro; Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan; Thủ tướng Iraq Mohammed Shia' al-Sudani; Tổng thống Syria Bashar al-Assad cùng nhiều nhà lãnh đạo khu vực, quốc tế; đại diện các nhóm vũ trang Hezbollah và Hamas ở Trung Đông đã gửi lời chia buồn tới Iran.

Theo Reuters, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng nêu thông điệp: “Liên minh châu Âu bày tỏ lời chia buồn chân thành về sự qua đời của Tổng thống Raisi, Ngoại trưởng Amir-Abdollahian, cũng như các thành viên khác trong phái đoàn hộ tống và phi hành đoàn trong vụ tai nạn trực thăng”.

Thái Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/the-gioi-bang-hoang-truoc-tin-tong-thong-iran-tu-nan-do-roi-truc-thang-i731840/