Thay đổi về cơ chế, chính sách để gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đến đúng đối tượng

Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về kết quả gần 2 năm triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Thưa ông, Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã đạt được nhiều kết quả, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, qua kết quả của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43 cho thấy tiến độ giải ngân nhiều dự án rất chậm so với yêu cầu. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được kỳ vọng tăng thêm đầu tư vào phục hồi kinh tế, gồm các dự án như dự án giao thông, dự án trọng điểm và các chương trình hỗ trợ lãi suất cho các lĩnh vực cần ưu tiên phục hồi.

Trong lĩnh vực giải ngân, về cơ bản, nhiều dự án đã được thực hiện cơ chế đặc thù như chỉ định thầu, cho phép khai thác mỏ vật liệu mà không cần cho phép. Chính vì vậy mà tốc độ giải ngân của nhiều dự án trọng điểm khá tốt. Bên cạnh đó, nhiều dự án thuộc các lĩnh vực khác không thuộc các lĩnh vực trọng điểm ví dụ các lĩnh vực y tế, giáo dục, đầu tư mua sắm… vẫn còn vướng các thủ tục hành chính. Chính vì vậy, đến thời điểm thực hiện chương trình giám sát thì nhiều nguồn vốn hầu như chưa được giải ngân, mới nằm trong giai đoạn thẩm tra các dự án để hoàn thiện các thủ tục và khi hoàn thành thủ tục mới giải ngân được.

Có lẽ, vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta cần phải xem những quy định mang tính thủ tục cho việc triển khai các dự án đầu tư rõ ràng còn kéo dài.

Những vướng mắc chủ yếu của các dự án mua sắm, đầu tư cho y tế, giáo dục, là nhiều yếu tố như định mức về kinh tế kỹ thuật, đơn giá về các trang bị chưa có quy định cụ thể, trong khi chưa trao quyền quyết định cho những cơ quan đầu tư đó. Chính vì vậy, việc đưa đến phương án lại đẩy trách nhiệm hỏi các cơ quan, bộ ngành, kéo thời gian rất dài.

Đặc biệt, gói hỗ trợ lãi suất 2% là kỳ vọng rất lớn của Nghị quyết 43, mong muốn với hỗ trợ 40.000 tỷ đồng có khoảng chừng 2 triệu tỷ đồng tín dụng sẽ được đưa vào nền kinh tế để phục hồi. Tuy nhiên, kết quả thực hiện rất thấp, hầu như không đáng kể.

Một số gói hỗ trợ trong Nghị quyết 43 đang được đề xuất hủy bỏ. Trong bối cảnh doanh nghiệp, người dân rất khó khăn hiện nay, theo ông nên chuyển nguồn tiền đó như thế nào để tiếp tục tinh thần Nghị quyết 43, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp?

Rõ ràng gói hỗ trợ 2% là không khả thi thì đương nhiên chúng ta phải thay đổi, không nên tiếp tục giữ nữa mà nên hỗ trợ những chương trình đã hỗ trợ có hiệu quả. Chúng ta đang có dư địa khá tốt về tài khóa, do đó, nên tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa ngược, thông qua việc tiếp tục duy trì giảm các khoản thuế, các nghĩa vụ đóng góp hoặc thậm chí phải giảm một số khoản đóng góp cho các đối tượng đang khó khăn.

Bên cạnh đó, nguồn ngân sách dự tính dành cho gói 40.000 tỷ đồng nên chuyển sang chương trình hỗ trợ theo các mục tiêu rõ ràng. Điển hình như trước đây có những gói hỗ trợ như cho vay để xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp và chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Gói hỗ trợ này được ngân hàng hoàn thành rất sớm, đúng đối tượng, mang lại hiệu quả cao.

Hiện nay, có rất nhiều các ngành, các lĩnh vực cần phải tiếp tục hỗ trợ như: Hỗ trợ cho nhà thu nhập thấp, hỗ trợ cho các chương trình chuyển đổi, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và các chương trình để tiếp cận, thu hút các nhà đầu tư mới như đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực, chuẩn bị các yếu tố để đón nhận được các nhà đầu tư về ngành công nghiệp bán dẫn… Tôi cho rằng đó là những chương trình chúng ta cần phải có hoặc chính sách hỗ trợ thực sự là ưu đãi của Chính phủ.

Thưa ông, nhiều nơi đánh giá vấn đề thủ tục vẫn rất phức tạp khi thực hiện các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43, theo ông cần thực hiện những gì để tháo gỡ “nút thắt” này?

Tôi cho rằng có một số chương trình Nghị quyết 43 triển khai chậm, điển hình như gói hỗ trợ 40.000 tỷ, lãi suất 2%. Rõ ràng mục tiêu thì rất là đúng và doanh nghiệp đều rất kỳ vọng có được một nguồn vốn hỗ trợ với lãi suất thấp hơn trong bối cảnh mà doanh nghiệp đang rất khó khăn.

Tuy nhiên, gói hỗ trợ này kèm theo điều kiện doanh nghiệp phải có khả năng phục hồi. Trong khi đó, qua giai đoạn dịch COVID-19, nhiều khó khăn của doanh nghiệp và khả năng phục hồi trong ngắn hạn là chưa thể nhìn rõ, đặc biệt những doanh nghiệp còn vướng vào những vốn vay cũ chưa được hoàn trả. Chính vì vậy, điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay này cũng không cao. Hơn nữa, chỉ mức lãi suất hỗ trợ 2% nhưng những thủ tục thanh kiểm tra, hậu quá trình giải ngân thì doanh nghiệp cũng e ngại nên cả điều kiện tiếp cận và nhu cầu tiếp cận cũng hạn chế nên kết quả rất thấp.

Chúng ta đưa ra một chương trình hỗ trợ nhưng chúng ta lại đưa ra một số những quy định ràng buộc quá chặt chẽ và không khả thi, dẫn đến chuyện là hiệu quả thực hiện chính sách không cao.

Điển hình như gói 120.000 tỷ, đối tượng phải là các dự án đầu tư nhà ở thu nhập thấp và nhà ở xã hội. Thế nhưng trong thời gian vừa qua, hầu như các dự án chưa đủ các điều kiện để triển khai đầu tư thì đương nhiên chủ đầu tư không thể vay được nguồn tiền này.

Cùng với đó, mức lãi suất ưu đãi hơn 8%, mức này không hẳn là đã thực sự là ưu đãi, nhất là trong bối cảnh hiện nay lãi suất ngân hàng nói chung đang giảm khá thấp và thời gian vay thì không phải là quá dài, nên cũng chưa thật sự hấp dẫn.

Tham gia vào quá trình giám sát của Nghị quyết 43, tôi thấy có lẽ mặc dù đã có những cơ chế đặc thù để cho phép thực hiện chương trình hỗ trợ này được nhanh nhất, hiệu quả nhất đến với các ngành, lĩnh vực cần phải phục hồi.

Tuy nhiên, quá trình vận dụng những cơ chế đặc thù đó hoặc những cơ chế chính sách sẵn có cho triển khai dự án, đôi khi vẫn còn rụt rè, chưa quyết liệt, cũng có biểu hiệ chưa dám thực sự chịu trách nhiệm, dám nghĩ dám làm. Cho nên, có nhiều dự án tôi cho rằng chậm là chính.

Do vậy, tôi cho rằng, cần phải có một thay đổi trong việc ban hành cơ chế, chính sách. Chúng ta không nên đưa ra chính sách kèm theo các điều kiện ràng buộc quá cụ thể, đôi khi nó sẽ không phù hợp với thực tiễn. Quan trọng nhất khi đưa ra chính sách phải đưa ra mục tiêu, các tiêu chí đo lường. Còn quá trình triển khai thực hiện thì nên giao cho các cơ quan thực thi để các cơ quan này đưa ra các phương thức thực hiện. Tuy nhiên, kèm theo đó là yêu cầu phải thực hiện cơ chế giải trình công khai, minh bạch và chịu trách nhiệm về quyền quyết định của họ. Quan trọng nhất của cái đo lường là kết quả đầu ra có đạt được mục tiêu của chính sách hay không.

Thu Trang/Báo Tin tức (thực hiện)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/thay-doi-ve-co-che-chinh-sach-de-goi-ho-tro-phuc-hoi-kinh-te-den-dung-doi-tuong-20240521211649466.htm