Thay đổi 'nếp nghĩ, cách làm'

Năm 2024, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bắc Kạn tiếp tục thực hiện Dự án 8, đẩy mạnh hoạt động truyền thông bình đẳng giới, vận động xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng. Báo Bắc Kạn có cuộc phỏng vấn bà Phan Thị Na, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa bà, thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được các cấp Hội LHPN triển khai như thế nào?

Bà Phan Thị Na: Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em đã được Hội LHPN các cấp quan tâm, thực hiện có hiệu quả.

Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các huyện và các xã thuộc địa bàn thực hiện Dự án 8 thành lập, vận hành và duy trì hoạt động mô hình điểm “Tổ truyền thông cộng đồng”. Kết quả, tại 66 xã địa bàn vùng DTTS đã thành lập được 349 tổ truyền thông cộng đồng với tổng số 3.490 thành viên là những người có uy tín, có kinh nghiệm tuyên truyền tại cộng đồng.

Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về bình đẳng giới, cung cấp tài liệu cho đội ngũ giảng viên nguồn của các xã vùng DTTS; hỗ trợ kỹ thuật cho các hoạt động định kỳ của Tổ truyền thông. Đồng thời, Hội còn tổ chức một số sự kiện truyền thông lớn như: Chiến dịch truyền thông thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng mô hình Tổ truyền thông cộng đồng năm 2024 tại huyện Ba Bể và thành phố Bắc Kạn… thu hút trên 435 người tham gia.

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức và người dân trong thực hiện bình đẳng giới… Các cấp Hội Phụ nữ chủ động tuyên truyền trên các nhóm zalo, fanpage của Hội, qua các buổi sinh hoạt chi hội phụ nữ, sinh hoạt cộng đồng… phối hợp tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của các địa phương.

Phóng viên: Là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, theo bà đâu là rào cản trong việc thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số?

Bà Phan Thị Na: Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; phụ nữ nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng có nhiều cố gắng trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.

Tuy nhiên, phụ nữ DTTS vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin. Một bộ phận phụ nữ DTTS, đặc biệt là lớn tuổi; phụ nữ làm nông nghiệp, nội trợ... rất ít có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội. Một số phụ nữ DTTS chưa sử dụng thạo tiếng Việt nên còn tâm lý ngại giao tiếp với cộng đồng xã hội.

Đồng thời những rào cản về mặt ngôn ngữ, tâm lý, thói quen ngại giao tiếp xã hội, môi trường sống, phong tục, tập quán cộng đồng vùng đồng bào DTTS đã tác động đến khả năng tiếp cận thông tin của phụ nữ DTTS...

Phóng viên: Để góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh có những định hướng gì, thưa bà?

Bà Phan Thị Na: Để góp phần thực hiện các mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ DTTS trên địa bàn, thời gian tới Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền bằng việc đa dạng hóa các hình thức, nội dung phù hợp với từng địa bàn, dân tộc, các vấn đề nổi lên của địa phương để lựa chọn cách thức triển khai phù hợp.

Tăng cường phối hợp với ngành chức năng xây dựng các chương trình truyền thông bằng tiếng địa phương để mở rộng cơ hội tiếp cận thông tin cho phụ nữ DTTS. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ Hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở trực tiếp thực hiện công tác truyền thông.

Duy trì và nhân rộng các mô hình Tổ truyền thông cộng đồng, địa chỉ tin cậy, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ “Gia đình 5 không, 3 sạch”… Qua đó góp phần làm thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Ngọc Lan (Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn)

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/thay-doi-nep-nghi-cach-lam-post63317.html