Thay đổi lớn trong phân hạng giấy phép lái xe ô tô

Trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ đề xuất phân hạng giấy phép lái xe, trong đó tăng hạng lái xe ô tô từ 10 hạng lên 12 hạng.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 có nhiều nội dung mới. Trong đó, Chính phủ đề xuất phân hạng lại giấy phép lái xe (GPLX).

Bổ sung công suất động cơ điện trong phân hạng xe máy

Dự thảo luật quy định phân hạng xe máy như sau:

Hạng A1 cấp cho người lái xe máy hai bánh có dung tích xy lanh đến 125 cc hoặc có công suất động cơ điện đến 11 kW.

Hạng A cấp cho người lái xe máy hai bánh có dung tích xy lanh trên 125 cc hoặc có công suất động cơ điện trên 11 kW và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.

Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho GPLX hạng A1.

 Theo dự luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, kỳ họp thứ 7 Chính phủ đã đưa quy định phân hạng giấy phép lái xe vào dự luật. Ảnh: T.PHAN

Theo dự luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, kỳ họp thứ 7 Chính phủ đã đưa quy định phân hạng giấy phép lái xe vào dự luật. Ảnh: T.PHAN

Theo Luật GTĐB 2008 đang có hiệu lực, GPLX máy gồm các hạng A1, A2, A3. Trong đó, A1 cấp cho người lái xe 50-175 cc; A2 từ 175 cc; A3 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho GPLX hạng A1 và các xe tương tự.

Như vậy, đối với xe máy, dự luật giữ hạng A1, không còn hạng A2, A3, thay vào đó là hạng A và B1, đồng thời thay đổi ngưỡng phân khối với A1 từ 175 cc xuống 125 cc.

Ngoài ra, dự luật bổ sung ngưỡng phân hạng A1 và A dựa theo công suất động cơ điện, khi thị trường xe điện Việt Nam và thế giới đang phát triển. Luật hiện hành chưa quy định điều này.

Thời hạn GPLX máy được quy định như hiện hành, đó là “không có thời hạn”

Tăng số lượng giấy phép lái xe ô tô

Đối với xe ô tô, dự luật quy định như sau:

Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500 kg; các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng B có kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg.

Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3.500 kg đến 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho GPLX hạng C1 có kéo theo rơ mooc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho GPLX các hạng B.

Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho GPLX hạng C kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho GPLX các hạng B, C1.

Hạng D1 cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 8 chỗ đến 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), các loại xe ô tô chở người quy định cho GPLX hạng D1 kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho GPLX các hạng B, C1, C.

Hạng D2 cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) trên 16 chỗ đến 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), các loại xe ô tô chở người quy định cho GPLX hạng D2 kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho GPLX các hạng B, C1, C, D1.

Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô chở người giường nằm; các loại xe ô tô chở người quy định cho GPLX hạng D kéo theo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho GPLX các hạng B, C1, C, D1, D2.

Hạng BE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng B kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg.

Hạng C1E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng C1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg.

Hạng CE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng C kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg; xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc.

Hạng D1E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng D1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg.

Hạng D2E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng D2 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg.

Hạng DE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho GPLX hạng D kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg; xe ô tô chở khách nối toa.

So với quy định hiện hành, dự luật bỏ hạng A4 và không quy định hạng GPLX cho người điều khiển máy kéo vì căn cứ vào kiểu loại, công dụng của phương tiện, loại phương tiện này sẽ được xếp vào nhóm xe máy chuyên dùng. Thứ hai là đưa hạng B1 và B2 về cùng hạng B và giảm sức chứa chỗ ngồi từ 9 xuống 8 chỗ ngồi, đồng thời không phân biệt là người hành nghề lái xe hay không hành nghề lái xe.

Đáng chú ý, dự luật chia thêm GPLX hạng C1, D1, đổi tên một số hạng GPLX cho phù hợp với phân hạng. Theo đó, nâng hạng GPLX từ 10 hạng lên 12 hạng.

Về thời hạn GPLX ô tô, dự luật quy định hạng B có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp; các hạng C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thay-doi-lon-trong-phan-hang-giay-phep-lai-xe-o-to-post791827.html