Thành phố phát triển kinh tế số

Thúc đẩy phát triển kinh tế số, thành phố Sơn La tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và nhân dân ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mang lại nhiều tiện ích cho người dùng.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy kiểm tra công tác chuyển đổi số tại UBND phường Tô Hiệu.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy kiểm tra công tác chuyển đổi số tại UBND phường Tô Hiệu.

Thành phố chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng thông tin, với 100% các cơ quan, đơn vị đầu tư, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị công nghệ thông tin, có kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh. 100% các doanh nghiệp, trường học, bệnh viện có kết nối internet phục vụ công tác quản lý, điều hành; duy trì, sử dụng hiệu quả các phần mềm dùng chung, phần mềm và cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhất là phần mềm, cơ sở dữ liệu liên thông từ thành phố đến các xã, phường.

Ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Xác định chuyển đổi số là động lực phát triển, Thành phố triển khai các nhiệm vụ liên quan đến tăng cường quản lý công nghệ thông tin, cải cách hành chính. Đẩy mạnh truyền thông về chuyển đổi số bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, giúp người dân, doanh nghiệp nhận thấy những tiện ích do chuyển đổi số mang lại, từ đó, tích cực thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số ở địa phương.

Cán bộ BIDV Chi nhánh Sơn La hướng dẫn người bán hàng trên địa bàn Thành phố sử dụng QR-Code BIDV.

Phát triển kinh tế số, Thành phố phối hợp với các đơn vị hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh về quy trình tham gia quảng bá, giới thiệu, livestream bán hàng trên nền tảng số đa kênh; kỹ năng triển khai xác định chủ đề, đối tượng khách hàng, định vị kênh và nội dung kịch bản phù hợp với sản phẩm. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đăng ký đưa sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng lên sàn thương mại điện tử PostMart; triển khai mô hình chợ 4.0 tại các chợ: Rặng Tếch, Gốc Phượng, Chiềng An; tuyên truyền, vận động trên 700 cơ sở kinh doanh mở tài khoản, trang bị mã QR-Code phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Xã Chiềng Đen phối hợp với Viettel Sơn La xây dựng mô hình điểm chuyển đổi số - thanh toán số toàn diện. Bà Lò Thị Mon, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Năm 2023, đã tuyên truyền trên 1.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong xã; hướng dẫn 500 lượt người dân cài đặt, mở tài khoản Viettel Money; phát triển 40 điểm QR Viettel Money cho các hộ kinh doanh dọc tuyến đường vào trung tâm xã.

Bên cạnh đó, xã Chiềng Đen phối hợp lập 9 điểm cung cấp dịch vụ Viettel Money để nhân dân có thể nạp, rút, chuyển tiền và sử dụng các dịch vụ tài chính khác; kết nối hệ thống thanh toán và lắp đặt mã QR Viettel Money tại bộ phận một cửa xã; triển khai các dịch vụ thanh toán học phí không dùng tiền mặt; thu phí điện, nước, trợ cấp xã hội, chi lương một số cán bộ xã (chưa chi qua tài khoản ngân hàng) qua Viettel Money.

Khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Chợ Rặng Tếch.

Khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại Chợ Rặng Tếch.

HTX nông nghiệp Chiềng Xét, xã Chiềng Đen, có 15 thành viên, với quy mô trên 70 ha mơ, mận, cà phê trồng xen; sản phẩm mơ ngâm của HTX đạt OCOP 3 sao. Ông Quàng Văn Diên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã, chia sẻ: Sau khi tham gia lớp tập huấn về kỹ năng bán hàng online, sàn thương mại điện tử, HTX biết cách quay, phát trực tiếp giới thiệu các sản phẩm trên mạng xã hội facebook; thực hiện cài đặt đóng, nộp tiền điện, nước thông qua ứng dụng Viettel Money rất tiện lợi, tiết kiệm thời gian, công sức.

Còn chị Phạm Thị Hồng Thu, Khu đô thị Picenza, phường Chiềng An, chia sẻ: Hiện nay, hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, điện, viễn thông, nước sinh hoạt... chấp nhận thanh toán phí dịch vụ qua phương tiện điện tử. Ngoài ra, các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối, thậm chí tại các chợ truyền thống sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tiện lợi cho cả người mua và người bán.

Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, đến nay, trên địa bàn thành phố, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 98% doanh nghiệp triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử qua ứng dụng eTax Mobile; hơn 750 hộ kinh doanh tại các chợ trung tâm Thành phố, Rặng Tếch tham gia mô hình chợ thông minh, chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt...

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế số, thành phố Sơn La tập trung phát triển thương mại điện tử trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân; tổng hợp lập danh sách các cơ sở kinh doanh triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; đưa các sản phẩm, dịch vụ lên sàn thương mại điện tử, tiến tới xây dựng đô thị thông minh.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/chuyen-doi-so-tinh-son-la-giai-doan-2021-2025-dinh-huong-den-nam-2030/thanh-pho-phat-trien-kinh-te-so-5WaAJcPIR.html