Tăng thuế lên 100%, Mỹ cũng không cản nổi lợi thế của xe điện Trung Quốc

Các chuyên gia cho rằng động thái tăng thuế mới của Mỹ với hàng Trung Quốc có thể kéo theo chuỗi hành động tương tự từ phương Tây, cũng như sự đáp trả từ Bắc Kinh.

Theo SCMP, các chuyên gia quan hệ quốc tế cho rằng, động thái tăng thuế mới nhất của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với xe điện (EV) và các hàng hóa khác của Trung Quốc có thể gây ra những hành động tương tự từ châu Âu.

Chen Fengying, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết, Mỹ và EU kỳ vọng quyết định của ông Biden, phần lớn được coi là bắt nguồn từ động cơ chính trị trong năm bầu cử, có thể kéo theo chuỗi tác động với Trung Quốc trong bối cảnh phương Tây lo ngại về tình trạng dư thừa công suất công nghiệp.

"Với việc EU sẽ sớm kết thúc cuộc điều tra chống trợ cấp đối với lĩnh vực xe điện của Trung Quốc, cùng việc các quan chức cấp cao của Mỹ tập trung vào những tác động dư thừa trong những chuyến thăm Trung Quốc gần đây, cả hai về cơ bản đã 'đồng bộ' trong việc ngăn chặn xuất khẩu năng lượng mới của Trung Quốc", bà Chen nói.

Mỹ tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc từ 27,5% lên 100%. (Ảnh: Reuters)

Mỹ tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc từ 27,5% lên 100%. (Ảnh: Reuters)

Thông điệp gửi châu Âu

Đề xuất của Washington tuần trước sẽ tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc từ 27,5% lên 100%. Các sản phẩm khác bị ảnh hưởng bao gồm pin mặt trời, chất bán dẫn, pin hay các sản phẩm nhôm, với mức thuế đề xuất dao động từ 25 - 50%.

Theo bà Chen, thay vì gây thiệt hại đáng kể và ngay lập tức cho các ngành bị ảnh hưởng do lượng xuất khẩu liên quan đến Mỹ tương đối nhỏ, "động thái của Mỹ sẽ dẫn tới tác động tâm lý nhiều hơn, một xu hướng để những người khác làm theo".

Wang Yiwei, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, đồng ý rằng bên cạnh việc giành được lòng tin của cử tri trong một năm bầu cử, động thái mới nhất của ông Biden cũng gửi một thông điệp tới châu Âu, nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã đến thăm, rằng họ “nên đi theo Mỹ và không nên ở gần Trung Quốc”.

Tuy nhiên, ông Wang cho rằng một liên minh như vậy "sẽ không vững chắc", vì châu Âu đã bị chia cắt do cuộc chiến ở Ukraine. “Việc tăng thuế cũng sẽ không bù đắp được những lợi thế toàn diện trong ngành năng lượng mới của Trung Quốc”.

Theo SCMP, lĩnh vực năng lượng sạch của Trung Quốc đã bị cáo buộc rộng rãi là "hoạt động sản xuất quá mức và tràn ngập các thị trường khác với hàng hóa rẻ hơn nhờ trợ cấp của chính phủ".

Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận những tuyên bố như vậy, gọi chúng là "cái cớ để theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại".

Sự khởi đầu của chiến lược kiềm chế

Zang Chengwei, nhà nghiên cứu chuyên về thương mại quốc tế tại Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết, các mức thuế mới của Washington cũng có thể đánh dấu sự khởi đầu của một chiến lược dài hạn nhằm kiềm chế ngành năng lượng mới của Trung Quốc, bắt đầu bằng thuế quan đối với các phương tiện hoàn chỉnh và sau đó đến các sản phẩm ở giai đoạn thượng nguồn.

Mỹ sẽ tăng mức thuế đối với than chì tự nhiên và nam châm vĩnh cửu của Trung Quốc từ 0% lên 25% vào năm 2026.

“Mặc dù Trung Quốc không xuất khẩu một lượng lớn sản phẩm năng lượng mới sang Mỹ, nhưng đó là một con số rất lớn nếu xét đến tổng lượng xuất khẩu ra thế giới”, ông Zang cho biết thêm rằng Trung Quốc có lợi thế về chi phí trong các hạng mục đó so với Mỹ và châu Âu.

Ông nói: “Nếu Mỹ không bắt đầu sớm trong việc kiềm chế Trung Quốc, Trung Quốc chắc chắn sẽ nắm giữ một thị phần đáng kể trên thị trường Mỹ trong tương lai”.

Năng lực sản xuất của Trung Quốc đang khiến các nước phương Tây lo lắng. (Ảnh: Reuters)

Năng lực sản xuất của Trung Quốc đang khiến các nước phương Tây lo lắng. (Ảnh: Reuters)

Không phải công ty Mỹ nào cũng vui

Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty Mỹ đều hoan nghênh các mức thuế mới, với một số lo ngại rằng chi phí gia tăng có thể khiến việc cạnh tranh ở Mỹ và nước ngoài trở nên khó khăn hơn, theo Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung, một tổ chức phi lợi nhuận gồm 270 công ty Mỹ kinh doanh tại Trung Quốc.

Chủ tịch hội đồng, ông Craig Allen, cho biết, do các mức thuế trước đây chưa giải quyết thỏa đáng những lo ngại về hành vi thị trường không công bằng của Trung Quốc, nên “không rõ việc tiếp tục áp dụng các mức thuế đó và áp thêm thuế sẽ hiệu quả hơn như thế nào”.

Ông nói thêm: "Ngoài ra, việc áp dụng các mức thuế mới sẽ dẫn đến sự đáp trả từ Trung Quốc, điều này kết hợp lại có thể gây bất lợi hơn nữa cho các công ty Mỹ bán hàng hóa và dịch vụ tại thị trường Trung Quốc, so với các đối thủ nước ngoài của họ".

Dù vậy, Donald Low, giảng viên cao cấp tại Viện Chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho rằng các lựa chọn để Trung Quốc đáp trả khá hạn chế.

“Họ có thể tăng thuế đối với hàng hóa của Mỹ, nhưng nếu đó là hàng hóa công nghệ cao, điều này có thể ảnh hưởng đến nỗ lực nâng cấp công nghệ của Trung Quốc”, ông Low nói.

Ông nhận định, Trung Quốc có thể tăng trợ cấp cho những ngành bị ảnh hưởng bởi mức thuế mới, “nhưng trong phạm vi các ngành công nghiệp đã được trợ cấp, việc làm như vậy không chỉ tốn kém mà còn có thể khiến các nước khác áp dụng các mức thuế đối kháng tương tự đối với hàng xuất xứ Trung Quốc”.

Hoa Vũ (Nguồn: SCMP)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tang-thue-len-100-my-cung-khong-can-noi-loi-the-cua-xe-dien-trung-quoc-ar872337.html