Tân Tổng thống Joe Biden có lấy lại được 'linh hồn nước Mỹ'?

Nhậm chức trong bối cảnh u ám, liệu tân Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể lãnh đạo nước Mỹ vượt qua khủng hoảng 'thuận buồm xuôi gió' hay không là câu hỏi nhiều người đang đặt ra.

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong lễ nhậm chức. (Nguồn: AP)

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong lễ nhậm chức. (Nguồn: AP)

Giống như những tổng thống mới nhậm chức thường làm, Tổng thống thứ 46 của Mỹ Joe Biden đã bắt đầu nhiệm kỳ của mình bằng lời kêu gọi đoàn kết nước Mỹ và đất nước vượt qua những khó khăn trong nước, trở lại vị trí cường quốc dẫn đầu và tái hội nhập trên thế giới.

Tuy nhiên, hãng tin AP đặt câu hỏi liệu ông Biden có cơ hội để biến hàng loạt khủng hoảng “họa vô đơn chí” thành cơ hội hay không, trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng mà ông Biden phải đối mặt đã và đang ngày càng khó kiểm soát trong vòng 11 tuần qua kể từ ngày bầu cử.

Trong khi đó, tờ Washington Post cho rằng học thuyết của ông Biden về đường lối đối nội và đối ngoại để giải quyết khủng hoảng trong và ngoài nước vẫn đang trong quá trình hình thành.

Bối cảnh u ám

Bài phát biểu trong lễ nhậm chức của Biden đã không chứa đựng những lời hô hào, thay vào đó là lời kêu gọi khẩn cấp nhằm ổn định đất nước vốn đang chao đảo trước đại dịch Covid-19, bất ổn kinh tế, căng thẳng sắc tộc và sự chia rẽ ngày càng gia tăng. Việc hàn gắn một quốc gia trở thành một trong những thách thức to lớn nhất đối với một tổng thống Mỹ.

Đại dịch đã khiến hơn 400.000 người Mỹ thiệt mạng và vẫn đang hoành hành ngoài tầm kiểm soát. Công ăn việc làm ngày càng “bốc hơi”. Trong một bài phân tích, hãng tin Reuters cho rằng thị trường việc làm đang chờ đợi ông Biden đưa ra một giải pháp vào thời điểm này. Phụ nữ và những lực lượng thiểu số vốn làm nên chiến thắng của ông Biden lại là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi việc làm trong ngành dịch vụ bị cắt giảm do đại dịch và còn mất cả chặng đường dài để phục hồi.

Bà Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng của công ty tài chính Grant Thornton, đánh giá: “Đây không chỉ đơn thuần là việc bù đắp lại những công ăn việc làm đã mất mà còn là bù đắp lại những gì lẽ ra Mỹ đã có thể đạt được nếu không có dịch bệnh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần phải có những yếu tố thuận buồm xuôi gió”.

Bên cạnh đó, AP cho rằng cuộc bạo loạn tại Đồi Capitol gần đây càng bộc lộ rõ mức độ của những mối đe dọa mà tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc trong lòng nước Mỹ, những thuyết âm mưu và những giả dối mà lực lượng ủng hộ người tiền nhiệm Donald Trump, gây ra.

Phát biểu sau lễ tuyên thệ, ông Biden thừa nhận: “Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức hoặc khó khăn hơn so với bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử đất nước”.

Nhận định về tuyên bố của ông Biden "sẽ nỗ lực lấy lại linh hồn nước Mỹ”, hãng tin Reuters cho rằng ông Biden hiện phải đối mặt với nhiệm vụ nặng nề là khôi phục linh hồn nước Mỹ vốn đang trong tình trạng khủng hoảng.

Một cố vấn của ông Biden chia sẻ rằng công chúng Mỹ kỳ vọng tân Tổng thống sẽ đưa chính phủ vận hành trở lại bình thường đúng chức năng của nó, sau khi đông đảo lực lượng ủng hộ ông Trump đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Trong khi đó, một cố vấn khác của ông Biden khẳng định: “Có một lối thoát ra khỏi thời kỳ đen tối này, song cần sự hậu thuẫn của Quốc hội”.

Cuộc khủng hoảng hiện hữu những cơ hội độc nhất vô nhị để làm nên sự thay đổi lớn lao theo cách mà thời kỳ đất nước trong tình trạng bình thường sẽ không làm được. (Nguồn: AP)

Cuộc khủng hoảng hiện hữu những cơ hội độc nhất vô nhị để làm nên sự thay đổi lớn lao theo cách mà thời kỳ đất nước trong tình trạng bình thường sẽ không làm được. (Nguồn: AP)

Biến khủng hoảng thành cơ hội

Giới nghiên cứu lịch sử đã so sánh những thách thức mà ông Biden phải đối mặt thậm chí còn lớn hơn cả những gì mà cựu Tổng thống Abraham Lincoln từng phải đối mặt khi ông nhậm chức hồi năm 1861 để lãnh đạo một đất nước mà không lâu sau đó lâm vào một cuộc nội chiến. Hay như tình cảnh của cựu Tổng thống Franklin Delano Roosevelt khi ông tuyên thệ nhậm chức trong bối cảnh nước Mỹ bị nhấm chìm trong Cuộc Đại Suy thoái 1933.

Tuy nhiên, cả ông Lincoln và ông Roosevelt đều là điển hình của những tổng thống Mỹ có các đối sách biến khủng hoảng thành cơ hội, đưa đất nước vượt qua tình trạng chia rẽ đảng phái hoặc những thế lực ý thức hệ làm cản trở tiến trình phát triển đất nước.

Ông Douglas Brinkley, nhà nghiên cứu lịch sử các đời tổng thống Mỹ tại Đại học Rice của Mỹ, cho rằng nước Mỹ hiện nay không rơi vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” như thời cựu Tổng thống Lincoln song “đang nếm mùi bạo lực”. Ông Brinkley cho rằng sự kiện tại Đồi Capitol sẽ phủ bóng đen lên những ngày đầu nắm quyền của Biden.

Bà Lindsay Chervinsky, nhà sử học nghiên cứu về tổng thống, cho rằng các cuộc khủng hoảng sẽ hiện hữu những cơ hội độc nhất vô nhị để làm nên sự thay đổi lớn lao theo cách mà thời kỳ đất nước ở tình trạng bình thường sẽ không thể làm được.

“Khủng hoảng ngày càng sâu sắc thì đất nước ngày càng có thể dựa vào một nhân vật nào đó để vượt qua khủng hoảng”, bà Lindsay Chervinsky nhấn mạnh.

Tuy nhiên, xét ở một số góc độ, cựu Tổng thống Lincoln và Roosevelt đều có những lợi thế mà ông Biden hiện không có. Ví dụ, đảng Dân chủ của Tổng thống Roosevelt chiếm thế đa số mạnh mẽ trong Quốc hội Mỹ lúc bấy giờ, giúp ông dễ dàng thông qua được những chương trình nghị sự quan trọng của mình.

Trong khi đó, đảng Dân chủ của ông Biden chỉ có thế đa số mong manh tại quốc hội.

Tuy nhiên, ông Biden đã nói rõ rằng ông sẽ hành động kiên quyết trong những tuần đầu lên nắm quyền, gây sức ép để Quốc hội thông qua gói cứu trợ cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD trong bối cảnh những nghị sĩ Cộng hòa táo bạo muốn cản trở việc thông qua dự luật này do số ca tử vong và lây nhiễm Covid-19 tại Mỹ đang tăng mạnh.

Nếu dự luật cứu trợ này được thông qua, ông Biden không những có công cụ để xử lý đại dịch mà còn củng cố vị thế của ông trên chính trường Mỹ. Tân Tổng thống Mỹ đã đưa ra rất nhiều hứa hẹn về khả năng có thể thuyết phục giới nghị sĩ hai viện, đề cao mối quan hệ hợp tác lâu nay của ông với giới thượng nghị sĩ Cộng hòa cũng như danh tiếng của ông là một nhà thương lượng tốt khi còn là “phó tướng” cho ông Barack Obama.

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức. (Nguồn: AP)

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức. (Nguồn: AP)

Chính sách đối ngoại dần định hình

Theo Washington Post, trước khi lên nhậm chức ngày 20/1, ông Biden đã ấp ủ sẵn các kế hoạch để đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm.

Đội ngũ hoạch định chính sách thời cựu Tổng thống Obama đang trở lại chính trường Mỹ cùng với ông Biden, song giới phân tích cho rằng họ sẽ triển khai cách tiếp cận cứng rắn hơn và có lẽ ít “nương tay” hơn đối với những thách thức từ bên ngoài.

Trong hàng loạt bài trả lời phỏng vấn và bình luận, giới chuyên gia về an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại trong chính quyền Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các mối quan hệ đồng minh của Mỹ trên thế giới sau khi chính sách đối ngoại của ông Trump vốn không nhất quán.

Thử thách đầu tiên và lớn nhất đối với ông Biden trong việc triển khai đường lối đối ngoại thận trọng hơn chính là việc ông cân nhắc đàm phán với Iran về thỏa thuận hạt nhân vốn bị đạp đổ dưới thời ông Trump.

Một cuộc khảo sát gần đây đối với công chúng châu Âu cho thấy ông Biden chắc chắn sẽ tìm cách trấn an những đồng minh của Mỹ vốn đang rất lo lắng. Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của ông Trump đã để lại một “vết chàm” trong lòng đồng minh.

Đối với các vấn đề đối ngoại khác, đặc biệt liên quan chính sách đối với Trung Quốc, chính quyền ông Biden có thể tiếp nối đường lối của ông Trump. Lực lượng chính trị của ông Biden ở lưỡng viện đều coi Bắc Kinh là một đối thủ chiến lược vốn cần kiềm chế sự trỗi dậy của nước này và kiểm soát tầm ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh. Tại Bắc Kinh, cũng có những đồng thuận cho rằng ông Biden sẽ không thay đổi nhiều đường lối chính sách của người tiền nhiệm đối với Trung Quốc.

(theo AP, Reuters, Washington Post)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tan-tong-thong-joe-biden-co-lay-lai-duoc-linh-hon-nuoc-my-134524.html