Tấm lòng vị lãnh tụ với thiên nhiên, đất nước

Cốt cách của Hồ Chí Minh không phải tìm ở đâu xa, mà được thể hiện ngay trong những tác phẩm văn chương, đặc biệt là những tác phẩm Bác viết về trăng.

Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, người cha kính yêu của dân tộc Việt Nam; Người cống hiến cả cuộc đời của mình cho quê hương đất nước, vị lãnh tụ đáng kính với cuộc sống giản dị, thanh cao vẫn mãi mãi trường tồn trong tâm khảm của mọi con dân nước Việt. Cốt cách ấy của Người không phải tìm ở đâu xa, mà được thể hiện ngay trong những tác phẩm văn chương, đặc biệt là những tác phẩm Bác viết về trăng.

Sóng Hồng – một nhà thơ chính khách với tâm hồn luôn lộng gió dân tộc và thời đại đã khẳng định: “Thơ là thơ nhưng cũng là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”. Còn nhà văn Pháp Atona Phrăng xơ đã từng nói: “Đọc một câu thơ nghĩa là ta gặp gỡ một tâm hồn con người”.

Những câu nói ngắn gọn, hàm súc nhưng giúp chúng ta hiểu thêm đặc trưng cốt lõi của thi ca rằng đôi khi chỉ qua một câu thơ, một bài thơ, không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ mà còn là hình ảnh và giai điệu của cuộc sống, đặc biệt là vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ gửi gắm trong đó.

Quan niệm đó hoàn toàn có lý bởi thơ là tiếng nói của tâm hồn, tình cảm con người, là những bức họa để cảm nhận thay để ngắm. Mỗi câu thơ ra đời là kết quả của trăn trở, suy tư, nung nấu ở người nghệ sĩ, là rung động, khát khao giao cảm tột bậc với cuộc đời; là khi họ sống thật sự sâu sắc với đời. Có như thế tiếng lòng mới có thể trở thành tiếng thơ.

Và đằng sau nỗi niềm, tình cảm của thi nhân ta bắt gặp hiện thực cuộc sống. Ra-xum Ga-za-tốp, người được mệnh danh là “nhà thơ của mọi thời đại” cũng đã bày tỏ ý kiến của mình về văn học: “Cần phải hát đúng giai điệu về thời đại mình và phải miêu tả nó một cách trung thực bằng những hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo”. Đến với thơ ca Hồ Chí Minh ta càng thấm thía điều đó, bởi hơn ai hết Bác là một con người có tình yêu sâu nặng với con người và cuộc đời.

* * *

Trăng từ bao đời nay là nguồn cảm hứng muôn đời của thi nhân, là người bạn tâm tình và đề tài của hội họa và âm nhạc. Trong thơ văn đông tây kim cổ, đã có biết bao bài thơ hay viết về trăng, để lại ấn tượng không phai mờ trong trái tim người đọc, như những dòng sông đỏ nặng phù sa trở thành những bài ca đi cùng năm tháng.

Một trong những tác giả viết nhiều về trăng là Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời cách mạng gian truân và vẻ vang của Bác, ngay cả trong chốn lao tù của Tưởng Giới Thạch, Bác luôn tìm đến trăng, coi trăng là tri âm, tri kỉ. Trăng theo Người lên chiến khu Việt Bắc trong những năm tháng gian lao của dân tộc, trăng trở lại nơi thủ đô Hà Nội để cùng Người chứng kiến những thay đổi sâu sắc của một dân tộc anh hùng. Trong số những thi phẩm về trăng ấy Đối nguyệt là một tác phẩm xuất sắc.

Bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt, khi đất nước đang phải đối diện với muôn ngàn khó khăn thử thách, vận mệnh dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”, con thuyền cách mạng đang bắt đầu những hành trình đầu tiên của cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp. Ngay cả những lúc đó tâm hồn Người vẫn thanh thản thưởng thức vẻ đẹp của một đêm trăng sáng.

Cũng chính vì vậy, khi bàn về thơ Bác, GS Nguyễn Hoành Khung đã nhận xét đó là một phong cách thơ “vừa rất độc đáo vừa đa dạng, nhiều màu sắc thẩm mỹ, đã kết hợp thật hài hòa những yếu tố tưởng chừng như mâu thuẫn: Giản dị vô cùng mà cũng hàm súc vô cùng, cổ điển rất mực và hiện đại cũng rất mực, vừa hiện thực tới nghiêm ngặt, trần trụi, vừa lãng mạn bay bổng, rực rỡ, vừa sáng ngời chất thép vừa man mác chất thơ”. Nói khác hơn hiện thực đời sống khi đi vào thơ Bác có tính cô đặc, là “gạo trắng đã hóa thành men rượu”, là “dâu xanh đã hóa kén vàng”.

Bác Hồ đọc báo ở Chiến khu Việt Bắc, năm 1951. Ảnh: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác Hồ đọc báo ở Chiến khu Việt Bắc, năm 1951. Ảnh: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài thơ mở đầu thật tự nhiên:

Song ngoại nguyệt minh lung cổ thụ,

Nguyệt di thụ ảnh đáo song tiền,

(Ngoài song trăng rọi cây sân,

Ánh trăng nhích bóng cây gần trước song)

Câu thơ không có từ ngữ nào diễn tả thời gian nhưng qua cách miêu tả không gian người đọc vẫn cảm nhận được bước đi của thời gian ấy. Hẳn đêm đã rất khuya, giữa không gian yên tĩnh nơi núi rừng Việt Bắc, bóng trăng sáng rọi xuống bóng cây.

Tâm hồn Bác chan hòa với cảnh sắc của đêm trăng đẹp nhưng bao giờ cũng chủ động trùm lên tất cả. Song cửa sổ gắn với không gian núi rừng là cái hữu hạn; ánh trăng lại là cái vô hạn. Ánh sáng của vầng trăng sáng len lỏi khắp mọi nơi. Cái nhìn đồng nhất hữu hạn và vô hạn ấy của nhà thơ làm cho không gian thơ rộng mở không cùng và hình ảnh thơ, ý thơ càng thêm đẹp, thiên nhiên càng lung linh, huyền ảo. Trăng và người trở nên gần gũi, thân thuộc.

Càng về khuya trăng càng đến gần Người. “Nguyệt di thụ ảnh” đã biến vầng trăng vốn xa xôi kia giống như người bạn tâm giao, đến bên Người, chia sẻ cùng Người những nỗi niềm trăn trở. Trăng và Người như đối diện đàm tâm để nghe được những xúc động sâu vời trong cõi tâm linh. Thực ra ánh trăng đã thành cảm hứng thường trực của nhà thơ. Trăng vào thơ – đó là truyền thống phương Đông.

Thơ Bác đầy trăng đã nói lên tâm hồn nghệ sĩ phương Đông của Bác. Nhưng trong truyền thống thơ ca, chúng ta gặp cảm xúc trước thiên nhiên, trước ánh trăng của các nhà thơ thường nảy nở trong một tư thế nhân sinh tĩnh tại, an nhàn.

Các nhà thơ đến với trăng là để ngắm trăng, để thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, ở Bác Hồ, tâm hồn nhà thơ Hồ Chí Minh giữa cảnh đêm đầy trăng như thế phải đâu chỉ là chuyện đi thưởng ngoạn. Bên cạnh cảm hứng thiên nhiên còn là cảm hứng lớn hơn, cao đẹp hơn; cảm hứng về vận mệnh đất nước. Hai câu thơ sau, đặc biệt câu thơ thứ ba là tâm điểm của bài thơ, của tư thế nhà thơ, tâm hồn nhà thơ:

Quân cơ, quốc kế thương đàm liễu,

Huề chẩm song bang đối nguyệt miên.

(Việc quân, việc nước bàn xong,

Gối khuya ngon giấc, bên song trăng nhòm.)

Bác Hồ đã kết hợp cảnh và thực tại một cách tài tình. “Quân cơ, quốc kế thương đàm liễu” tạo nên sự khác biệt giữa thơ Bác và thơ của những nhà thơ cổ điển khác viết về trăng. Và câu thơ cũng cho chúng ta thấy rõ việc quân đâu phải là việc khô khan mà cũng là một công việc nên thơ bởi công việc ấy hòa vào non xanh nước biếc. Với Bác Hồ, không có nơi nào là “khu rừng cấm của thơ ca”. Bác Hồ đã đưa cảnh nửa đêm trở về với đời thực, bàn bạc việc quân.

“Đối nguyệt” ra đời khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta mới trải qua hơn một năm còn gặp nhiều khó khăn chồng chất. Thế nhưng những khó khăn ấy không để lại một nét gợn nào trong bài thơ. Bài thơ trong suốt, biểu hiện một vẻ đẹp hoàn chỉnh một đêm trăng, nhưng đẹp hơn là vẻ đẹp lung linh của một tâm hồn lớn. Cảm hứng sáng tạo của nhà thơ trước hết dậy lên từ cảnh một đêm trăng sáng, cảnh vật sinh động, dù đó là cảnh ban đêm ở chiến khu Việt Bắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong ngôi nhà sàn ở chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trong ngôi nhà sàn ở chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

* * *

Nếu ở câu thứ ba, nhân vật trữ tình mang hình ảnh của nhà chiến lược lớn, bỗng hóa thành một thi nhân ung dung tự tại “Huề chẩm song bang đối nguyệt miên” (Gối khuya ngon giấc, bên song trăng nhòm) giữa thủ đô gió ngàn Việt Bắc thì thật là thanh bình.

Ngỡ ngàng trước sự thay đổi quá nhanh, nhưng chỉ sau giây lát người đọc nhận ra việc làm của Bác liền sau khi bàn định quốc kế, quân cơ đã diễn ra tự nhiên quen thuộc như Bác hằng sống, hằng làm trong kháng chiến - kiến quốc cũng như trong suốt cả cuộc đời gắn bó với nhân dân và Tổ quốc, thân thiện với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Ta cũng đã từng bắt gặp hình ảnh quen thuộc này trong bài thơ “Vô đề”:

Sơn kính khách lai hoa mãn địa,

Tùng lâm quân đáo điểu xung thiên.

Quân cơ quốc kế thương đàm liễu,

Huề dũng giai đồng quán thái viên.

(Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, NXB Văn học, Hà Nội, 1990, tr.30-31)

Dịch thơ:

Đường non khách tới hoa đầy

Rừng sâu quân đến tung bay chim trời

Việc quân việc nước đã bàn

Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau.

(Bản dịch của Xuân Thủy)

“Đối nguyệt” là một bài tứ tuyệt chữ Hán luật Đường, song được viết hết sức khiêm nhường bình dị. Bài thơ như bốn dòng liền mạch, ghi lại cảnh sinh hoạt ở An toàn khu. Những việc làm thường nhật ấy, những thực tế gần gũi ấy, bỗng trở thành thơ. Nhẹ nhàng mà ấm áp. Đơn sơ mà sâu sắc. Rất thực mà ngỡ như mơ… Từng chữ, từng dòng, trong veo như suối tự nguồn đưa tâm hồn ta về một cõi sáng tạo thi ca thuần khiết mang nhiều vẻ đẹp biểu trưng giữa cuộc đời còn biết bao gian khó.

Câu thơ cuối cùng “Huề chẩm song bang đối nguyệt miên.” tập trung giá trị thẩm mỹ trên nhiều bình diện mà sự kết thúc bài thơ kéo theo nó những suy tưởng không dứt về cách ứng xử của Bác Hồ, vừa lãng mạn bay bổng vừa chân thực, vừa cổ xưa nhưng rất hiện đại.

Người không bao giờ tự nhận mình là nhà thơ nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào người cũng mang tâm hồn của một nhà thơ, nhạy cảm, chan hòa với thiên nhiên hoa lá. Không cần nhiều từ ngữ nó cũng không quan tâm đến hình xác của đời sống, Đối nguyệt đã vẽ nên một bức tranh, khắc lên một bản nhạc để người đọc cảm nhận và từ đó truyền đi một chút linh hồn của cảnh vật thông qua tâm hồn của thi sĩ.

Bác đã chắt lọc, lựa chọn từ ngữ, hàm súc nhất, tinh tế nhất, nhưng cũng không quá cao siêu gây khó hiểu cho người đọc, như nhà văn Nga Maiacốpxki đã nói: “Phải phí tốn nghìn cân quặng chữ, Mới thu về một chữ mà thôi, Một chữ ấy làm cho rung động, Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài”.

Ngôn ngữ, nhạc điệu và hình ảnh của bài thơ tựa như một nét đẹp bình dị, tự nhiên khiến người ta say lòng, dâng lên bao cung bậc cảm xúc. Hình ảnh và hình khối tạo nên nét vẽ điểm nhấn, sự sinh động của ngôn từ toát lên chiều sâu của thi phẩm. Nhà thơ Hồ Chí Minh biểu hiện một tư thế ung dung trước cảnh vật, cao hơn cảnh vật, tư thế của một người làm chủ thiên nhiên, xã hội.

Đối nguyệt là cả một sự hài hòa tuyệt đẹp. Hài hòa giữa cái dáng vẻ cổ điển (cũng là cảnh đêm trăng, song cửa, cây cổ thụ,…) và thi nhân mà thơ xưa vốn có với cái dáng vẻ hiện đại bởi ở đây thi nhân không tan biến vào tạo vật mà xuất hiện với tư thế của một người đang cùng nhân dân, lãnh đạo nhân dân trù hoạch công việc kháng chiến, giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc.

Bài thơ còn là sự hài hòa giữa con người nghệ sĩ và con người chiến sĩ trong một con người Hồ Chí Minh. Đây có thể coi là một trong những bài thơ hay nhất của Bác viết trong những ngày ở chiến khu Việt Bắc gian khổ, thiếu thốn nhưng tràn đầy lạc quan cách mạng. Đó là tình yêu thiên nhiên, tình yêu đất nước sâu nặng và phong thái ung dung, lạc quan của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dương Thị Huyên (Trường THCS Lê Văn Thiêm – TP Hà Tĩnh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tam-long-vi-lanh-tu-voi-thien-nhien-dat-nuoc-post682988.html