Tai nạn hầm lò liên tiếp, làm gì để không tái diễn?

Các vụ tai nạn lao động trong khai thác than thời gian qua đã cho thấy những vấn đề đặt ra trong công tác bảo đảm an toàn lao động cho công nhân ngành than, từ áp dụng công nghệ đến ý thức kỷ luật.

Những tai nạn dễ xảy ra ở hầm lò

Tối 13/5, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, các cơ quan chức năng địa phương đang điều tra vụ sập lò xảy ra tại Công ty Than Quang Hanh (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam khiến 3 người thiệt mạng, 1 người bị thương.

Gần đây nhất, vào khoảng 0 giờ 20 phút ngày 3/4 tại Công ty Than Thống Nhất (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - KTV) ở thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) xảy ra sự cố tại gương lò XV5-140 số 2, Phân xưởng Đào lò 2 khiến 4 công nhân tử vong và 7 người khác bị thương.

Tai nạn hầm lò khiến 3 người thiệt mạng ngày 13/5.

Tai nạn hầm lò khiến 3 người thiệt mạng ngày 13/5.

Theo chuyên gia về than khoáng sản Trần Lê Kiên, hiểm họa khai thác than hầm lò có nhiều dạng. Nổ khí mê tan và nổ bụi than là một trong những mối hiểm họa nguy hiểm nhất trong ngành công nghiệp khai thác mỏ. Tiếp theo là rủi ro sập lò. Áp lực mỏ hay nói cách khác là sự nén trên nóc lò, bên hông lò và cả từ dưới nền lò nữa tùy thuộc vào độ bền vững của đất đá xung quanh đường lò thế nào. Khi đào một đường lò thì đất đá xung quanh đường lò gây sức nén vào khoảng trống vừa đào, dẫn đến rủi ro sập.

Hiểm họa nước mỏ là một rủi ro phải đối mặt. Ít có mỏ than hầm lò nào mà lại không phải đối phó với hiểm họa nước mỏ. Hiểm họa nước mỏ trước hết là các sự cố bục nước gây ngập mỏ, gây sập lò làm chết người.

Tiếp đến, cháy mỏ là một hiểm họa khủng khiếp chẳng kém gì nổ khí mê tan hay bục nước trong hầm lò. Cháy mỏ có thể xảy ra từ nguyên nhân nội sinh hoặc ngoại sinh. Nội sinh tức là không cần có lửa mà nó vẫn tự cháy được, còn ngoại sinh thì phải có nguồn lửa mới gây được cháy trong điều kiện thích hợp. Có một số loại than có tính tự cháy.

Cuối cùng, nổ bụi than là một nguy cơ kinh khủng ở các mỏ than có chất bốc cao. Nổ bụi than là vụ nổ của hỗn hợp bụi than với không khí mỏ. Nếu trong mỏ mà có khí nổ (mêtan) thì vụ nổ bụi than với mêtan càng kinh khủng. Đó là vụ nổ mang tính dây chuyền có thể lan ra khắp cả mỏ gây ra thảm họa khốc liệt.

Từ phân tích trên có thể thấy, các vụ tai nạn hầm lò khai thác than thời gian gần đây đều xuất phát từ những nguyên nhân này. Dù các công nghệ khai thác than hầm lò hiện đã rất hiện đại, tiên tiến song rủi ro vẫn là điều khó tránh khỏi.

Theo một chuyên gia đề nghị giấu tên, bên cạnh điều kiện địa chất phức tạp, không thuận lợi cho công tác bảo đảm an toàn thì tai nạn hầm mỏ còn do yếu tố con người. Một nguyên nhân khác nữa, đó là mặc dù việc đầu tư bảo đảm an toàn hầm mỏ thời gian qua được ngành than chú trọng nhưng vẫn không có hiệu quả cao. Đơn cử như việc đầu tư hệ thống cảnh báo khí - mới đo được nồng độ khí mê tan mà chưa có những cảnh báo các nguồn khí độc hại, nguy hiểm khác. Tuy nhiên, nguy hại nhất, lại chính là do tư duy, sự chủ quan và coi thường của không ít người đứng đầu các mỏ than.

Làm gì hạn chế tai nạn?

Theo TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động, đặc thù của ngành Công nghiệp Than và khoáng sản, trong đó có khai thác than hầm lò là có số lượng lớn người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.

Để đảm bảo an toàn trong khai thác hầm lò, ngành Than đã có các qui định chặt chẽ đối với cán bộ, công nhân viên trong khi làm việc; đặc biệt chú trọng tới các thao tác do lượng khí mê - tan ngay tại cửa các đường lò và tại các nơi làm việc của công nhân để đảm bảo an toàn trước khi bước vào làm việc. Tuy nhiên, việc chấp hành qui trình, qui phạm an toàn ở một số đơn vị vẫn chưa được đề cao.

Trước thực tế các mỏ than đang trong quá trình khai thác xuống sâu, điều kiện địa chất thủy văn - công trình rất phức tạp, càng xuống sâu điều kiện khai thác càng khó khăn… thì các đơn vị cần tập trung triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát an toàn, đặc biệt là khâu kiểm soát khí metan phòng ngừa cháy nổ.

Những năm gần đây, ngành Than đã đầu tư rất nhiều cho công tác an toàn lao động, nhờ đó các vụ tai nạn lao động đã giảm đáng kể. Năm 2017 là năm Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có số vụ tai nạn lao động và số người tử nạn vì lao động thấp nhất với 16 người chết. Tuy vậy, một số năm gần đây, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng với số người chết và bị thương lại có xu hướng tăng lên.

Chuyên gia cho rằng, hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động trong ngành khai thác mỏ nói chung và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nói riêng cần có sự thay đổi về tư duy và quản trị. Các doanh nghiệp cần áp dụng các hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động tiên tiến, hiện đại phù hợp với điều kiện mới của các mỏ, cũng như các yêu cầu từ chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng xã hội.

Trong đó, cần nhất là thay đổi tư duy đầu tư cho công tác an toàn, vệ sinh lao động, đầu tư đảm bảo an toàn cho người lao động chính là đầu tư hữu hiệu và bền vững nhất cho sự phát triển thay vì tính chi phí như hiện nay. Đồng thời, cần nâng cao năng lực quản trị các rủi ro bằng nâng cao ý thức xây dựng văn hóa an toàn lao động trong công nhân lao động tại các mỏ khai thác khoáng sản.

Trong điều kiện nguồn than đang ngày càng cạn kiệt, ngành than đang phải đầu tư khai thác xuống sâu hơn và đi xa hơn, nếu không kịp thời khắc phục những hạn chế và thực sự quan tâm, đầu tư toàn diện cho công tác an toàn, thì những rủi ro, tai nạn lao động hầm lò sẽ vẫn còn xảy ra. Các chuyên gia trong ngành năng lượng cho rằng, ngành than cần phải triển khai một giải pháp tổng thể, từ công tác lập quy hoạch đến công tác đào tạo nguồn nhân lực..

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tai-nan-ham-lo-lien-tiep-lam-gi-de-khong-tai-dien-169240514091246567.htm