Sức sống bền vững của gốm Bát Tràng

Đến Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), người ta rất dễ lạc lối trong những 'mê cung' gốm sứ với đủ chủng loại, kiểu dáng và màu sắc.

Trong “mê cung” ấy, dễ dàng nhận ra những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, thể hiện cá tính sáng tạo. Sự sáng tạo trên nền truyền thống chính là điều làm nên sức sống bền vững của gốm Bát Tràng.

Sáng tạo trên nền truyền thống

Nghệ nhân gốm trẻ tuổi Trần Anh Tú vẫn giữ nhiều mẫu gốm sáng tác theo chủ đề rồng. Từ sản phẩm của Tú, dễ dàng nhận ra nét thân thuộc, từ gam màu trầm như được nối dài từ quá khứ tới những họa tiết, hoa văn thường thấy trong điêu khắc đình, chùa cổ kính hay trong chính những tác phẩm gốm Bát Tràng xưa. Thân thuộc mà không cũ kỹ, bởi chúng được “biến hóa” theo cách nhìn, cảm nhận mới mẻ của người nghệ nhân.

Trần Anh Tú (phải) cùng đồng nghiệp trao đổi về màu men gốm Bát Tràng.

Điển hình trong đó phải kể đến sản phẩm "Long mã cõng hà đồ" - tích xưa thường thấy trong trang trí truyền thống. Tú nghiên cứu hình tượng long mã tại cố đô Huế hay Hoàng thành Thăng Long, từ đó tạo ra "câu chuyện" Long mã cõng hà đồ của riêng mình. Không phải hình tượng long mã có thân và chân tựa con ngựa trong nguyên gốc, long mã của Tú như hình khối vững chắc, gợi cảm giác về mái ngói truyền thống khi những chiếc vảy trên thân long mã giống như viên ngói. Nghệ nhân trẻ phủ lên đó màu men gốm xanh lục, gợi lại cách trang trí gốm thời Lý, Trần. Bộ sưu tập rồng của Tú còn gồm nhiều sản phẩm khác, tất cả thể hiện cá tính sáng tạo dựa trên nền truyền thống.

Nghệ nhân Trần Anh Tú là con trai nghệ nhân nổi tiếng Trần Đức Tân. Tú theo nghề cha đã nhiều năm, lại theo học Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Kiến thức nhà trường giúp Tú nhìn nhận về gốm Bát Tràng một cách có chiều sâu. Tú nhận thấy kho tàng văn hóa truyền thống là vô cùng giàu có. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc tái hiện các mẫu gốm cổ hay khai thác một cách máy móc các họa tiết, hoa văn cổ truyền thì không khác gì “ăn mày dĩ vãng”, không có dấu ấn của thời đại, và vì thế không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Tú không lặp lại màu men cổ, nhưng mọi người luôn cảm giác ở tác phẩm của anh có cái gì đó rất gần gũi. Bởi những màu men do Tú tạo ra thường có gam trầm, gần với màu men cổ truyền. Mặc dù chưa đến 30 tuổi, nhưng từ những sản phẩm của anh - dù đứng riêng hay được trưng bày bên những tác phẩm của người cha, khách tham quan vẫn có thể nhận ra nét riêng “gốm Tú”. Sản phẩm của Trần Anh Tú được định vị ở nhóm trung, cao cấp, trong đó có cả những tác phẩm độc bản.

Người “truyền lửa”

Ở Bát Tràng, để tìm được một nghệ nhân nữ không phải chuyện dễ. Đặc thù công việc khá vất vả, việc sáng tác mẫu, tạo màu men... đòi hỏi quá trình nghiên cứu và mất nhiều thời gian, nên nghề phù hợp hơn với nam giới. Phụ nữ Bát Tràng phần lớn gắn bó với gốm thông qua công việc kinh doanh, điều hành sản xuất. Nhưng Vũ Như Quỳnh là trường hợp đặc biệt.

Tác phẩm “Long mã cõng hà đồ” của Trần Anh Tú.

Như những đứa trẻ khác ở Bát Tràng, Vũ Như Quỳnh sinh ra đã “bện” mùi của cao lanh. Chị gắn bó với gốm như lẽ chuyện đương nhiên. Song, khi trưởng thành, Quỳnh học thiết kế thời trang tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và gắn bó với thời trang suốt mấy năm sau khi ra trường. Dù hai mảng công việc khác nhau, nhưng điểm chung của chúng là nghệ thuật về hình khối, cách phối màu, thiết kế sản phẩm. Lúc này, Quỳnh nhận ra vẻ đẹp của gốm theo một góc nhìn khác và chị quyết định trở về làm gốm cùng
gia đình.

Trước đây, gia đình Quỳnh chủ yếu sản xuất các sản phẩm gia dụng như chén, bát, đĩa để phục vụ thị trường trong nước. Chị mong muốn những sản phẩm của gia đình phải có tính nghệ thuật cao hơn. Trong các dòng sản phẩm của Bát Tràng, chị thấy đồ gốm phục vụ cho nhu cầu tâm linh chưa được quan tâm đúng mức và sản phẩm gốm của người Việt trong lĩnh vực này lại chưa thể hiện rõ nét văn hóa truyền thống. Và, Vũ Như Quỳnh quyết định chọn mảng này để chinh phục.

Làm ra một sản phẩm gốm không phải là khó, nhưng không dễ để sản phẩm ấy vừa có hồn cốt Bát Tràng, vừa đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người dân, có thể cạnh tranh với gốm sứ nhập khẩu. Vũ Như Quỳnh dành nhiều thời gian để nghiên cứu các mẫu bình, lọ gốm cổ, mẫu hoa văn truyền thống của gốm Bát Tràng cũng như mỹ thuật Việt Nam. Chị cho biết: “Trước kia Bát Tràng cũng phổ biến kỹ thuật đắp nổi hoa văn, nhưng hoa văn thường mỏng, bẹt. Tôi thích men rạn của Bát Tràng và kỹ thuật đắp nổi, nhưng thấy rằng phải cải tiến để sản phẩm trở nên ấn tượng hơn”.

Từ những họa tiết truyền thống, Quỳnh mong muốn tạo ra những họa tiết đắp nổi 3D. Từ thiết kế đến sản xuất có sự khác biệt rất lớn. Gốm có độ co ngót lớn khi nung, việc đắp nổi khiến các chi tiết nứt, vỡ hoặc bị bong ra, nhất là với những chi tiết nhỏ, mỏng như những cánh hoa. Suốt bao nhiêu năm thử nghiệm kỹ thuật mới hay kỹ thuật đắp nổi hoa văn cổ trên bình gốm, nữ nghệ nhân trẻ đã phải đập bỏ hàng nghìn sản phẩm. Nhưng mỗi mẻ gốm hỏng lại cho Quỳnh thêm bài học để chị điều chỉnh công thức pha chế, điều chỉnh kỹ thuật và cho ra đời những mẻ gốm đắp nổi dạng 3D đầu tiên. Nhiều thợ giỏi ở Bát Tràng cũng ngạc nhiên, không nghĩ rằng một nghệ nhân nữ lại có thể thành công với kỹ thuật này.

Sau khi thành công với dòng sản phẩm gốm hoa văn đắp nổi, Vũ Như Quỳnh tiếp tục cải tiến sản phẩm bằng cách phối hợp những kỹ thuật: Sơn son thếp vàng, dát vàng, khảm ngọc... để tạo ra những sản phẩm có giá trị mỹ thuật, kinh tế cao, phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Những sản phẩm nổi bật nhất của chị là lọ lộc bình, chóe và các đồ thờ cúng... Từng cánh hoa, từng họa tiết lông chim công... được đắp nổi và “tỉa” tinh tế như thật. Thành công với gốm đắp nổi là cơ sở để nghệ nhân Vũ Như Quỳnh phát triển thương hiệu Gốm sứ Vạn An Lộc mà chị là giám đốc. Từ một cửa hàng nhỏ tại Bát Tràng, hiện nay, thương hiệu Vạn An Lộc đã có cơ sở sản xuất thu hút hàng trăm thợ giỏi, với hàng chục cửa hàng phân phối sản phẩm trên toàn quốc. Vũ Như Quỳnh được bầu là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ nghệ nhân, doanh nhân Bát Tràng. Chị cũng là người “truyền lửa” - lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ.

Cội nguồn của sáng tạo

Gốm Bát Tràng luôn phải cạnh tranh quyết liệt với các loại gốm nhập ngoại, nhất là đồ gốm Trung Quốc, từ gốm trang trí nghệ thuật đến các loại gốm bình dân. Để đồng thời chinh phục thị trường trong nước và quốc tế, sáng tạo trên nền tảng truyền thống chính là điểm mấu chốt để tạo nên thành công. Sự sáng tạo ấy không phải ngẫu nhiên mà có được. Nó bắt nguồn từ quá khứ.

Nghìn năm trước, các dòng họ từ vùng Bồ Bát (cố đô Hoa Lư, Ninh Bình) về mảnh đất ven kinh đô Thăng Long lập nghiệp với nghề gốm. Chuyện ấy thì nhiều người biết. Nhưng nếu không đến với văn chỉ, chưa chắc người ta đã biết rằng làng Bát Tràng còn sản sinh ra một Trạng nguyên, 8 Tiến sĩ và 364 vị từng đỗ Hương cống, Cử nhân... trong thời kỳ phong kiến. Nổi tiếng nhất trong các vị đại khoa là Trạng nguyên Giáp Hải (1506 - 1585), người từng đi sứ nhà Minh dưới thời Mạc. Điều ấy có nghĩa, Bát Tràng vừa là làng gốm, vừa là làng văn. Cái chất “văn” ấy khiến người ta không hài lòng với vai trò “người thợ” như ở nhiều làng nghề khác. Người ta học hành để rồi quay trở lại phục vụ cho nghề. Và đó là cội nguồn cho sáng tạo, sức sống vững bền.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/suc-song-ben-vung-cua-gom-bat-trang-664963.html