Sự tin yêu Bác dành cho Thanh Hóa

Cách đây 77 năm, trong những ngày tháng gian khó, ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với tình cảm đặc biệt và với tầm nhìn chiến lược về vị trí, vị thế của Thanh Hóa, ngày 20/2/1947, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thanh Hóa. Kể từ đó, Đảng bộ, Nhân dân Thanh Hóa luôn khắc ghi những điều Người căn dặn, đã và đang nỗ lực phấn đấu 'trở nên một tỉnh kiểu mẫu'.

Bác Hồ bắt nhịp cho trên 3 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang Thanh Hóa về dự mít tinh cùng hát vang bài ca "Kết đoàn", ngày 12/12/1961. Ảnh: Tư liệu

Người luôn dành tình cảm đặc biệt cho Thanh Hóa, 4 lần về thăm và làm việc ở Thanh Hóa, Người dành thời gian để nói chuyện với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân; ân cần khuyên bảo tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chăm lo đời sống Nhân dân, đoàn kết nội bộ...

Lần đầu tiên về Thanh Hóa, chỉ trong một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều cuộc gặp gỡ, nói chuyện thân tình với cán bộ, đồng bào ở nhiều địa điểm. Buổi sáng là cuộc nói chuyện với hơn 40 cán bộ chủ chốt của tỉnh tại Rừng Thông (Đông Sơn). Tại đây, Bác đã nói rất rõ: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng bị tê liệt”. Và người chỉ rõ mối quan hệ cần có của cán bộ gồm: mình đối với mình, đối với đồng chí mình, đối với công việc, đối với Nhân dân, với đoàn thể... Từ câu chuyện “Hai hòn đá cùng chọi nhau thì hai hòn cùng vỡ, hai cái trứng cùng chọi nhau thì hai cái cùng vỡ. Phải một cái cứng, một cái mềm thì khi chọi nhau một cái mới còn”, để nói lên chuyện kháng chiến: Pháp có xe tăng, đại bác thì ta phá đường. Pháp có máy bay thì ta đào hầm, Pháp muốn đánh chớp nhoáng thì ta kéo dài. Nhất định ta thắng”. Mềm dẻo là chiến lược không chỉ áp dụng trong giai đoạn chiến tranh, đến nay thời bình lại càng cần thiết hơn nữa.

Buổi chiều, Bác gặp gỡ các đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào tại nhà làm lúa của Đỗ Hùng (Phú Hùng). Bác đã chỉ rõ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa của xứ Thanh; cách thức tiến hành kháng chiến; nâng cao tinh thần đoàn kết thống nhất, và Bác yêu cầu, “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”. Trong đấy người nêu rõ mục đích của xây dựng tỉnh kiểu mẫu là: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm... Người nào cũng biết chữ. Người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước”.

Bác đưa ra cách làm, mà trước tiên là phải “đem tài dân, sức dân, của dân, làm lợi cho dân”; phải tăng gia sản xuất, tổ chức Ban văn hóa để làm sao đến tháng 6/1947 bớt được 50% số người mù chữ. Lời Bác vừa là đường lối chiến lược, vừa là chỉ dẫn bước đi hợp lý, từ thấp lên cao. Thực hiện lời Bác Hồ, đến năm 1958, đồng bào và cán bộ huyện Vĩnh Lộc đã xóa xong nạn mù chữ trước thời hạn quy định và sớm nhất trong các huyện ở miền Bắc.

Đặc biệt trong Thư gửi đồng chí Liên khu IV, Bác Hồ đã chỉ ra những khuyết điểm của các địa phương, trong đó với Thanh Hóa là “chưa vận dụng được cả nhân lực, vật lực, tài lực để phụng sự kháng chiến”. Kể từ sau chuyến thăm của Bác, sau những lời căn dặn, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã đóng góp hết to lớn sức người, sức của góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong hai ngày 13 và 14/6/1957, Bác về thăm Thanh Hóa lần thứ hai, ghi nhận những việc làm của Thanh Hóa, Bác đã khẳng định: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Trong nhiều công việc Bác căn dặn, có một việc vô cùng quan trọng, đó là: Đắp đê chống lụt bão phải kịp thời. Trước đó Bác đã giảng giải: Thà đắp đê cao một tí, chuẩn bị nhà cửa trước, nếu không có bão lụt cũng không sao, nhưng nếu chủ quan không chuẩn bị thì thiệt hại lớn. Theo lời Bác, việc chuẩn bị phòng chống lụt bão càng phải khẩn trương, chu đáo, đầy đủ và toàn diện hơn.

Từ ngày 17 - 19/7/1960, Bác về thăm xứ Thanh lần thứ ba. Sáng 19/7, Bác tới dự và nói chuyện với Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh lần thứ 6. Sau khi đánh giá tình hình sản xuất và đời sống của Nhân dân trong tỉnh, Bác căn dặn hai việc lớn, các xí nghiệp phải thi đua thiết thực: Thi đua tốt là phải nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Bốn chữ ấy đi liền với nhau. “Nhanh, nhiều nhưng không tốt, không rẻ là không được”.

Bác nhấn mạnh về việc cải tiến chế độ quản lý xí nghiệp, trong đó công nhân phải tham gia quản lý xí nghiệp. Và để làm được điều đó thì “Cán bộ phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm lao động, cùng bàn bạc với công nhân Nhà máy phải giúp đỡ hợp tác xã cải tiến nông cụ và đẩy mạnh sản xuất vụ mùa”. Ngày nay, rất nhiều phong trào thi đua được tổ chức với mong muốn khích lệ tinh thần của cá nhân với cá nhân, tập thể với tập thể từ đó để tăng năng suất lao động, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người, là động lực để xây dựng quê hương đất nước. Nhiều cuộc vận động đã được phát động cũng với tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều...

Lần thứ tư Bác về thăm Thanh Hóa từ ngày 10 đến 12/12/1961. Bác nói chuyện với Nhân dân xã Yên Trường (Yên Định), đến thăm và nói chuyện tại Nhà máy Cơ khí Thanh Hóa. Tại Sân Vận động tỉnh, nghe Bác nói chuyện, ai ai cũng thấm thía những lời động viên ân cần, trân trọng cũng như những phê bình thiếu sót, khuyết điểm rất xác đáng mà Bác đã chỉ ra. Bác nói rằng: "Ra sức phát triển và củng cố tốt Đảng và Đoàn, đoàn kết toàn dân cùng nhau thi đua tiến bộ. Làm được như thế thì Thanh Hóa chắc sẽ trở thành một trong những tỉnh khá nhất của miền Bắc". Đặc biệt, Bác bắt nhịp cho 3 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang Thanh Hóa cùng hát vang bài ca “Kết đoàn”, cũng như nhiều lần khác Bác bắt nhịp cho bộ đội, Nhân dân hát mãi ca khúc này, là một phương pháp khắc ghi đầy tính hiệu quả của đường lối “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Mỗi lần nhắc đến Bác là mỗi lần ông Lê Reo (thôn 6, xã Dân Quyền, Triệu Sơn) lại vui vẻ hơn. Ông cho biết: “Hằng ngày, tôi đọc sách, đọc báo, tìm thêm các tư liệu về Hồ Chủ tịch. Với tôi không có người nào vĩ đại như Bác Hồ của chúng ta. Cách đây đúng 12 năm, tôi đã vinh dự giành giải Nhất cuộc thi tìm hiểu “Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa làm theo lời Bác Hồ dạy” nhân kỷ niệm 65 năm lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa (20/2/1947 - 20/2/2012)”.

Bài dự thi của ông khi đó được xây dựng công phu với hơn 200 ảnh tư liệu về Bác Hồ cùng nội dung trả lời sâu sắc, liên hệ sát thực tiễn, nhất là nêu cao vai trò, trách nhiệm của cựu chiến binh trong giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, tích cực tham gia giáo dục chính trị tư tưởng cho thế hệ trẻ.

Đó chỉ là một trong số ít những cuộc dự thi ông đã tham gia, nhưng ông nhớ mãi. Càng tìm tư liệu về Bác ông càng thấy sự hiểu biết của mình càng ít ỏi. Vì thế, ông luôn cố gắng sưu tầm thêm những hình ảnh, trang viết về Bác, bổ sung vào kho tư liệu của cá nhân.

“Với tôi, không có bức ảnh nào đẹp bằng ảnh Bác bắt nhịp cho đồng bào Thanh Hóa hát vang bài ca “Kết đoàn”. Tôi nhìn thấy ở Bác không chỉ là một lãnh tụ, mà còn là người nghệ sĩ, một nhạc trưởng. Lần nào xem tôi cũng xúc động”, ông chia sẻ.

55 năm tuổi Đảng, 79 năm tuổi đời, đi qua những năm tháng chiến tranh, sống những ngày đất nước đổi mới, cựu chiến binh Lê Reo càng hiểu hơn giá trị của độc lập, tự do để từ đó ông luôn tìm kiếm những tư liệu lịch sử về Đảng, về Bác Hồ. “Không chỉ muốn con cháu mình phải hiểu, phải yêu; tôi còn muốn mọi người trong làng trong xã, nhất là thế hệ trẻ biết về lịch sử quê hương đất nước. Vì thế nhà tôi luôn rộng cửa để ai cũng có thể đến đọc sách, tra cứu tư liệu”.

Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông luôn thể hiện vai trò, trách nhiệm của cựu chiến binh từ lối sống giản dị, hòa đồng với mọi người đến tinh thần nhiệt tình sẵn sàng đi đầu trong việc hiến đất mở đường, tích cực tham gia giáo dục chính trị tư tưởng cho thế hệ trẻ.

Khắc ghi những lời căn dặn của Người năm xưa, Thanh Hóa đã tổ chức nhiều phong trào thi đua, đạt những kết quả thắng lợi. Riêng tháng 5 này, Thanh Hóa tiếp tục sôi động nhiều phong trào thi đua trong sản xuất, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, XDNTM..., đặc biệt là Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong hai năm 2024-2025 với mong muốn hoàn thành mục tiêu đến ngày 30/9/2025 toàn tỉnh có ít nhất 5.000 hộ gia đình có chỗ ở ổn định, yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.

Bài và ảnh: Kiều Huyền

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/su-tin-yeu-bac-danh-cho-thanh-hoa-31065.htm