Sông Nhuệ - 'miền ký ức' mát lành sắp được hồi sinh

Tôi vẫn mơ một ngày thấy nước sông Nhuệ trong xanh, bên bờ sông lại thấp thoáng bóng dừa, rặng phi lao, vườn hoa cải, hoa dong riềng… như ngày tôi còn thơ bé.

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Sông Nhuệ - 'miền ký ức' mát lành sắp được hồi sinh của tác giả Thu Hằng.

Dù sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng tôi cũng may mắn có những năm tháng tuổi thơ bên sông Nhuệ - dòng sông đẹp như trong các bức tranh phong cảnh.

Nhà ông bà ngoại tôi ở Hà Đông, khi còn bé, tôi hay được ông ngoại dắt đi bộ qua cầu Trắng bắc ngang sông Nhuệ để sang quán nước bà Xuyến - một người bạn của ông.

Sông Nhuệ trong tuổi thơ của tôi đẹp lắm. Làn nước khi trong xanh, khi lại đỏ nặng phù sa, lững lờ trôi êm ả. Hai bên bờ sông cơ man là các bụi tre trúc, những vườn hoa dong riềng rực rỡ, thi thoảng lại có một vài cây dừa và cả những rặng phi lao soi bóng xuống dòng sông thơ mộng.

Mẹ và các cậu tôi lớn lên bên dòng Nhuệ Giang tuyệt đẹp này. Mẹ tôi kể, ngày xưa, bên bờ sông, đoạn từ đầu cầu Trắng tới đường Phùng Hưng bây giờ còn có cả một con đê thoai thoải rất đẹp. Mỗi mùa, hoa cải, hoa dong riềng rồi cả các loại hoa dại thi nhau nở bên triền đê tạo thành bức tranh nhiều màu sắc. Mẹ và hai cậu tôi thường ra sông tập bơi cùng bạn rồi câu cá, mò cua, bắt hến, bắt trai, ốc, trùng trục… Những năm 70, con sông ấy đã giúp cho gia đình ông bà ngoại tôi có những bữa cơm ngon lành. Nhưng vì lội sông khá nhiều nên mẹ biết rằng sông sâu rất nguy hiểm nên sau này, bố mẹ đều dặn chị em tôi không được ra bờ sông chơi. Thành ra, dù tôi rất thèm đi lang thang dọc bờ sông nhưng không dám trái ý bố mẹ.

Ký ức của tôi về Nhuệ Giang chỉ đơn giản là nắm chặt lấy bàn tay ông ngoại, vừa đi vừa nhảy chân sáo và giục ông rảo chân lên cầu Trắng. Vài khe hở trên cầu đủ để tôi nhìn xuống dòng nước thăm thẳm. Nước sông ngày ấy lên cao lắm, nhiều ngày nước trong vắt, tôi thậm chí nghĩ rằng tôi cúi xuống, thò tay qua cái khe hở ấy là sẽ chạm được vào dòng nước mát lạnh đó.

Tới quán nước quen thuộc của ông, tôi lập tức có trên tay một chiếc quẩy đường giòn tan béo ngậy, món ngon tuyệt đỉnh mà tuổi thơ chúng tôi đều khao khát. Sau đó, tôi sẽ tranh thủ lúc ông trò chuyện với bạn bè thì lượn lờ bên bờ sông. Tôi thích ngắm những người dân chài sống trên thuyền. Họ quăng lưới, cất vó vô cùng điệu nghệ rồi lại tranh thủ giặt quần áo phơi phóng, neo thuyền dưới bụi tre. Khi ấy tôi còn bé xíu, chỉ tầm 5-6 tuổi nên tò mò lắm. Tôi cứ thắc mắc, sao họ có thể sống trên con thuyền nhỏ như vậy và thầm ước tôi được sống trên con thuyền ấy, nay đây mai đó, thích dừng chân ở đâu thì dừng. Đói thì bắt cá nướng ăn, sáng thức giấc nhìn đàn cò trắng chao lượn trên đám bèo tây, đêm nằm ngắm sao trời, ngắm vầng trăng sóng sánh dát bạc trên mặt nước, nghe tiếng dế kêu rả rích như bản nhạc xen lẫn tiếng bụi tre đu đưa kẽo kẹt trong gió. Cuộc sống tiêu dao tự tại ấy luôn là giấc mơ của tôi từ bé tới lớn.

Rồi gia đình tôi chuyển nhà tới gần Gò Đống Đa. Tôi lớn dần lên, cuộc sống bận rộn, những nỗi lo cơm áo gạo tiền chồng chất khiến ký ức về con sông tuổi thơ trở nên mờ nhạt. Tôi gần như chẳng còn nhiều dịp để đi qua sông nữa nhưng mỗi lần gặp lại, tôi đều xót xa khi thấy con sông đẹp như tranh thủy mặc giờ đã hoàn toàn thay đổi.

Sông Nhuệ giờ đây nước đã cạn, nhiều đoạn trơ đáy, bùn đất đen kịt, hai bên bờ sông cỏ mọc um tùm, rác chất thành đống ven bờ sông hoặc nổi lập lờ trên mặt nước. Nước sông đặc quánh, mùi hôi thối của nước tù đọng bốc lên nồng nặc, chỉ phóng xe bên bờ sông đã có cảm giác nghẹt thở vì mùi xú uế. Con sông 76km kéo dài từ Hà Nội đến Hà Nam đang “hứng” hàng trăm cống xả thải thẳng ra lòng sông nên ngày càng ô nhiễm nặng nề. Ngoài ra, người dân còn xả rác bừa bãi, nhiều đầm nuôi thủy sản bắc ống xả thải thẳng xuống lòng sông khiến nguồn nước sông không còn đủ tiêu chuẩn để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sông Nhuệ gần đây cũng chỉ còn cá dọn bể sống được, thi thoảng mới có cá rô trôi ra từ các cánh đồng.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã có dự án lấy nước sông Hồng cải tạo sông Nhuệ. Dự án với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng này được người dân thủ đô, nhất là những người dân sống gần sông Nhuệ ủng hộ nhiệt liệt. Trong dự án này, nhà chức trách nhận định, công việc làm sạch nước sông Nhuệ phải được ưu tiên hàng đầu, xử lý ô nhiễm phải quản lý tốt khâu xử lý nước thải từ đầu nguồn chứ nếu không, chỉ dẫn nước sông Hồng sang sông Nhuệ cũng không giải quyết được vấn đề.

Ước gì dòng sông “chết” này lại trong sạch như xưa. Ảnh: Thu Hằng

Khó thì khó vậy nhưng mọi vấn đề đều có cách giải quyết nếu có sự quyết tâm của chính quyền và người dân. Hà Nội đã có tour du lịch đường thủy sông Hồng, nếu sông Nhuệ có thể khôi phục vẻ đẹp nên thơ vốn có thì không chỉ người dân ven sông được hưởng không khí trong lành, trồng cây, nuôi cá mà tour du lịch đường thủy sông Nhuệ chẳng phải cũng vô cùng tuyệt vời sao? Du khách ngồi trên thuyền ngắm cảnh đẹp ven sông rồi ghé thăm những địa điểm nổi tiếng như chùa Hòe Thị, Từ Liêm, làng cổ Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, làng Lụa Vạn Phúc, chùa Mỗ Lao, Hà Đông, làng nghề sinh vật cảnh xã Hồng Vân, Thường Tín, thưởng thức bánh cuốn Thanh Trì, bánh dày Quán Gánh… Chỉ nghĩ thôi, tôi đã thấy lòng mình rạo rực, bồi hồi, vui sướng. Đất nước đang “thay da đổi thịt” từng ngày, vì thế, tôi hoàn toàn có quyền mơ ước, ở giữa Hà Nội sẽ có những con sông nước sạch tinh tươm, cá lượn tung tăng như những con sông ở Nhật Bản hay các quốc gia phát triển khác.

Tôi mơ tới một ngày được dẫn con, dẫn cháu đi dạo ven sông Nhuệ và chỉ cho con biết rằng, ngày xưa, nơi này từng là triền đê ngập mùa hoa dại, nơi kia là rặng dừa, là hàng phi lao xanh mướt. Mong sao, dòng sông sớm hồi sinh, làm đẹp cho thành phố và mãi là miền ký ức mát lành của mẹ tôi, của tôi, của con, cháu tôi sau này.

Thu Hằng

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/song-nhue-mien-ky-uc-mat-lanh-sap-duoc-hoi-sinh-2276310.html