Sóc Trăng xác định xây dựng Tòa án điện tử là nhiệm vụ quan trọng

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Tòa án điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, tòa án nhân dân (TAND) các cấp đã đưa vào sử dụng nhiều hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến. Điều đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch mang nhiều lợi ích cho xã hội và đóng góp cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia. TAND hai cấp Sóc Trăng vẫn còn nhiều khó khăn nhưng không ngừng đổi mới và nỗ lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đồng chí Thái Rết - Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết, cải cách tư pháp và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án là xu hướng tất yếu, mang lại rất nhiều lợi ích, giúp giảm chi phí, thủ tục, phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng, đúng với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia và căn cứ Chỉ thị số 02/CT-CA của TAND Tối cao về đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử, ngày 1/2/2024, đơn vị đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số gồm 13 thành viên, Chánh án TAND tỉnh làm trưởng ban và có phân công nhiệm vụ cụ thể, tiến trình chỉ đạo thực hiện trong chuyển đổi số. Bắt đầu từ ngày 1/4/2024, TAND tỉnh Sóc Trăng chính thức thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử trên phần mềm hệ thống quản lý văn bản và điều hành của TAND (V Ofice) đến các đơn vị TAND hai cấp, các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh.

Tòa án hai cấp sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm công tác thụ lý, giải quyết các loại án và công tác thi hành án hình sự trên phần mềm giám sát hoạt động của tòa án (https://qlta.toaan.gov.vn). Khi đó, các thông tin liên quan đến vụ án và thi hành án hình sự sẽ được cập nhật liên tục từ giai đoạn thụ lý đến khi giải quyết xong vụ việc theo yêu cầu. Hằng tháng, phòng chuyên môn của đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra các hoạt động chuyển đổi số để báo cáo lãnh đạo có hướng chỉ đạo nghiêm trong việc chấp hành cập nhật phần mềm. Bên cạnh đó, TAND tỉnh đang khẩn trương chỉ đạo triển khai 10 nhiệm vụ hoạt động chuyển đổi số năm 2024 của TAND Tối cao đến hai cấp…

Hai cấp tăng cường xét xử theo hình thức trực tuyến. Ảnh: SỚM MAI

Hai cấp tăng cường xét xử theo hình thức trực tuyến. Ảnh: SỚM MAI

Có thể thấy, công tác chuyển đổi số được TAND tỉnh quán triệt, nghiêm túc triển khai thực hiện và ngày càng tạo được nhiều điểm nhấn, dấu ấn riêng. Việc xây dựng các phần mềm ứng dụng được thực hiện hệ thống, có hiệu quả của từng khâu, từng hoạt động. Hiện nay, hệ thống mạng vi tính và truyền hình hội nghị trực tuyến được thực hiện kết nối trong hệ thống. Các đơn vị đã triển khai thực hiện tốt hệ thống phần mềm quản lý và thống kê các loại án đúng quy định. Trên Trang thông tin điện tử của đơn vị đã công khai các hoạt động, đương sự không cần trực tiếp đến tòa án vẫn thực hiện đảm bảo đầy đủ các bước theo quy định trên hệ thống của TAND tỉnh. TAND hai cấp đã thực hiện công khai đạt gần 100% bản án, quyết định đủ điều kiện trên Cổng thông tin điện tử của TAND Tối cao nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của thẩm phán và tạo điều kiện để nhân dân giám sát hoạt động xét xử.

Mọi hoạt động của tòa án từng bước đều được thực hiện trên môi trường điện tử. Lãnh đạo TAND tỉnh giám sát, quản lý nhân viên bằng phần mềm quản lý; sử dụng hệ thống thư điện tử cho toàn thể cán bộ, công chức, đảm bảo thông tin, tài liệu được chuyển đi, đến nhanh nhất. Đáng lưu ý, thành tựu khoa học công nghệ được cán bộ, công chức tòa án hai cấp khai thác triệt để là phần mềm trợ lý ảo.

Lướt trên các thông tin về phần mềm này, đồng chí Tào Văn Hai Hiền - Phó Chánh Văn phòng TAND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, phần mềm hiện đang sở hữu hệ thống cơ sở tri thức ngành với hơn 160.000 văn bản pháp luật, 63 án lệ, nhiều văn bản pháp luật chỉ dẫn đến các điều khoản hướng dẫn, thay thế. Đồng thời, có hơn 1.000 câu hỏi tình huống, hơn 1.200 quyết định giám đốc thẩm và hơn 80.000 bản án phúc thẩm do TAND Tối cao cung cấp. Do đó, việc tìm kiếm, tra cứu và hỏi đáp đạt được kết quả hữu ích cao. Việc ứng dụng tăng cường hiệu suất làm việc và đảm bảo tính công bằng trong quy trình hoạt động xét xử. Trợ lý ảo đóng vai trò như một người thư ký làm việc trực tuyến; thông qua phần mềm trợ lý ảo, các thẩm phán còn được sử dụng, khai thác nguồn kiến thức pháp luật đáng tin cậy đến từng điều khoản, từng thời điểm của văn bản luật có hiệu lực. Thẩm phán có thể nắm vững các quy định và tiêu chí pháp luật, từ đó đưa ra những quyết định phù hợp và công bằng hơn. Ngoài ra việc sử dụng phần mềm mã hóa bản án của trợ lý ảo đã giúp thẩm phán mã hóa nhanh chóng bản án, quyết định được công bố.

Cán bộ, thẩm phán, thư ký, thẩm tra viên hai cấp thường xuyên cập nhật sử dụng phần mềm trợ lý ảo và cập nhập các ứng dụng phần mềm quản lý, sử dụng hệ thống điện tử. Ảnh: SỚM MAI

Cán bộ, thẩm phán, thư ký, thẩm tra viên hai cấp thường xuyên cập nhật sử dụng phần mềm trợ lý ảo và cập nhập các ứng dụng phần mềm quản lý, sử dụng hệ thống điện tử. Ảnh: SỚM MAI

Từ đầu năm đến nay, TAND hai cấp đã thực hiện 62 phiên tòa xét xử trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đặc biệt, TAND hai cấp quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ. Trong 2 năm qua (2022 và 2023), được sự quan tâm đầu tư kinh phí của TAND Tối cao, đơn vị đã chỉnh lý hồ sơ vụ án từ năm 1992 đến năm 2018 được 10.116 hồ sơ. Sau khi được chỉnh lý, hồ sơ được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, lưu trữ theo năm, từng vụ án, quản lý trên phần mềm chuyên dụng, tra cứu theo mã số giúp cho việc tra cứu tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án dễ dàng, nhanh chóng, không bị thất lạc. Thực hiện Quyết định số 23/QĐ-TA của Chánh án TAND Tối cao về áp dụng thống nhất phần mềm nội bộ “Số hóa một số tài liệu trong hồ sơ vụ án hiện đang lưu trữ tại kho lưu trữ dùng chung cho TAND các cấp”, TAND tỉnh đã tổ chức số hóa được 1.082 hồ sơ vụ án…

Tuy nhiên, quá trình đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử của TAND hai cấp Sóc Trăng vẫn còn nhiều gian nan, nhất là việc thiếu cán bộ công nghệ và cơ sở vật chất là rào cản lớn. Nhưng bằng sự quyết tâm, nỗ lực và sự chủ động sẽ giúp TAND hai cấp Sóc Trăng từng bước xây dựng hoàn chỉnh hình ảnh tòa án điện tử, tòa án thân thiện “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Đây sẽ là chỗ dựa của nhân dân, nơi bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

SỚM MAI

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/soc-trang-xac-dinh-xay-dung-toa-an-dien-tu-la-nhiem-vu-quan-trong-73225.html