Sóc Trăng là một trong những tỉnh đạt sản lượng tôm nuôi lớn của cả nước

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: THÚY LIỄU

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: THÚY LIỄU

Thông tin đến đoàn công tác, đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã chia sẻ, Sóc Trăng là tỉnh có diện tích nuôi tôm hằng năm trên 50.000ha. Mặc dù diện tích nuôi tôm của tỉnh không lớn nhưng về sản lượng tôm nuôi chiếm từ 18 - 20% sản lượng tôm nuôi của cả nước; đồng thời, ngành nông đã có đóng góp rất lớn vào GDP của tỉnh và thông qua nuôi tôm đã giải quyết việc làm và tạo kinh tế bền vững cho hàng ngàn hộ dân tại các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Riêng mùa vụ nuôi tôm năm 2024, tính đến thời điểm hiện tại diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn tỉnh hơn 13.700/50.820ha, ước sản lượng thu hoạch hơn 14.300 tấn. Hiện diện tích tôm còn trên đồng hơn 11.000ha và diện tích tôm nuôi bị thiệt hại từ đầu năm đến nay chiếm 2,5%. Nguyên nhân tôm bị thiệt hại do yếu tố môi trường, bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng, bệnh phân trắng, bệnh vi bào tử trùng.

Do con tôm nuôi có giá trị kinh tế cao nhưng dịch bệnh đã ảnh hưởng đến việc thả nuôi tôm của hộ nuôi, nên ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đề xuất đoàn công tác Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tỉnh có giải pháp sinh học thay thế thuốc kháng sinh điều trị bệnh gan, ruột do vi khuẩn phát sáng, bệnh mờ đục hậu ấu trùng trên tôm và giải pháp dinh dưỡng con tôm để giảm đạm và tăng trưởng nhanh; xây dựng các mô hình nuôi tôm tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh; phối hợp các viện, trường nghiên cứu bệnh mờ đục hậu ấu trùng.

Ông Nguyễn Hồng Huệ nhận định, Sóc Trăng là tỉnh nuôi tôm đạt sản lượng rất tốt. Vì vậy, để hỗ trợ tỉnh phát triển ngành tôm nuôi nước lợ bền vững, tăng năng suất, nâng cao chất lượng con tôm nuôi và đặc biệt nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế, hiệp hội sẽ hỗ trợ tỉnh thành lập điểm nghiên cứu về dịch bệnh trên tôm để có giải pháp kỹ thuật cụ thể phòng, trị bệnh trên tôm; triển khai 20 mô hình nuôi tôm áp dụng quy trình nuôi kiểm soát dịch bệnh trên tôm để tôm đạt năng suất, sản lượng tốt nhất; thực hiện các giải pháp sinh học dùng tận dụng vỏ tôm làm nguyên liệu chế biến. Trước mắt, ngành Nông nghiệp tỉnh lựa chọn điểm để hiệp hội triển khai thực hiện mô hình và chọn điểm để hiệp hội làm các nghiên cứu về tầm soát bệnh trên tôm nuôi, cùng với đó ngành Nông nghiệp tỉnh đồng hành với hiệp hội trong việc thực hiện các mô hình khi được triển khai tại tỉnh.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/soc-trang-la-mot-trong-nhung-tinh-dat-san-luong-tom-nuoi-lon-cua-ca-nuoc-73400.html