So sánh tiêm kích Su-57 của Nga và chiến đấu cơ F-16 Ukraine sắp nhận được

Trong khi chiến đấu cơ F-16 mang lại sự tin cậy và tính linh hoạt cho phòng không Ukraine thì những khả năng tàng hình tiên tiến của Su-57 đang tạo ra thách thức to lớn cho Kiev.

Ukraine đang chờ đợi đợt vận chuyển tiêm kích F-16 đầu tiên từ phương Tây - phương tiện mà Kiev hy vọng sẽ giúp đối phó với ưu thế trên không của Nga sau hơn 2 năm giao tranh ác liệt.

Sau nhiều tháng chịu sức ép ngoại giao, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cuối cùng đã đảm bảo việc sẽ nhận được các chiến đấu cơ này từ các đối tác NATO như Đan Mạch, Hà Lan và Bỉ.

Từ đầu tháng 4/2024, Mỹ và đồng minh đã huấn luyện cho các phi công Ukraine vận hành các tiêm kích F-16, dự kiến sẽ được vận chuyển trong những tuần tới. Tổng thống Zelensky cho biết ông cần 120 - 130 tiêm kích để đạt được sự cân bằng với Moscow. Ukraine hy vọng những chiến đấu cơ F-16 này sẽ giúp quân đội bắt kịp năng lực trên không của các tiêm kích Su-57 của Nga, phương tiện được triển khai từ những ngày đầu xung đột.

Trong khi chiến đấu cơ F-16 mang lại sự tin cậy và tính linh hoạt cho phòng không Ukraine thì những khả năng tàng hình tiên tiến của Su-57 đang tạo ra thách thức to lớn cho Kiev.

Tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất và chiến đấu cơ tàng hình Su-57 của Nga. Ảnh: Wikimedia Commons

Tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất và chiến đấu cơ tàng hình Su-57 của Nga. Ảnh: Wikimedia Commons

Tiêm kích Su-57: Khả năng tàng hình và công nghệ tiên tiến

Tiêm kích thế hệ thứ năm của Nga được biết tới với công nghệ tàng hình tiên tiến, động cơ đẩy vector 3D và hàng loạt vũ khí khác. Theo các tài liệu quân sự của Nga, Su-57 có khả năng bay gấp 2 lần tốc độ âm thanh ở độ cao hơn 18.000 mét và tầm hoạt động gần 3.000km.

Các vũ khí được trang bị cho nó bao gồm tên lửa không đối không tầm nhiệt hoặc có radar dẫn đường, tên lửa không đối đất không dẫn đường, bom theo quy ước, bom chùm và một khẩu pháo với đạn nổ cỡ nòng 30mm.

Tiêm kích tàng hình 2 động cơ này được phát triển bởi tập đoàn quốc phòng Sukhoi của Nga vào đầu những năm 2000. Trong suốt giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Liên Xô xác định cần tiêm kích thế hệ tiếp theo để kế nhiệm các phi đội Su-27 và MiG-29 trong các hoạt động chiến thuật.

Tuy nhiên, Su-57 đối mặt với những trì hoãn trong quá trình sản xuất và vấn đề hoạt động, đặc biệt với động cơ và các đặc điểm tàng hình của nó. Một số chuyên gia về hàng không quân sự cho rằng phần miệng tròn của động cơ có thể nhìn thấy của chiến đấu cơ sẽ làm tăng nguy cơ nó bị radar phát hiện, làm giảm khả năng tàng hình.

Bất chấp những hạn chế trên, Su-57 có một số lợi thế hơn tiêm kích F-16. Tạp chí chuyên về quốc phòng National Interest cho biết tiêm kích thế hệ thứ năm này của Nga có thể đồng bộ hóa với radar mặt đất, mang đến cho nó lợi thế phóng lần đầu so với các mô hình thế hệ thứ tư.

Tiêm kích F-16: Tính linh hoạt và khả năng cơ động

Tiêm kích F-16 có nhiều thành tích trong chiến đấu. Được biết đến với tính linh hoạt và khả năng cơ động, nó là phương tiện chủ lực của nhiều lực lượng không quân kể từ cuối những năm 1970.

Được thiết kế ban đầu như một tiêm kích hạng nhẹ với ưu thế trên không vào ban ngày, chiến đấu cơ này đã phát triển thành một tiêm kích đa nhiệm có thể hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết. Tính linh động của F-16, kết hợp với một loạt cải tiến trong những năm qua, trong đó có các hệ thống điện tử, vũ khí và radar tiên tiến, đã biến nó trở thành một chiến đấu cơ mạnh mẽ đáp ứng các nhu cầu trong tác chiến hiện đại trên không. Tiêm kích F-16 có thể bay với tốc độ Mach 2 và hoạt động ở độ cao lên tới hơn 15.000km, thấp hơn một chút so với Su-57.

Các chiến đấu cơ của Mỹ cũng bao gồm các hệ thống radar được nâng cấp như AN/APG-66, có thể theo dấu mục tiêu cả trên không và trên mặt đất trong phạm vi hơn 96km. Chúng có thể mang các loạt vũ khí lớn hơn và đa dạng hơn so với các tiêm kích MiG-29 và Su-57, trong đó có tên lửa, bom và các vũ khí chống radar.

Các tiêm kích F-16 sẽ thay thế các phi đội MiG-29, Su-24 và Su-25 của Ukraine - những chiến đấu cơ có từ thời Chiến tranh Lạnh và Nga đã biết rõ về khả năng của chúng.

Tuy nhiên, một báo cáo của Mỹ đã xếp tiêm kích F-16 là một trong những chiến đấu cơ khó bảo trì nhất. Mark Cancian - Đại tá Thủy quân Lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu, nay là cố vấn cấp cao tại Chương trình An ninh thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định, thực tế đó có lẽ là một thách thức cho Ukraine khi thực sự vận hành chiến đấu cơ này.

"Để F-16 hoạt động hiệu quả, Ukraine cần thiết lập và duy trì sự hỗ trợ mở rộng cũng như các cơ sở hạ tầng hậu cần. Điều này bao gồm huấn luyện phi công, vốn sẽ cần khoảng 9 tháng và thiết lập các hệ thống bảo trì, tiếp nhiên liệu cũng như cung cấp đạn dược". Theo ông, trước mắt phương tiện này sẽ khó có thể là nhân tố thách thức cuộc chơi.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Newsweek

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/so-sanh-tiem-kich-su-57-cua-nga-va-chien-dau-co-f-16-ukraine-sap-nhan-duoc-post1096565.vov