Sinh viên Mỹ phản đối cuộc chiến Israel – Hamas

Tình trạng bất ổn và bạo loạn đã ảnh hưởng đến một số trường đại học danh tiếng ở Mỹ do cuộc chiến ở Palestine. Đại học Colombia đã hủy các lớp học trực tiếp, Đại học Harvard cũng đã đóng cửa. Hàng trăm người biểu tình đã bị bắt tại Đại học New York và Đại học Yale.

Mỹ như đang quay lại thời điểm của các cuộc biểu tình lịch sử chống lại Chiến tranh Việt Nam và chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.

Biểu tình phản chiến

Cảnh sát Mỹ đã bắt giữ sinh viên biểu tình tại Đại học Nam California (USC), vài giờ sau khi hàng chục người biểu tình tại Đại học Texas bị bắt giữ một cách thô bạo, trong cuộc đụng độ mới nhất giữa lực lượng thực thi pháp luật Mỹ và những người phản đối cuộc chiến Israel-Hamas ở các trường đại học trên toàn nước Mỹ.

Biểu tình ủng hộ Palestine tại Đại học Columbia ở New York, ngày 22/4.

Trong khi một số trường đại học đang nỗ lực xoa dịu tình trạng bất ổn trước khi lực lượng thực thi pháp luật can thiệp thì các vụ bắt giữ ở California hoàn toàn trái ngược với sự hỗn loạn xảy ra chỉ vài giờ trước đó tại Đại học Texas ở Austin. Hàng trăm cảnh sát địa phương và tiểu bang - trong đó có một số người cưỡi ngựa và cầm dùi cui - đã lao vào quật ngã một số người biểu tình xuống đường.

Theo Bộ An toàn công cộng bang, các cảnh sát đã tiến vào đám đông và thực hiện 34 vụ bắt giữ theo lệnh của Thống đốc bang Texas Gregg Abbott. Một nhiếp ảnh gia của Fox 7 Austin (KTBC) đang ghi hình vụ việc thì sĩ quan kéo ngã xuống đất, Đài KTBC xác nhận nhiếp ảnh gia đã bị bắt. Một nhà báo lâu năm ở Texas đã bị đánh gục trong tình trạng hỗn loạn và sau đó cảnh sát đã giúp ông gọi cấp cứu.

Nằm về phía Bắc của Đại học USC, Đại học Bách khoa Bang California đã lập rào chắn bên trong một tòa nhà, đóng cửa khuôn viên trường vào cuối tuần và tổ chức các lớp học trực tuyến. Đại học Harvard ở Massachusetts đã tìm cách đón đầu các cuộc biểu tình trong tuần này bằng cách hạn chế quyền tiếp cận và từ chối yêu cầu cấp phép tụ tập.

Nhưng, điều đó không ngăn cản được những người biểu tình dựng trại với 14 lều sau khi trường đại học đình chỉ Ủy ban Đoàn kết Palestine của giới sinh viên Đại học Harvard. Các sinh viên phản đối cuộc chiến Israel-Hamas đang yêu cầu các trường học cắt đứt quan hệ tài chính với Israel và thoái vốn khỏi các công ty gây ra xung đột kéo dài nhiều tháng. Một số sinh viên Do Thái nói rằng các cuộc biểu tình đã chuyển sang chủ nghĩa bài Do Thái và khiến họ ngại đặt chân vào khuôn viên trường, một phần khiến các trường đại học buộc phải có biện pháp nặng tay hơn.

Tại Đại học New York tuần này, cảnh sát Mỹ cho biết 133 người biểu tình đã bị bắt giữ. Đại học Columbia đã ngăn chặn một cuộc đối đầu khác giữa sinh viên và cảnh sát. Hiệu trưởng Đại học Minouche Shafik đã đặt ra thời hạn nửa đêm để đạt được thỏa thuận giải phóng khu cắm trại, nhưng trường đã gia hạn đàm phán và cho biết sẽ tiếp tục đàm phán với những người biểu tình.

Cảnh sát Mỹ lần đầu tiên cố gắng giải tỏa khu trại ở Đại học Columbia vào tuần trước, khi họ bắt giữ hơn 100 người biểu tình. Nhưng, động thái này đã phản tác dụng khi đóng vai trò là nguồn cảm hứng cho các sinh viên khác trên khắp đất nước dựng trại tương tự và thúc đẩy những người biểu tình ở Columbia đoàn kết hơn. Trong khuôn viên Đại học Minnesota, hàng chục sinh viên đã biểu tình một ngày sau khi 9 người biểu tình bị bắt khi cảnh sát giải tán khu cắm trại phía trước thư viện. Hạ nghị sĩ Mỹ Ilhan Omar, có con gái nằm trong số những người biểu tình bị bắt tại Đại học Columbia vào tuần trước khi đã tham dự một cuộc biểu tình vào cuối ngày.

Phản ứng mạnh mẽ

Tờ Times of Israel đưa tin rằng “sự lan rộng của các cuộc biểu tình chống Israel được khuyến khích và tôn vinh bởi các nhà hoạt động ủng hộ Palestine. Điều này làm dấy lên mối lo ngại giữa các nhóm Do Thái trong khuôn viên các trường đại học, những người đang kêu gọi các nhà quản lý có hành động quyết liệt hơn”. Truyền thông Israel kết luận: “Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lên án sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài Do Thái trong nhiều cuộc biểu tình, nhưng dường như cũng kêu gọi sự thông cảm đối với những người biểu tình”. AFP cho biết: “Tại Mỹ đã bắt đầu có sự gia tăng các vụ việc bài Do Thái và bài Hồi giáo”.

Những cuộc biểu tình này gây ra nhiều phản ứng, bao gồm cả phản ứng chính trị. Tổng thống Joe Biden đã lên án trong một tuyên bố điều mà ông gọi là “chủ nghĩa bài Do Thái trắng trợn, đáng trách và nguy hiểm, hoàn toàn không có chỗ đứng trong khuôn viên trường đại học hoặc bất cứ nơi nào trên đất nước”.

Thị trưởng New York Eric Adams cũng chỉ trích những gì ông nhìn thấy ở thành phố của mình. Các quan chức của đảng Dân chủ cũng cảnh báo về các khẩu hiệu và hành vi bài Do Thái. Những hành vi này cũng bị 10 đại biểu đảng Cộng hòa của bang New York lên án, họ kêu gọi Hiệu trưởng Đại học Columbia từ chức. Họ được lãnh đạo bởi Elise Stefanik, người đã từng rất quyết liệt trong phiên điều trần của một số lãnh đạo trường đại học vào mùa thu, bị cáo buộc yếu đuối khi đối mặt với chủ nghĩa bài Do Thái và một số người trong số họ đã từ chức.

Ngoài ra, còn có những phản ứng từ giới kinh tế. Ví dụ, chủ sở hữu của đội bóng đá New England Patriots, Robert Kraft, một cựu sinh viên Columbia có một tòa nhà mang tên ông. Ông Kraft giải thích rằng ông đã không còn nhận ra ngôi trường đại học mà mình vô cùng yêu quý và quyết định ngừng tài trợ cho trường cho đến khi các biện pháp được thực hiện.

Các cuộc biểu tình đã khiến sinh viên đọ sức với nhau, trong đó sinh viên ủng hộ Palestine yêu cầu các trường đại học lên án cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza và kêu gọi thoái vốn khỏi các công ty bán vũ khí cho Israel. Trong khi đó, một số sinh viên Do Thái nói rằng phần lớn những lời chỉ trích Israel đã chuyển sang chủ nghĩa bài Do Thái và khiến họ gặp nguy hiểm. AFP kết luận: “Phần lớn người Mỹ hiện không tán thành hành động của Israel ở Gaza, một cuộc thăm dò gần đây của Gallup đã cho thấy điều đó”.

Duy Hưng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/sinh-vien-my-phan-doi-cuoc-chien-israel--hamas-i729724/