Singapore kết thúc kỷ nguyên của Thủ tướng Lý Hiển Long

Vị thủ tướng phục vụ lâu năm của Singapore – ông Lý Hiển Long sắp từ chức, đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên chính trị của quốc đảo này.

Sau 20 năm nắm quyền, ông Lý sẽ chính thức trao quyền cho Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong (Hoàng Tuần Tài) vào tối 15/5 (giờ địa phương).

Kể từ khi trở thành quốc gia độc lập vào năm 1965, Singapore chỉ có ba thủ tướng - tất cả đều thuộc Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền.

Đầu tiên là cha của ông Lý Hiển Long, ông Lý Quang Diệu, người được nhiều người coi là người sáng lập ra Singapore hiện đại và lãnh đạo đất nước này trong 25 năm.

Các nhà phân tích cho rằng quá trình chuyển đổi báo hiệu một sự tiến triển trong giới lãnh đạo chính trị của Singapore, mặc dù ông Lý Hiển Long sẽ vẫn ở trong nội các với tư cách là một bộ trưởng cấp cao.

Cuối tuần qua, trong cuộc phỏng vấn cuối cùng trên cương vị Thủ tướng với giới truyền thông địa phương, ông đã cảm ơn sự ủng hộ của người dân Singapore.

Ông Lý Hiển Long nhấn mạnh: “Tôi không cố gắng chạy nhanh hơn những người khác. Tôi cố gắng lôi kéo mọi người chạy cùng mình. Và tôi nghĩ chúng tôi đã đạt được một số thành công".

Ông Lý Hiển Long nói thêm rằng mình đã cố gắng "làm (mọi việc) theo cách của mình" theo một phong cách khác với cha của ông và người tiền nhiệm khác - ông Goh Chok Tong.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ từ chức vào cuối ngày 15/5

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ từ chức vào cuối ngày 15/5

Ông Lý Hiển Long tham gia chính trường vào năm 1984 với tư cách là người ủng hộ khi cha ông vẫn còn nắm quyền. Ông thăng tiến dưới thời thủ tướng thứ hai của Singapore, ông Goh trước khi nắm quyền vào năm 2004.

Trong hơn hai thập niên làm lãnh đạo Singapore, ông Lý Hiển Long đã tạo được nhiều dấu ấn của mình.

Dưới sự giám sát của ông, nền kinh tế Singapore đã đa dạng hóa và phát triển, khi hòn đảo này biến thành một cường quốc tài chính quốc tế và là điểm đến du lịch hàng đầu. GDP bình quân đầu người của nước này đã tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua. Chính phủ của ông Lý cũng được ghi nhận là đã lèo lái đất nước vượt qua nhiều cuộc suy thoái, khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch Covid-19.

Dưới thời Thủ tướng Lý Hiển Long, Singapore đã chuyển mình thành một cường quốc tài chính quốc tế và là điểm đến du lịch hàng đầu.

Trong địa chính trị quốc tế, ông Lý đã cẩn thận cân bằng mối quan hệ của Singapore với Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh các siêu cường đang ngày càng giằng co để có được đồng minh.

Với dòng dõi chính trị và hình ảnh uyên bác, có học thức, ông Lý được người dân Singapore yêu mến. Ông đã đứng đầu bảng xếp hạng khảo sát các chính trị gia nổi tiếng nhất Singapore và khu vực bầu cử của ông liên tục nhận được tỷ lệ phiếu bầu cao nhất trong các cuộc bầu cử.

Nhưng cũng có những lời chỉ trích cũng như tranh cãi nhắm vào ông.

Quyết định của chính phủ ông cho phép một lượng lớn người nhập cư đến để giải quyết tình trạng thiếu lao động vào cuối những năm 2000 đã gây ra sự bất bình sâu sắc. Khi Singapore trở nên giàu có hơn, bất bình đẳng xã hội gia tăng và khoảng cách thu nhập ngày càng mở rộng. Dưới thời ông Lý, đảng PAP nhận được tỷ lệ phiếu bầu thấp nhất từ trước đến nay vào năm 2011 và một lần nữa vào năm 2020.

Chuyên gia quản trị Singapore Donald Low, một học giả của Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, lưu ý: “Di sản chính của ông Lý Hiển Long sẽ là cách ông thúc đẩy nền kinh tế. Nhưng trong nửa đầu nhiệm kỳ của ông, điều đó phải trả giá bằng sự bất mãn ngày càng tăng trước tình trạng bất bình đẳng gia tăng, sự hiện diện ngày càng nhiều của người nước ngoài, cạnh tranh việc làm, tắc nghẽn giao thông và khả năng xói mòn bản sắc công dân”.

Một số nhà phân tích cũng cho rằng chính phủ của ông Lý chưa giải quyết thỏa đáng vấn đề dài hạn phức tạp liên quan đến nhà ở công cộng, nơi mà hầu hết người dân Singapore sinh sống. Tiền tiết kiệm của nhiều người được đầu tư vào những căn hộ được chính phủ cho thuê trong 99 năm và sẽ mất giá trị khi họ già đi.

Chính phủ đã thừa nhận những vấn đề này và cố gắng giải quyết bằng các quy định chặt chẽ hơn về nhập cư, các chương trình nhà ở mới và đề xuất cập nhật luật chống phân biệt chủng tộc.

Anh Duy

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/singapore-ket-thuc-ky-nguyen-cua-thu-tuong-ly-hien-long_162319.html