Siết chặt hoạt động chở khách từ tháng 6

Nhiều quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách sẽ được áp dụng. Sự thay đổi này được kỳ vọng nâng cao hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải, đảm bảo minh bạch và đặc biệt là an toàn đối với hành khách.

Nhiều quy định mới

Tại Nghị định số 41/2024/NĐ-CP, về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 10/2020 quy định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô, có hiệu lực từ ngày 1/6 tới, sẽ sửa đổi quy định liên quan đến quản lý hợp đồng vận chuyển của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Nếu như Nghị định 10/2020 quy định doanh nghiệp vận tải hành khách theo hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển về Sở GTVT nơi đăng ký kinh doanh hoặc phần mềm của Bộ GTVT thì Nghị định 41/2024 giờ đây chỉ còn quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng lưu trữ hợp đồng vận chuyển kèm danh sách hành khách tối thiểu 3 năm.

Nghị định 41/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 10/2020 quy định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô, có hiệu lực từ ngày 1/6.

Nghị định 41/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 10/2020 quy định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô, có hiệu lực từ ngày 1/6.

Đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách du lịch bằng xe ô tô, Nghị định 41/2024 cho phép được vận chuyển hành khách theo hợp đồng; đồng thời, thực hiện lưu trữ hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng lữ hành, kèm theo danh sách hành khách tối thiểu 3 năm.

Theo Nghị định 41/2024 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng cũng sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh (GPKD) nếu không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của cơ quan có thẩm quyền.

Hoặc trong thời gian 1 tháng, có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu, biển hiệu. Nghị định 41/2024 cũng bổ sung quy định thời hạn thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện.

Cụ thể, khi cơ quan cấp phù hiệu, biển hiệu ban hành quyết định thu hồi, trong thời hạn 10 ngày, đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại phù hiệu, biển hiệu, đồng thời dừng hoạt động kinh doanh vận tải đối với xe bị thu hồi.

Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải nộp lại phù hiệu, biển hiệu theo đúng quyết định thu hồi, Sở GTVT chỉ cấp lại, cấp mới phù hiệu, biển hiệu sau thời gian 30 ngày (hoặc 60 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục).

Trường hợp quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi mà đơn vị kinh doanh vận tải không nộp, Sở GTVT chỉ cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu sau thời gian 45 ngày (hoặc 90 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục) kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp đủ phù hiệu, biển hiệu theo quyết định thu hồi.

Trường hợp, đơn vị vận tải lấy lý do bị mất phù hiệu, biển hiệu trong quyết định thu hồi và muốn xin cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu, trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải, Sở GTVT không thực hiện cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu.

Nâng cao hiệu quả quản lý

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc nhằm nâng cao hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải sẽ tránh tình trạng đơn vị kinh doanh vận tải lấy lý do, chây ì, không nộp lại phù hiệu, biển hiệu mà vẫn sử dụng phương tiện để kinh doanh vận tải trái quy định. Từ đó, tăng trách nhiệm của doanh nghiệp trong chấp hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu phương tiện.

Đồng thời, tăng trách nhiệm trong quản lý lái xe, phương tiện đảm bảo không vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vận tải, vi phạm luật giao thông đường bộ vì có thể dẫn đến bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu, khó khăn trong việc cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu; thậm chí có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.

Ông Nguyễn Anh Quân - Giám đốc Công ty vận tải Hùng Cường cho rằng, việc siết chặt các hoạt động vận tải hành khách sẽ tạo ra một sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an toàn cho hành khách và phương tiện cũng sẽ được nâng cao.

“Đơn vị vận tải cũng cần có những hướng dẫn cụ thể về việc lưu trữ hợp đồng vận chuyển kèm danh sách hành khách sao cho đúng quy định và khi nào cần xuất trình, báo cáo cơ quan kiểm tra. Bên cạnh đó, với số lượng hành khách lớn, thì công tác lưu trữ cần được diễn ra như nào để khi cần có thể truy xuất được ngay” – ông Nguyễn Anh Quân chia sẻ.

Theo chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung, hiện nay, trước khi thực hiện chuyến đi, doanh nghiệp phải gửi email hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách về Sở GTVT quản lý. Nhưng theo phản ánh từ các Sở GTVT, số lượng nhân sự tại đây không đáp ứng được việc rà soát dẫn đến nhiều hạn chế trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, Cục Đường bộ Việt Nam cũng chưa xây dựng xong phần mềm tiếp nhận, quản lý hợp đồng vận chuyển của các xe vận tải trên toàn quốc.

“Việc yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng lưu trữ hợp đồng vận chuyển kèm danh sách hành khách tối thiểu 3 năm sẽ nâng cao ý thức, tính tự giác của doanh nghiệp. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm phải diễn ra thường xuyên, liên tục để tạo sức dăn đe. Và cần có quy định rõ ràng hơn về hình thức xử lý cũng như mức phạt đối với các đơn vị không chấp hành” - thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho biết thêm.

Thực tế, thời gian qua xảy ra tình trạng nhờn luật đối với một số doanh nghiệp vận tải vẫn sử dụng phương tiện nằm trong danh sách thu hồi phù hiệu vận chuyển hành khách, việc quy định thời hạn thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện sẽ giải quyết được tình trạng nêu trên.

Phạm Công

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/siet-chat-hoat-dong-cho-khach-tu-thang-6.html