Sau vụ phóng vệ tinh gây tranh cãi, Iran lần đầu tiên làm điều này

Truyền thông nhà nước đưa tin, ngày 28/1, Iran đã lần đầu tiên phóng đồng thời 3 vệ tinh bằng tên lửa Simorgh (Phoenix) do Bộ Quốc phòng nước này phát triển.

Vụ phóng vệ tinh của Iran hôm 20/1. (Nguồn: IRNA)

Vụ phóng vệ tinh của Iran hôm 20/1. (Nguồn: IRNA)

Theo tin trên, một vệ tinh nặng 32 kg và hai vệ tinh nano nặng dưới 10 kg, mỗi vệ tinh được đưa lên quỹ đạo ở độ cao tối thiểu 450 km, cùng với hai thiết bị nhỏ hơn nhằm mục đích thử nghiệm công nghệ truyền thông băng tần hẹp và định vị địa lý.

Vệ tinh lớn hơn, được đặt tên "Mahda" và do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Iran chế tạo, nhằm kiểm tra độ chính xác của tên lửa Simorgh trong việc vận chuyển nhiều hàng hóa lên vũ trụ.

Trước đó, Iran đã phóng vệ tinh Sorayya lên quỹ đạo trong tháng này bằng một tên lửa do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran chế tạo, làm dấy lên lo ngại của các cường quốc châu Âu rằng công nghệ của phương tiện phóng vào không gian có thể được sử dụng để phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo tầm xa.

Trong một tuyên bố chung đưa ra ngày 26/1, Pháp, Đức và Anh đã lên án vụ phóng vệ tinh, cho rằng tên lửa Qaem 100 là vỏ bọc để Iran phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo tầm xa.

Phản ứng trước cáo buộc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho biết, những tuyên bố mang tính can thiệp như vậy sẽ không làm ảnh hưởng đến quyết tâm đạt tiến bộ trong khoa học và công nghệ của Iran và việc sử dụng các công nghệ vi hòa bình là quyền của quốc gia này.

(theo Reuters)

An Chu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sau-vu-phong-ve-tinh-gay-tranh-cai-iran-lan-dau-tien-lam-dieu-nay-259075.html