'Sát thủ thầm lặng' càn quét Đông Nam Á và Nam Á

Philippines ngưng các lớp học trực tiếp tại trường công lập, trong khi nhu cầu điện ở Thái Lan tăng kỷ lục, do đợt nắng nóng ở Đông Nam Á và Nam Á kéo dài tới mức đáng báo động.

Theo cơ quan dự báo thời tiết quốc gia của Philippines, nhiệt độ ở vùng đô thị Manila đã tăng vọt lên 38,8C (101,8F) hôm 27/4.

Con số này đã vượt qua mức cao nhất mọi thời đại trước đó được ghi nhận vào tháng 5/1915, ABS-CBN News đưa tin.

"Sát thủ thầm lặng"

Bộ Giáo dục Philippines ứng phó với thời tiết oi bức và cuộc đình công của ngành vận tải bằng xe jeepney trên khắp đất nước bằng cách đóng cửa các trường công vào 29-30/4.

Tại Thái Lan, nhu cầu sử dụng điện lên tới mức kỷ lục 36.356 MW vào cuối ngày 27/4, Bộ Năng lượng nước này cho hay. Khu vực phía bắc và đông bắc đất nước dự kiến sẽ nóng nhất, với nhiệt độ cao nhất được ghi nhận ở một số khu vực đã lên tới 44 độ C hôm 28/4.

Vào lúc 12h16 chiều 26/4, thành phố Bangkok trải qua hiện tượng “không bóng” hiếm gặp khi Mặt Trời chiếu thẳng xuống đỉnh đầu. Ảnh: Bangkok Post.

Bangkok đã đưa ra cảnh báo nắng nóng cực độ vào tuần trước khi chỉ số nhiệt độ của nước này tăng lên mức “rất nguy hiểm”. Theo dữ liệu của chính phủ, khoảng 30 người đã chết do nhiệt độ cao trong năm nay ở Thái Lan, so với 37 trường hợp tử vong liên quan đến nhiệt độ trong cả năm 2023.

Nắng nóng và hạn hán bất thường trải rộng trong những tuần gần đây từ Ấn Độ, quốc gia đang thực hiện cuộc bầu cử lớn nhất thế giới giữa nhiệt độ tăng trên 40 độ C, đến một số vùng cũng ghi nhận nhiệt độ cao lịch sử khi có những ngày lên tới 44 độ C ở Myanmar.

Người lao động chật vật mưu sinh giữa nắng nóng ở Ấn Độ. Ảnh: NurPhoto, CNN.

Đầu tháng 4, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng hơn 243 triệu trẻ em trên khắp Đông Á và Thái Bình Dương có nguy cơ mắc các bệnh và tử vong liên quan đến nhiệt độ cao khi khu vực này chuẩn bị cho một mùa hè nóng bức bất thường.

Giáo sư Benjamin Horton, giám đốc Đài quan sát Trái Đất Singapore cho biết: “Mức nhiệt mà toàn cầu đã trải qua trong 12 tháng qua, cả trên đất liền và trên đại dương, đã khiến giới khoa học ngạc nhiên”.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) tuần qua đưa ra báo cáo cho thấy châu Á vẫn là “khu vực hứng chịu nhiều thiên tai nhất thế giới do các hiểm họa liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước trong năm 2023”. Theo đó, lũ lụt và bão gây ra số thương vong và thiệt hại kinh tế cao nhất được báo cáo, trong khi tác động của các đợt nắng nóng trở nên nghiêm trọng hơn.

Năm ngoái, các đợt nắng nóng nghiêm trọng ở Ấn Độ vào tháng 4 và tháng 6 đã khiến khoảng 110 người tử vong do say nắng. WMO cho biết: “Một đợt nắng nóng lớn và kéo dài đã ảnh hưởng đến phần lớn Đông Nam Á trong tháng 4 và tháng 5, kéo dài đến tận phía tây Bangladesh và Đông Ấn Độ, và phía bắc đến miền Nam Trung Quốc, với nhiệt độ kỷ lục”.

“Nắng nóng cực độ đang trở thành sát thủ thầm lặng”, Phó Tổng thư ký WMO Ko Barrett cho biết.

Đợt nắng nóng kéo dài đã buộc Philippines phải đóng cửa một số trường học vào đầu tháng này, khiến việc học từ xa trở lại như trong thời kỳ dịch Covid-19, trong khi chính phủ kêu gọi người dân tiết kiệm điện khi các nhà máy điện buộc phải đóng cửa.

Chính quyền tỉnh ở đảo chính Luzon sẽ thực hiện tuần làm việc bốn ngày cho đến tháng 7 để giảm thiểu tác động của nhiệt độ cao đối với nhân viên và công chúng.

Cơ quan thời tiết cho biết chỉ số nhiệt độ của quốc gia, đo mức nhiệt mà mỗi người cảm nhận thực có tính đến độ ẩm, được dự báo sẽ đạt tới 46 độ C vào thứ hai (29/4) tại Manila.

Các tháng 3, 4 và 5 thường là những tháng nóng nhất và khô nhất trong năm, nhưng điều kiện thời tiết năm nay càng trở nên trầm trọng hơn do hiện tượng El Nino.

Ông Glaiza Escullar từ cơ quan dự báo thời tiết Philippines cho biết: “Không chỉ riêng ở Metro Manila, tất cả các nơi trong nước dự kiến chứng kiến nhiệt độ nóng hơn cho đến tuần thứ hai của tháng 5”.

“Có khả năng các khu vực sẽ vượt quá nhiệt độ đo được hôm nay cho đến tuần thứ hai của tháng 5”, ông nói thêm.

Nguy hiểm

Không chỉ ở Philippines, nhiệt độ cao bất thường đang gây ra sự gián đoạn đối với lĩnh vực giáo dục và nông nghiệp ở nhiều nơi khác trên khắp khu vực châu Á. Bangladesh cũng buộc phải đóng cửa tất cả các trường học (kể cả đại học) trong tuần qua sau khi nhiệt độ tăng vọt lên từ 40 độ C lên đến 42 độ C ở một số khu vực.

Tại thủ đô Dhaka, độ ẩm là 73% và nhiều khu vực trên cả nước bị mất điện hàng ngày.

Một chiếc xe kéo đi ngang qua đài phun nước trong đợt nắng nóng đang diễn ra ở Dhaka, Bangladesh. Ảnh: Razu/NurPhoto.

Tổ chức Save the Children cho biết khoảng 33 triệu trẻ em ở Bangladesh chịu tác động.

“Các nhà lãnh đạo phải hành động ngay bây giờ để gấp rút kéo giảm sự gia tăng nhiệt độ, cũng như đưa yếu tố trẻ em - đặc biệt là những trẻ bị ảnh hưởng từ nghèo đói, bất bình đẳng và phân biệt đối xử - vào việc ra quyết định và tài trợ khí hậu”, Shumon Sengupta, Giám đốc Save the Children Bangladesh nhấn mạnh.

Hàng nghìn người ở Bangladesh đã tập trung tại các nhà thờ Hồi giáo và nhiều cánh đồng ở nông thôn để cầu mưa giải nhiệt.

Hạ Cúc

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/sat-thu-tham-lang-can-quet-dong-nam-a-va-nam-a-post1472777.html